CIA trả công cho các điệp viên ở miền Nam Việt Nam bằng tiền? Không hẳn, mà CIA trả công chủ yếu bằng… hàng hoá, phần lớn là hàng trong cuốn catalogue giới thiệu sản phẩm của tập đoàn bán lẻ Sears - theo trang tin Atlas Obscura (Mỹ). Theo trang này, vào năm 1966, điệp viên CIA Jon Wiant phụ trách khu vực biên giới Campuchia – Việt Nam được điều ra Huế để phụ trách một nhóm điệp viên nhỏ (thực ra là những người cung cấp tin) chuyên cung cấp thông tin về quân Giải phóng. Ông ta phải đối mặt với vấn đề: trả công cho các điệp viên này bằng gì.
Sài Gòn trước 1975.
Wiant sau này kể lại với chuyên san tình báo Studies in Intelligence rằng ông ta đã tìm ra cách trả công bằng… hàng hoá từ cuốn catalogue giới thiệu sản phẩm của tập đoàn bán lẻ Sears.
Việc gặp điệp viên người Việt Nam rồi nhận tin, trả công cho họ, đối với các điệp viên CIA tưởng như là chuyến đi du lịch: mua đồ ăn, ở khách sạn, thuê xe. Nhưng trong khi một số điệp viên muốn nhận tiền mặt thì có những người khác không muốn nhận tiền, mà muốn được trả công bằng những cách thức khác lạ.
Đó là các điệp viên này không muốn nhận một khoản tiền lớn bất thường vì sợ bị xung quanh để ý, mà muốn được trả bằng hàng hoá, có khi là bằng bút bi, dụng cụ câu cá đến súng và cả các loại thuốc kê theo toa yêu cầu. Hầu hết là hàng hoá mà họ không dễ dàng tìm thấy.
Thông thường các điệp viên biết họ cần gì và nhân viên CIA thì phải thực hiện những vụ chi trả với các cách thức khác nhau. Với Wiant, tiền không thể là công cụ chi trả thuận tiện cho các điệp viên của ông ta, vì họ là thợ săn, đốn mây, đốn gỗ, hoặc đốt than, và tham gia các hình thức giao dịch phổ biến là trao đổi hàng hoá.
Người tiền nhiệm của Wiant trước đó trả công cho các điệp viên bằng gạo, cùng các thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, hiệu quả hơn là trả bằng tiền.
Nhưng hệ thống chi trả này đã có một lỗ hổng. Các viên chức quản lý ở địa phương các điệp viên của CIA hoạt động đã lấy đi một phần thu nhập của họ. CIA phải hối lộ họ bằng rượu Johnny Walker một thời gian ngắn, cho đến khi các nhà truyền giáo địa phương phản đối.
Một người mà Wiant gọi là “tốt nhất trong các người Việt làm trung gian với điệp viên” đã có một số thành công khi cho một đặc tình một chiếc mũ vải như phần thưởng, và điều đó tạo ra ý tưởng cho Wiant. Ông ta điều người trung gian này quay lại khu vực hoạt động của điệp viên với một cuốn catalog hàng hoá của Sears số mới nhất mà vợ ông ta mới gửi qua.
Wiant đánh dấu một vài trang có thể được điệp viên quan tâm và tạo ra một “mức lương” cơ bản, kết nối các hàng hoá cụ thể với giá cả nhất định trong catalog cho các nhiệm vụ có độ dài thời gian nhất định và nguy hiểm. Và ông ta cũng nói với người trung gian hãy để điệp viên chọn lựa sản phẩm trả công qua cuốn catalog này.
Người trung gian quay lại với một đơn hàng: “6 cái áo khoác nhung trẻ em màu đỏ, nút đồng”. Với mỗi áo khoác, Wiant sẽ nhận được thông tin từ một đặc tình trong 20 ngày.
Hệ thống chi trả này là một thành công lớn. Trong nhiều tháng, các điệp viên và người trung gian đã đàm phán các giao dịch mà họ sẽ nhận được hàng từ Sears, bao gồm thắt lưng và áo khoác jeans để đổi lấy các thông tin tình báo.
Tuy vậy những người giám sát ngân sách của CIA lại ít hài lòng về hình thức thanh toán này, theo Wiant.
Hình thức thanh toán này chỉ kéo dài đến năm 1967, khi việc thu thập thông tin bắt đầu trở nên quá nguy hiểm cho các điệp viên để đổi lấy những món hàng của Sears. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã bắt đầu tràn ngập khu vực, và tự triển khai hệ thống cung cấp thông tin tình báo của họ, không cần đến CIA.
Tuy vậy, khi còn trong thời gian hoạt động, hệ thống chi trả bằng hàng hoá của Sears cho các điệp viên được Wiant cho là một thành công. Thậm chí có lần các điệp viên yêu cầu trả công là những chiếc áo ngực cỡ lớn. Hoá ra họ lấy chiếc áo ngực size lớn này gắn vào một cây sào tre và dùng để… hái trái cây.
( Theo báo Dân Việt )