Biết âm mưu của Mạc Mậu Hợp nên vợ Văn Khuê đã mật báo cho chồng. Vì thế Văn Khuê đã đem quân bản bộ về giữ Gia Viễn, chống lại lệnh vua Mạc. Mạc Mậu Hợp mấy lần vời không được phải cho quân tướng đến hỏi tội Văn Khuê. Văn Khuê một mặt đem quân chống giữ, mặt khác cho con là Bùi Văn Nguyên vào hàng quân Trịnh và xin quân cứu viện. Trịnh Tùng rất mừng, thu nhận ngay và cho quân ra cứu Văn Khuê. Thế là thủy quân, chỗ mạnh nhất của nhà Mạc đã lọt vào tay quân Trịnh. Trịnh Tùng được Văn Khuê giúp nên rõ ràng thế thắng đã ở trong tay!
Mạc Mậu Hợp giả làm sư vẫn bị quân Trịnh bắt giữ.
Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), thủy quân Trịnh gồm 300 chiếc thuyền đánh vào huyện Kim Thành. Mạc Mậu Hợp bỏ chạy, quân Trịnh thu được rất nhiều vàng bạc, của cải, đồ dùng và bắt Thái hậu nhà Mạc giải về Thăng Long. Tới sông Bồ Đề, Thái hậu nhà Mạc nhảy xuống sông tự vẫn. Mạc Mậu Hợp trao hết quyền binh cho con trai là Toàn lên làm vua còn mình thì chạy trốn.
Khi quan quân Trịnh Tùng từ sông Tranh về Thăng Long, nghe có người báo rằng Mạc Mậu Hợp cạo đầu làm sư, ẩn ở chùa Mô Khuê hạt Phượng Nhãn, Trịnh Tùng bèn sai Nguyễn Đình Luận và Lưu Chản dẫn quân đi tìm bắt. Dân địa phương cho biết: Hôm nọ Mậu Hợp giả làm ông sư, đến ẩn ở đây, đến nay đã 11 ngày. Quân Trịnh bèn tìm đến chùa. Lúc đó Mạc Mậu Hợp đang nghiễm nhiên ngồi xếp bằng tròn tụng kinh niệm Phật. Khi được hỏi thì Mậu Hợp ấm ớ đáp rằng: Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này; chén muối, đĩa rau hàng ngày thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm.
Quân Trịnh thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Mạc Mậu Hợp tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng: Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn núp trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã.
Quân sĩ bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng: Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vầy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bầy tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn.
Quân Trịnh bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp và 2 kỹ nữ, giải về Thăng Long. Khi tới trước hành doanh, Trịnh Tùng sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến. Mậu Hợp hành lễ dập đầu phủ phục ở ngoài sân. Trịnh Tùng truyền hỏi tới 3 lần, Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, Trịnh Tùng bèn sai dẫn ra ngoài cửa quân, giam tù tại đây
Khi ấy, tất cả các quan văn võ của Nam triều đều bàn: Chiếu theo điều luật, những kẻ phạm tội thoán thí, thì xử theo luật “lăng trì”, để làm gương cho mọi người, và đúng phép nước; lại đem thủ cấp tế cáo nhà Tôn miếu, để rửa sỉ nhục của Tiên vương và bớt cơn giận của thần dân.
Tuy vậy nhưng Trịnh Tùng không nỡ ra tay dùng cực hình, nên chỉ treo sống Mậu Hợp ba ngày, sau đó cho chém dầu ở bãi Bồ Đề, thủ cấp đem hiến hoàng đế nhà Lê ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hóa, sau đó bị đóng đinh đem bêu ngoài chợ.
Đ.T (Theo Báo Bình Phước)