Nỏ thần Liên Châu
Nỏ Liên Châu do tướng quân Cao Lỗ chế tạo dưới thời Thục Phán An Dương Vương nhà nước Âu Lạc, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ. Tương truyền, nỏ có thể bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: “Linh Quang Thần Cơ”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ Liên Châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Về sau, Triệu Đà sử dụng kế nội gián để cho con trai Trọng Thủy kết hôn với Mỵ Châu. Ý đồ muốn ăn cắp bí quyết chế tạo nỏ của ông cuối cùng cũng thực hiện được. Nhờ vậy mà ông đã chinh phục Âu Lạc thành công.
Cọc Bạch Đằng
Lần đầu vào năm 938, Ngô Quyền cho quân sĩ đóc cọc gỗ bịt sắt xuống lòng sông Bạch Đằng. Trong trận đánh ác liệt cùng quân Nam Hán, tướng Lưu Hoàng Tháo cùng với hơn nửa số quân sĩ của mình đã bỏ mạng tại đây. Ngô Quyền đã mang về chiến thắng lịch sử cho nước nhà, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở ra triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Cũng trên sông Bạch Đằng, năm 1288 Trần Hưng Đạo cũng áp dụng trận địa tương tự như Ngô Quyền để đánh tan quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Có thể nói, các bãi cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đã trở thành vũ khí huyền thoại của người Việt khiến thế giới phải choáng.
Súng thần cơ
Súng thần cơ được phát minh bởi Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly. Hồ Nguyên Trừng là một nhà quân sự kiệt xuất, nhà khoa học lỗi lạc khi chế tạo ra vũ khí khiến thế giới phải nể phục trong thời điểm này.
Thần Cơ lúc đó được coi là đệ nhất súng, vũ khí đáng sợ nhất mà Trung Quốc chưa hề có. Khi nhà Minh sang xâm lược năm 1406, ông đã dùng chính súng thần cơ để đánh giặc. Quân giặc thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, nhà Hồ thời điểm đó vẫn còn khá non yếu nên không thể đánh bại được quân Minh. Nhà Minh sau khi đánh bại được nhà Hồ đã bắt Hồ Nguyên Trừng và giao cho ông sáng chế ra loại vũ khí này.
Với súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng sáng chế, nhà Minh đã dùng nó để đánh tan giặc Mông Cổ.
Voi chiến
Từ lâu, người Việt đã biết sử dụng voi cho mục đích chiến đấu. Thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi xông trận đã khiến giặc phương Bắc khiếp sợ. Đến thời Tây Sơn, thứ vũ khí này mới đạt đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự.
Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã biến voi thành lực lượng hỏa lực cơ động mang theo đại bác và hỏa pháo trên lưng thực hiện nhiệm vụ phục kích đáng sợ. Voi chiến đã góp phần giúp Quang Trung đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược vào năm 1789.
V.Đ (Võ Thuật)