Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ 7 của vua Dục Đức. Ông sinh năm Kỷ Mão (1879). Sau khi vua Đồng Khánh mất vào năm Mậu Tý (1888), ông được Khâm sứ Pháp Rheimart và Nam triều chọn nối ngôi. Lễ đăng quang tổ chức vào năm Kỷ sửu (1889).
Vua Thành Thái làm vua được 18 năm (1889-1907). Tuy nhiên, do có những tư tưởng và hoạt động chống Pháp nên bị truất ngôi rồi bị bắt. Năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Bạch Dinh, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.
Ông mất ngày 20/3/1954 tại Sài Gòn và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
Cuộc đời của vua Thành Thái không chỉ gắn liền với những câu chuyện của lòng yêu nước. Ở một mặt khác, vua Thành Thái còn gắn liền với những giai thoại kì lạ về các phi tần của mình.
Nổi tiếng nhất đến nay vẫn là chuyện vua Thành Thái gặp cô gái chèo đò trên sông Hương, chỉ qua một câu tỏ tình nửa đùa nửa thật, cô gái chèo đò đã trở thành mẫu nghi thiên hạ. Đây là chuyện tuyển phi tần lạ lùng trong lịch sử.
Đấy là lần vua Thành Thái cải trang đi vi hành. Đến làng Kim Long, ngoại thành Huế, khi lên đò, ông thấy cô lái đò tuổi đôi mươi má ửng hồng rất duyên. Ông tiến đến gần cô gái hỏi một cách đột ngột rằng có muốn lấy vua không thì mình làm mối cho.
Cô lái đò thấy ông khách hỏi lạ đời, tưởng nói đùa nên không trả lời, nên đùa lại rằng ưng. Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo rồi nói: Rứa thì Quý Phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho.
Đến bến, vua lại nói: Thôi các người đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quí phi vào cung. Tất cả đều cúi đầu hành lễ rồi đưa cô lái đò làng Kim Long vô nội làm cung phi của vua Thành Thái. Từ đó có câu ca dao: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm yêu trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi” .
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại, kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long nhưng đó là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.
Ngoài giai thoại liên quan đến bà Huyền phi gắn với câu “Kim Long có gái mỹ miều”, vua Thành Thái còn có nhiều vợ và mỗi bà đều có những số phận riêng.
Theo sử sách, vua Thành Thái có hai bà thứ phi sống với ông suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion, cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn. Đó là bà Giai Triệu và bà Chí Lạc.
Điểm đặc biệt là cả hai là chị em ruột, tên thật là Công tằng Tôn nữ Nhàn và Công tằng Tôn nữ Mừng, chắt nội của vua Minh Mạng. Trong hoàng tộc, hai bà ngang hàng với bên nam giới có chữ lót Ưng, tức là hai bà thuộc hàng cô của vua Thành Thái.
Nổi bật nhất trong số các bà phi của vua Thành Thái là bà Nguyễn Thị Định, là vợ vua Thành Thái và là mẹ của vua Duy Tân nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Theo sử sách, khi bà Nguyễn Thị Định 15 tuổi theo cha ra Huế, được vua để ý và đưa vào cung, xếp vào bậc Tài nhân. Bà sinh cho vua Thành Thái hoàng tử Vĩnh San (vua Duy Tân sau này) và hoàng nữ Lương Nhàn, tục gọi là Mệ Cưỡi, con gái thứ 16 của Thành Thái
Khi vua Thành Thái và Duy Tân đi đày, bà Nguyễn Thị Định theo cùng. Nhưng sau hai năm ở đảo Réunion, bà Nguyễn Thị Định và con dâu Mai Thị Vàng (vợ vua Duy Tân) cùng con gái Mệ Cưỡi về nước.
Bà Nguyễn Thị Định được nhận xét là người trọng nghĩa, trọng tình, luôn nhớ đến tổ tiên, quê hương. Bà mất tại Huế năm 1971. Hiện nay, mộ của bà nằm phía sau điện Long Ân, trong khu vực An Lăng (lăng vua Dục Đức, cha của vua Thành Thái). Đây cũng là khu lăng mộ của ba thế hệ làm vua Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu).
Thu Hà (Theo Kiến Thức)