Địa đạo Nam Hồng nằm ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, đây là nơi che giấu nhiều cán bộ xã, huyện nằm vùng; nơi hoạt động bí mật của du kích và được coi là hệ thống địa đạo đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh của nước ta.
Năm 1996, di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên, người dân ở đây chia sẻ đều chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức, cho nên di tích ngày càng bị mai một. Hiện nay, 11km địa đạo cũ nay chỉ còn 200m chạy dưới lòng đất của các gia đình và hơn 100m giao thông hào. Hơn mười cửa hầm lên xuống giờ chỉ còn hai cửa hầm.
Theo quan sát, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc. Hai ngôi nhà trên vẫn giữ nguyên về hình dáng song đã sửa sang, tôn tạo để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của gia đình.
Ông Phạm Quang Hài, con trai của Phạm Thị Lai kể lại theo lời của mẹ: "Trước sự tấn công ác liệt của quân Pháp, nhiều trai tráng trong làng tham gia đào địa đạo, kèm theo là 465 hầm bí mật, 2.680 hố tác chiến, hàng nghìn mét hào... phục vụ chiến đấu. Địa đạo Nam Hồng có hơn 10 cửa bí mật, nằm dưới gầm giường, ngoài vườn, các khu mộ…".
Được biết, hầm nằm sâu dưới mặt đất hơn 1 mét để bom nổ bên trên cũng không sập được; chiều cao hầm từ 60 - 80 cm, rộng khoảng 50 cm. Nắp xuống địa đào được đào bí mật dưới gầm giường, bờ ao, bờ lũy. Khi làng có nhiều hầm, người ta mới đào thông các hầm với nhau tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới đất, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo bí mật.
Còn tại nhà cụ Dộc, trong căn bếp cũ ở góc vườn hiện còn lại một cửa hầm dẫn xuống địa đạo. "Ngày xưa, lúc các cụ trong làng đào địa đạo này, tôi mới có vài tuổi. Chính bố tôi là người làm nhiệm vụ canh giữ cửa hầm và che giấu cán bộ. Hồi xưa, cụ vẫn thường kể cho con cháu nghe về những ngày giặc Pháp càn quét ở Nam Hồng", cụ Dộc chia sẻ.
Không phải ai cũng biết ở Hà Nội có một địa đạo là địa đạo Nam Hồng (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) được xây dựng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1996.
Dấu tích di tích còn xót lại không nhiều, hơn mười cửa hầm lên xuống giờ chỉ còn hai cửa hầm.
Một cửa hầm nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai.
Dưới địa đạo được chia thành nhiều ngách thông nhau.
Một đoạn địa đạo, tường được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm.
Dưới địa đạo rất ẩm thấp và không có ánh sáng.
Các thanh chống bắt có dấu hiệu xuống cấp, nhiều thanh sắt bị hoen gỉ.
Hầm nằm sâu dưới mặt đất hơn 1 mét để bom nổ bên trên cũng không sập được; chiều cao hầm từ 60 - 80 cm, rộng khoảng 50 cm.
Khi làng có nhiều hầm, người ta mới đào thông các hầm với nhau tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới đất, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo bí mật.
Lối đi rất nhỏ và khó đi.
Lối lên trong căn bếp cũ ở góc vườn của cụ Dộc.
Cụ Dộc cũng như người Nam Hồng bày rỏ mong muốn cơ quan chắc năng sẽ trùng tu phục hồi để mọi người có thể đến tham quan.
Bia đá đánh dấu nơi hy sinh của chiến sĩ khi đánh trả 1 tiểu đoàn địch.
Duy Phạm (Theo Báo Tiền Phong)