Cuộc đời sự nghiệp vẻ vang của Anh hùng liệt sỹ Lý Tự TrọngLý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914, là con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt), quê ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Do không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, gia đình cụ Lê Khoan đã cùng một số bà con rời quê sang Bản Mạy, tỉnh Nakhonphanom thuộc đông bắc Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng.
Mùa hè năm 1926, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa tại trại Cày truyền đạt yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc về việc lựa chọn một số con em Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam sau này. Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn.
Đến Quảng Châu, 8 thiếu niên được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này bí danh là Lý Thụy). Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc. Do đó, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Lý Tự Trọng và các thành viên trong nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam” được Nguyễn Ái Quốc truyền đạt, bồi dưỡng về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc trong cuộc cách mạng của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau đó Lý Tự Trọng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại trường Trung học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước.
Bước sang năm 1929, phong trào cách mạng ở trong nước phát triển mạnh mẽ với những chuyển biến sâu sắc. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Mùa Thu năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn để đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.
Về tới Sài Gòn - Chợ Lớn, Lý Tự Trọng lấy bí danh là “Trọng Con” và xin làm công nhân nhặt than tại bến Nhà Rồng. Khi cơ quan Trung ương Đảng chuyển vào Sài Gòn, nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vô cùng nặng nề: Anh vừa làm giao thông liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ uỷ Nam Kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ uỷ Nam Kỳ với các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Mặc dù công việc hết sức nặng nề, nguy hiểm vì bọn mật thám suốt ngày lùng sục, vây bắt gắt gao, nhưng Lý Tự Trọng đã thông minh, sáng tạo, gan dạ vượt qua mọi sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Đầu năm 1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo các tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 8-2-1931, đồng chí Phan Bôi cùng các chiến sỹ cách mạng tổ chức mít tinh kêu gọi quần chúng vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Giữa lúc ấy, tên thanh tra mật thám Pháp Lơgơrăng và bọn cảnh sát ập tới. Để giải cứu cho đồng chí Phan Bôi, Lý Tự Trọng không sợ sự nguy hiểm, không màng đến sự an nguy của bản thân, đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám. Sau đó, anh nhanh trí hòa vào dòng người để trốn thoát nhưng bị bọn cảnh sát truy đuổi gắt gao, nên đã bị bắt và đưa về bốt Catina.
|