Vua Lê Hoàn cưới vợ của vua Đinh Tiên Hoàng
Lê Hoàn (941-1005) là vị Hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt, trị vì đất nước trong 24 năm. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Ông sớm mồ côi cha mẹ và được người họ Lê ở làng Mía (nay thuộc xã Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhận làm con nuôi.
Khi trưởng thành, Lê Hoàn theo giúp Đinh Bộ Lĩnh và được đánh giá là người trí dũng, làm được việc bèn giao cho cai quản một nghìn quân sĩ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua (tức Đinh Tiên Hoàng) đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Năm 971, vua Đinh bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Khi ấy, Lê Hoàn được làm Thập đạo tướng quân.
Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi lên nối ngôi. Còn bà Dương Vân Nga được tôn lên làm hoàng thái hậu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính và trực tiếp dẹp tan thế lực chống đối trong nội bộ triều đình. Sau đó ông tiếp tục đánh giặc xâm lăng từ phương Bắc.
Tháng 6/980, vua Tống lựa thời cơ nước Nam đang rối ren, vua còn nhỏ, đem quân chinh phạt. Lúc này Lê Hoàn được quân sĩ và Dương Thái hậu đồng tình tôn lên ngôi vua thay Đinh Toàn.
Đến năm 982, ông lập Dương Thái hậu làm Đại Thắng Minh hoàng hậu, cùng 4 người vợ trước của vua.
Trần Thái Tông lấy vợ của anh trai ruột
Trần Thái Tông (1218 – 1277) tên thật Trần Cảnh là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên lúc họ Trần, đặc biệt là chú ruột Trần Tự Khánh nắm quyền binh trong triều đình nhà Lý.
Năm 1225, Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái 7 tuổi là Chiêu Thánh (tức vua Lý Chiêu Hoàng). Lúc này Trần Cảnh mới 8 tuổi được người chú họ là Trần Thủ Độ tiến cử làm Chi hậu chính chi ứng cục, hầu hạ cho nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng.
Trần Cảnh trạc tuổi với Chiêu Hoàng nên rất được quý mến, gần gũi và hay chơi đùa. Trần Thủ Độ đã lợi dụng điều này để dàn xếp hôn nhân giữa Chiêu Hoàng với Trần Cảnh, sau đó ép Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng. Tháng 11/1225, Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng Chiêu Hoàng trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, chấm dứt 216 năm tồn tại của nhà Lý.
Lấy cớ Lý Chiêu Hoàng không thể sinh con, năm 1237, Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông lập Thuận thiên Công chúa – vốn là chị gái của Chiêu Hoàng, đồng thời là vợ của Hoài vương Trần Liễu, anh ruột vua, lên thay.
Éo le, Thuận Thiên khi đó lại đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng. Sự kiện này đã dẫn đến những biến loạn trong những năm tháng đầu của triều đại nhà Trần khiến đời sau dị nghị.
Lê Thần Tông lấy vợ hơn 12 tuổi, là vợ của bác họ
Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua thứ 6 của thời Lê trung hưng, 17 của nhà Hậu Lê. Ông là vua duy nhất của các triều đại Phong kiến Việt Nam có hai lần lên ngôi và lấy vợ phương Tây. Ông còn lập kỷ lục khi có đến 4 người con đều làm vua gồm: Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông.
Năm 1619, Trịnh Tùng ép vua Lê Kính Tông tự tử, lập Thần Tông lên ngôi vua, khi ấy mới chỉ 12 tuổi. Đó cũng là lúc cuộc chiến giữa họ Trịnh và họ Nguyễn bùng nổ. Cả hai họ đều nhân danh “phù Lê” để chống lại nhau.
Tháng 10/1643, sau 24 năm làm vua, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai là Lê Duy Hựu (tức vua Lê Chân Tông) rồi lên làm Thái thượng hoàng. Nhưng Chân Tông chỉ ngự trị được 7 năm thì qua đời nên Lê Thần Tông trở lại làm vua.
Vua Lê Thần Tông có tất thảy 6 người vợ. Người vợ chính là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (hơn ông 12 tuổi) và là con gái của chúa Trịnh (cậu ruột ông). Năm ấy, ông mới 23 tuổi, còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36. Không chỉ chênh lệch về tuổi tác, nếu xét theo thứ bậc trong hoàng tộc, bà Ngọc Trúc còn là bác dâu của ông vì người chồng trước của bà là Lê Trụ, bác họ của Lê Thần Tông.
Đinh Tiên Hoàng lấy mẹ của kẻ thù làm vợ
Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) tên húy Đinh Bộ Lĩnh là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh trong lịch sử phong kiến. Ông sớm mồ côi cha. Thuở bé, ông theo mẹ vào động bên cạnh đền thờ sơn thần sinh sống.
Năm 944, khi Đinh Bộ Lĩnh tròn 20 tuổi, vua Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha chiếm ngôi và xưng là Bình Vương. Lúc bấy giờ con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương) tạo nên cuộc tranh chấp ngôi báu giữa nhà Ngô và ngoại tộc.
Kết quả, Dương Tam Kha bại trận, Ngô Xương Ngập cùng em trai là Ngô Xương Văn nắm lại quyền lực. Do cả hai cùng nắm quyền nên triều đình ngày càng trở nên rối ren, các sứ quân cát cứ bắt đầu hình thành và nổi dậy.
Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp lực lượng để trở thành thủ lĩnh, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu, thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước. Triều đình nhà Ngô đang rệu rã đã cho quân đến đánh dẹp. Đinh Bộ Lĩnh liền cho con mình là Đinh Liễn đến triều đình Cổ Loa làm con tin để hòa hoãn.
Biết được ý định tạm hòa hoãn để xây dựng lực lượng, hai vương nhà họ Ngô đã cho quân tiến đánh động Hoa Lư nhưng bị chống trả quyết liệt, liền treo Đinh Liễn lên cây dọa giết. Đinh Bộ Lĩnh đanh thép nói: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao”, sau đó sai hơn chục người cầm cung nỏ nhằm bắn vào Đinh Liễn khiến hai vương nhà Ngô phải cho quân rút lui. Đinh Liễn thoát chết.
Nhờ đó, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh với nhiều tướng lĩnh tài ba và các tráng đinh từ vùng Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa ngày nay.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh và chết. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh các thế lực chống đối và chết trận. Không còn chính quyền trung ương, đất nước càng thêm rối loạn rồi bị chia rẽ sâu sắc bởi sự nổi lên của 12 sứ quân. Cùng lúc đó, triều đình phương Bắc nhăm nhe khôi phục ách đô hộ. Vì thế, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dẹp loạn.
Suốt hai năm, Đinh Bộ Lĩnh thuyết phục, vận động, liên kết, hàng phục và dùng sức mạnh quân sự để đánh dẹp các thế lực cát cứ. Cuối cùng ông đã lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước, được gọi là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và cho định đô ở Hoa Lư.
Lên ngôi sau khi dẹp “loạn 12 sứ quân”, vua Đinh Tiên Hoàng luôn tìm cách khống chế tầm ảnh hưởng của các sứ quân và hậu duệ của họ, trong đó có cả biện pháp dùng hôn nhân. Cụ thể, ông đã lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh – 1 trong 12 loạn sứ quân, con cháu của Ngô Quyền làm vợ rồi phong hoàng hậu, đồng thời gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh; cho em gái của Nhật Khánh lấy con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn.
Dã sử không ghi mẹ của Ngô Nhật Khánh tên là gì, chỉ ghi là Ngô phu nhân. Có thuyết cho rằng bà sinh với Đinh Tiên Hoàng một hoàng tử là Đinh Hạng Lang.
THEO DANVIET