23 tuổi vào cung làm thái giám sai vặt, 51 tuổi Lý Thường Kiệt đã là tướng tiên phong của Lý Thánh Tông

Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh của Anh hùng dân tộc, Thái úy Lý Thường Kiệt, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh xin giới thiệu nét chính về cuộc đời và sự nghiệp, công đức của Thái úy – một nhân tài kiệt xuất.

Lý Thường Kiệt lấy vợ đầu tiên năm 16 tuổi

Theo Phả xưa chép, Ngô Tuấn sinh năm Kỷ Mùi 1019 tại phường Thái Hòa (nay thuộc TP Hà Nội), từ nhỏ đã tỏ ra có tài năng, chuyên cần học tập, ngày học võ đêm ôn văn, theo học Lý Công Ẩn, một thân vương nhà Lý...

Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt sau này) lại được chồng của người cô là Tạ Đức truyền thụ binh pháp võ nghệ gia truyền. 

Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt sau này) lấy vợ năm 16 tuổi, chẳng may khi lâm bồn cả mẹ lẫn con đều chết. Năm 20 tuổi ông lấy vợ khác, một bà họ Tạ, một bà là Lý Thị Duy Mỹ. 

Phả xưa có đoạn: “Ngô Tuấn mặt mũi khôi ngô, dáng điệu đường hoàng, tính tình nhã nhặn khiêm tốn, có tài cả văn lẫn võ, lại siêng năng cần mẫn, hết lòng trung thành nên vua Lý Thái Tông tin yêu, muốn có Ngô Tuấn luôn gần gũi, nên khuyên Ngô Tuấn tự yêm để có thể ở lại trong cung cấm thường xuyên. Năm 23 tuổi Ngô Tuấn tự yêm”.

23 tuổi vào cung làm thái giám sai vặt,  51 tuổi Lý Thường Kiệt đã là tướng tiên phong của Lý Thánh Tông - Ảnh 1.

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, Anh hùng dân tộc được xây dựng ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ban đầu Ngô Tuấn chỉ là một thái giám làm việc lặt vặt hầu cận bên Vua, nhưng với tài năng của mình, ông đã lập được nhiều công lao và nhanh chóng chiếm được cảm tình trong hoàng tộc nhà Lý. 

Vì thế mà nhà Lý quyết định đổi ông từ họ “Ngô” sang họ “Lý” (tức mang họ của Vua) với tên gọi là Thường Kiệt. Bắt đầu từ đấy Lý Thường Kiệt đã ghi dấu tên tuổi của mình vào lịch sử. 

Với tài năng kiệt xuất, ông nhanh chóng được thăng đến chức Bổng hành quân hiệu úy – một chức võ quan cao cấp của triều đình. Năm 1053 ông được phong làm Nội thị sảnh đô tri khi 35 tuổi.

Lý Thường kiệt sinh thời trong bối cảnh Đại Việt bị kìm kẹp giữa liên minh Tống – Chiêm, giang sơn có thể bị mất bất kỳ lúc nào. Thế nhưng sự xuất hiện của ông vào đúng thời điểm lịch sử này không chỉ giúp giang sơn Đại Việt được giữ vững, mà những cuộc tấn công “bình Chiêm, phạt Tống” của ông khiến bờ cõi được mở mang, Chiêm Thành quy phục, Tống triều phải nể sợ.

Năm 1061 người Mường ở biên giới Thanh Hóa, Nghệ An quấy rối, Lý Thường Kiệt được lệnh đi dẹp loạn. Thế nhưng ông chủ trương không dùng bạo lực, mà cố gắng thu phục nhân tâm, giúp ổn định vùng biên giới phía Nam.

Năm 1064, vua Chiêm Thành là Chế Củ liên minh với nhà Tống tiến đánh Đại Việt. Lúc này Đại Việt gặp nguy khi phía Bắc bị Tống uy hiếp, phía Nam Chiêm Thành cũng lăm le xâm phạm. 

Tháng 2/1069, vua Lý Thánh Tông dẫn 5 vạn quân theo đường thủy tiến đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt được cử làm tướng đi tiên phong. Mọi việc ở nhà giao cho Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính, thái sư Lý Đạo Thành trợ giúp.

Tướng tiên phong Lý Thường Kiệt cho quân tiến đến đánh bại quân Chiêm Thành. Thừa thắng, tiến thẳng vào kinh thành, đang đêm vua Chế Củ bỏ trốn vào phía Nam. Sau đó Vua Chiêm phải đầu hàng và dâng 3 châu cho Đại Việt. 

Sau chiến công này Lý Thường Kiệt được phong Phụ quốc thượng tướng quân tước Khai quốc công. Không lâu sau lại được thăng lên Thái úy, nắm toàn bộ binh quyền cả nước.

Sau khi Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi mới 7 tuổi, Thái hậu Ỷ Lan nhận được tin từ Khu Mật Viện báo quân Tống chuẩn bị kế hoạch đánh Đại Việt, quân lương tập trung ở Ung Châu. 

Bà bàn việc này với Lý Thường Kiệt phải tiến đánh Ung Châu trước khi quân Tống tiến sang và được ông ủng hộ. Năm 1075 quân triều đình của Lý Thường Kiệt cùng quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số tiến đánh sang đất Tống. Trận đánh của Lý Thường Kiệt khiến nhà Tống mất mặt đến mức quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt để phục thù.

Đầu năm 1077. tướng Tống Quách Quỳ dẫn 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, trong đó có 10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen. Lý Thường Kiệt chỉ huy toàn quân Đại Việt bước vào cuộc chiến bảo vệ giang sơn.

Lý Thường Kiệt dùng quân chủ lực chặn quân Tống tại sông Như Nguyệt, đây là con sông kéo dài chắn ngang đường tiến xuống phía nam, ông đã tính rằng quân Tống không còn thủy binh thì sẽ khó qua sông.

Quách Quỳ chờ thủy binh không được đành tự đóng thuyền rồi cho quân vượt sông, nhưng lần nào cũng bị đánh bại, phải ra lệnh không vượt sông nữa, cố thủ chờ thêm viện binh.

Lý Thường Kiệt chờ cơ hội chín muồi thì cho quân vượt sông đánh Tống và thắng lớn. Lúc này quân Tống bị tiêu diệt quá nửa, lương thực đã cạn. 

Lý Thường Kiệt liền cho người mang thư tới nghị hòa, quân Tống đang tuyệt vọng nên đồng ý và rút quân về nước.Cuộc chiến của Lý Thường Kiệt và quân dân Đại Việt đã đập tan ý chí Nam tiến của quân Tống, khiến nhà Tống từ đó không dám ngó ngàng dải đất phương Nam nữa.

Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân tiến đánh, chiếm lại các vùng đất mà vua Chế Củ đã nhượng lại cho Đại Việt trước đây. Lý Thường Kiệt lúc này đã 86 tuổi vẫn cố sức gượng dậy, đưa quân về phía Nam đánh bại quân Chiêm Thành. Chế Ma Na phải nộp lại đất cho Đại Việt. Sau chiến công này, sức khỏe Lý Thường Kiệt giảm nhiều do tuổi già, một năm sau thì ông mất.

“Đây là 1 con người tuấn kiệt, uy danh lừng lẫy không chỉ mang lại vinh quang cho dòng họ Ngô mà còn là phúc tinh của nước Nam này nữa”, câu nói của vị cao nhân biết quan sát thiên tượng ngay trước khi Lý Thường Kiệt sinh ra đã trở thành sự thật. Trong thời điểm khó khăn, Thiên thượng đã để ông giáng sinh ở nước Nam để ghi lại dấu ấn lịch sử cho con dân Đại Việt.

Theo DANVIET