Bạo chúa triều Minh trái lời cha, âm thầm động binh xâm lược Đại Việt

Thái độ của Minh Thái Tổ đối với Đại Việt không nhất quán, thay đổi theo hoàn cảnh. Từ lúc mới lập nên triều Minh, ông đã có ý muốn thôn tính nước ta. Tuy nhiên, vua Minh về sau nhận ra rằng nước Minh còn có nhiều vấn đề quan trọng hơn việc thôn tính Đại Việt. Nhân việc triều đình nhà Trần lúc này tỏ thái độ quá bạc nhược, thụ động, Minh Thái Tổ mới muốn dùng uy vũ hù dọa rồi qua đó hạch sách nước ta kiếm lợi, không đánh mà khiến Đại Việt phải dần trở thành nước lệ thuộc. Triều đình nhà Trần lúc này dưới sự cai trị kém cỏi của những người như Trần Nghệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông đã không đủ dũng khí để bảo vệ danh dự, lợi ích, quyền tự chủ của nước Đại Việt trước nước Minh.

Bạo chúa triều Minh trái lời cha, âm thầm động binh xâm lược Đại Việt - Ảnh 1.

Minh Thành Tổ Chu Đệ.

Năm 1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương chết. Trước đó, ông đã viết Hoàng Minh Tổ Huấn để răn dạy các vị vua kế nhiệm. Trong tác phẩm này, Minh Thái Tổ đã nói rõ mối nguy mà các vua đời sau cần lưu tâm, cũng như những nước không nên đánh. Mặc dù văn phong trong tác phẩm này thể hiện sự tự tôn thái quá của một vị vua Trung Hoa, nhưng nó cũng thể hiện được tầm nhìn của Chu Nguyên Chương về giá trị của hòa bình :

“ … Những nước Di bốn phương đều núi ngăn biển cách, lánh tại một góc, lấy được đất họ không đủ để cung cấp, thu được dân họ không đủ để sai khiến. Nếu họ không tự biết suy xét mà đến gây nhiễu biên giới nước ta thì đấy là điều không may. Nhưng bên ấy không làm hại Trung Quốc mà ta lại dấy binh đi đánh họ thì cũng là điều không may vậy. Trẫm sợ con cháu đời sau cậy vào sự giàu mạnh mà tham chiến công một thời, vô cớ dấy binh dẫn đến tổn hại mạng người, hãy nhớ kĩ là không được làm như vậy ! Nhưng người Hồ - Nhung kề biên giới phía tây bắc, liền tiếp lẫn nhau, nhiều đời tranh chiến, thì phải chọn tướng rèn binh, lúc nào cũng nên phòng giữ cẩn thận. Nay đề tên những nước Di không được đánh, xếp đặt ở sau đây :

Phía đông bắc :

- Nước Triều Tiên

Phía chính đông lệch bắc :

- Nước Nhật Bản

Phía chính nam lệch đông :

- Nước Đại Lưu Cầu [Okinawa]

- Nước Tiểu Lưu Cầu [thuộc Okinawa]

Phía tây nam :

- Nước An Nam [Đại Việt]

- Nước Chân Lạp [Khmer]

- Nước Xiêm La [Sukhotai]

- Nước Chiêm Thành

- Nước Tô Môn Đáp Lạt [Sumatra]

- Nước Tây Dương

- Nước Trảo Oa [Java]

- Nước Bồn Hanh

- Nước Bạch Hoa

- Nước Tam Phật Tề [Srivijaya]

- Nước Bột Nê [Borneo]

Hoàng Minh Tổ Huấn là chiêm nghiệm từ suốt cả một quá trình tạo dựng nên sự nghiệp của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Chung quy lại những lời trên, vị vua khai sáng nước Minh đã chỉ ra rằng lãnh thổ của Minh triều đã rất rộng lớn và trù phú, các vua kế vị nên tập trung bảo vệ đất nước khỏi những đe dọa bên ngoài để tạo dựng một đế chế thanh bình, vững chắc. Việc xâm lược những nước không gây hại đến nước mình chỉ là việc tham công nhất thời, đem lại những lợi ích nhỏ nhoi mà không phải là việc nên làm cho lợi ích lâu dài. Điều đó rất đúng với câu nói trong sách Tư Mã Pháp của tác giả Tư Mã Nhương Thư nước Tề thời Xuân Thu: “Nước tuy lớn, hiếu chiến tất vong”.

Chúng ta cần biết rằng việc cuối đời Chu Nguyên Chương từ bỏ ý tưởng xâm lược Đại Việt chủ yếu xuất phát từ động cơ bảo vệ lợi ích của nước Minh. Bởi kể từ khi Chu Nguyên Chương đánh đuổi Nguyên Mông về bắc đến khi ông chết, mối đe dọa từ đế chế Nguyên Mông ở phía bắc mà sử sách gọi là Bắc Nguyên vẫn luôn là mối đe dọa lớn của nước Minh. Mặc dù người Mông Cổ không có được sự đoàn kết cần thiết, bù lại quân đội Bắc Nguyên có thành phần là những chiến binh thảo nguyên thiện chiến, nhiều lần khiến quân Minh chịu thương vong lớn. Việc gây chiến với các lân bang thân thiện khác sẽ khiến cho nước Minh chuốc thêm thù oán, tăng nguy cơ quân đội bị sa lầy ở nước ngoài hoặc tự đặt mình vào thế lưỡng đầu thọ địch. Người Trung Hoa vốn không thiếu những bài học đắt giá về sự hiếu chiến, kể cả lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Rất tiếc rằng, đời vua sau của nước Minh đã không nghe theo lời của Minh Thái Tổ. Sau khi vua khai sáng của nước Minh chết, đất nước mới này xảy ra biến động lớn rồi từ đó một bạo chúa đã lên ngôi.

Minh Thái Tổ nhường ngôi cho hoàng thái tôn Chu Doãn Văn, tức Minh Huệ Đế. Vị vua này vì muốn tập trung quyền lực vào tay triều đình trung ương đã thi hành chính sách Bãi Phiên, tức bãi bỏ chế độ phân phong cho các phiên vương. Những phiên vương vốn là con cháu hoàng tộc họ Chu, được Minh Thái Tổ phong đất đai, có quân đội riêng trong lãnh địa. Chính sách bãi phiên khiến cho các phiên vương nổi lên chống lại triều đình. Trong số đó, Yên vương Chu Đệ, con trai thứ thư của Chu Nguyên Chương là người có quân đội mạnh và có tài lãnh đạo. Chu Đệ cuối cùng đánh bại được Minh Huệ Đế trong cuộc nội chiến, cướp được ngôi vua nước Minh. Năm 1402, Chu Đệ lên ngôi vua, tức Minh Thành Tổ (hay Minh Thái Tông) trong sử sách.

Mặc dù là một vị vua có tầm nhìn, có tài năng nhưng Minh Thành Tổ cũng nổi tiếng là một con người tàn bạo. Dưới sự cai trị của ông, một mặt nước Minh nối tiếp đà phát triển mạnh từ thời Minh Thái Tổ, mặc khác cũng là một xã hội hà khắc với đủ thứ nghiêm hình dành cho những hành vi chống đối hay bị coi là chống đối.

Lúc bấy giờ tại nước ta, nhà Hồ đã thay thế nhà Trần, đặt tên nước là Đại Ngu, vua đương nhiệm là Hồ Hán Thương, con trai thứ của Hồ Quý Ly. Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly vẫn cùng con mình trông coi chính sự. Chiến tranh với Chiêm Thành vẫn dai dẳng, mặc dù Đại Ngu đã lấy lại được thế thượng phong. Minh Thành Tổ theo đuổi chính sách ngoại giao hiếu chiến với Đại Ngu, hoàn toàn trái ngược với lời di ngôn của Minh Thái Tổ trong Hoàng Minh Tổ Huấn.Sứ giả nước Minh liên tiếp sang Đại Ngu hạch hỏi về việc con cháu họ Trần còn hay không để uy hiếp vua nhà Hồ. Vua Hồ Hán Thương phải nói dối rằng con cháu họ Trần không còn ai, hòng được Minh triều công nhận làm An Nam Quốc Vương như một thông lệ ngoại giao.

Minh Thành Tổ không tin, lại phái Hành nhân Dương Bột sang đem thư chiêu dụ dân chúng, quan lại nước ta hỏi xem lời của Hồ Hán Thương có thật hay không. Vua Hồ phải sai sứ sang Minh nộp tờ cam đoan của phụ lão trong nước rằng vua Hồ Hán Thương nói thật. Bấy giờ Minh Thành Tổ mới phong tước cho Hồ Hán Thương làm An Nam Quốc Vương. Thực chất việc làm của Minh Thành Tổ chỉ là một bước đi hòng lung lạc tinh thần quân dân nước Đại Ngu, làm “chính danh” cho âm mưu xâm lược của mình.

Năm 1403, Đại tướng quân nước Đại Ngu là Phạm Nguyên Khôi nhận lệnh vua Hồ đem 20 vạn quân thủy bộ tấn công Chiêm Thành. Vua tôi nước Chiêm cho người sang cầu cứu nước Minh. Minh Thành Tổ Chu Đệ lệnh đem 9 thuyền chiến lớn sang cứu viện cho Chiêm Thành. Trong cuộc chiến này, tướng nước Đại Ngu dùng quân lệnh rất nghiêm nên quân lính liều mình chiến đấu, vây bức được kinh thành Chà Bàn. Tuy nhiên quân Đại Ngu vấp phải sự cố thủ kiên cường của quân Chiêm Thành. Thành Chà Bàn vẫn không bị hạ sau nhiều tháng. Cuối cùng, quân Đại Việt phải rút lui vì hết lương thực. Đến khi quân Đại Ngu rút về thì binh thuyền nước Minh mới đang trên đường tới Chiêm Thành.

Hai hạm đội của Đại Ngu và Đại Minh gặp nhau ngoài biển. Quân Minh ít hơn, vốn định sang phối hợp với quân Chiêm nhưng nay lại gặp quân Đại Ngu trong hoàn cảnh đơn độc. Tướng Minh mới cho người sang nói với Phạm Nguyên Khôi rằng đôi bên nên rút quân về, không nên ở lại. Thuyền của Đại Ngu đông mạnh hơn nhiều lần, nhưng tướng Phạm Nguyên Khôi không dám đánh vì sợ người Minh kiếm cớ động binh lớn. Rốt cuộc hai bên mạnh ai nấy thoái lui về nước mình. Khi Nguyên Khôi về triều báo việc gặp quân Minh ngoài biển mà không đánh, Thượng hoàng Hồ Quý Ly rất tức giận, quở trách Nguyên Khôi sao không giết chết quân Minh.

Rõ ràng nhà Hồ thực có chí tự cường, nhưng nội bộ không đồng nhất về hành động. Về phần Minh Thành Tổ Chu Đệ là một ông vua hiếu chiến hơn hẳn cha mình. Lời của Chu Nguyên Chương khuyên rằng không nên đánh nước ta, Chu Đệ đã không coi ra gì. Quãng thời gian từ năm 1403 về sau, tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Tham vọng bành trướng của Minh Thành Tổ Chu Đệ sắp ném hai dân tộc vào một cuộc chiến tranh dai dẳng, tàn khốc. Đó là tai họa cho nước Đại Việt, cũng là tai họa cho nước Minh vậy.

THEO DANVIET