Tất cả những ứng xử của Người đều toát lên sự vĩ đại của một vĩ nhân được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023), Dân Việt giới thiệu bài viết về câu chuyện ứng xử của Người trong hoạt động đối ngoại.
Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của cố Ðại sứ Phan Văn Kim, với 28 năm công tác trong ngành ngoại giao và ở nhiều cương vị khác nhau, có đầy ắp những kỷ niệm khó quên đối với các nhà lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Cố Ðại sứ Phan Văn Kim từng kinh qua các chức vụ như Phó vụ trưởng Vụ Liên Xô và Ðông Âu rồi Phó và Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao cũng như làm Ðại sứ Việt Nam ở Cộng hòa Dân chủ Ðức cho đến năm ông nghỉ hưu (1984).
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt Kiều tại Pháp, năm 1946. (Ảnh từ nguồn tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao)
Tôi được bác sĩ Phan Minh Thu, con gái của ông cho tôi nghe bản ghi âm những đoạn có liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cha bà chứng kiến. Khi được nghe những gì ông ghi âm lại, tôi mới thấm thía: Bác Hồ đúng là một vĩ nhân của thời đại, một nhà ngoại giao thiên bẩm .
Trong xử thế, Người đã cho thấy một phong cách ứng xử rất tinh tế, dù họ là ai - mà có lẽ các nhà ngoại giao cũng nên tham khảo để học tập ít nhiều.
Ông Phan Văn Kim kể, về các bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ai đó liên quan tới đối ngoại, các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao thường là nơi được giao soạn thảo, trình lãnh đạo Bộ duyệt trước khi chuyển tới xin chữ ký của các nhà lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ta trong đó có Bác Hồ .
Vì đây là vấn đề ngoại giao cho nên nhiều lúc chính đơn vị được phân công soạn thảo điện, thư từ, văn bản cũng cảm thấy có gì đó hơi cứng và hình thức, rất khó để có được một dấu ấn nhất định trong văn bản nếu việc thực hiện của mình chưa am tường, kiến thức chưa sâu, rộng...
Chẳng hạn khi hay tin ông Antonín Zápotocký, Chủ tịch nước Tiệp Khắc ốm, Bộ Ngoại giao ta có trình cho Bác Hồ một lá thư xin Bác ký, gửi điện hỏi thăm. Bác xem xong nhưng không ký mà sửa lại hoàn toàn nội dung, đại ý bức thư đó được mở đầu rất thân tình: "Ðồng chí Antonín Zápotocký thân mến!/Ðồng chí có nhớ hồi chúng ta hoạt động ở Ðệ tam Quốc tế Cộng sản không?/...Tôi là..."
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. Ảnh tư liệu
Ông Kim thừa nhận, đọc lại những dòng Bác dập, xóa, yêu cầu Bộ Ngoại giao sửa lại, thấy bức điện thăm hỏi nó xúc cảm và thân tình hẳn lên. Những người của ngành được giao chấp bút những điện thư như ông, làm sao biết được Bác của chúng ta có mối quan hệ đó với người nhận thư thế nào? Hoặc trong lá thư hỏi thăm bệnh tình của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Ðức, ông Wilhelm Pieck cũng vậy. Bác yêu cầu viết thẳng tên, bỏ họ và không gọi đồng chí: "Anh Wilhelm thân mến!/". Và cuối thư thì "Tôi chúc anh mau chóng bình phục! Thân ái!/Hồ Chí Minh"...
Với những nguyên thủ quốc gia thân thiết, Người không muốn và cũng không thích lối xã giao dù thủ tục của ngoại giao vốn nó phải vậy nhưng trong những trường hợp cụ thể, có thể có gì đó hơi cứng. Và việc Người "linh động" như trên cũng không hề ít.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu niên nước ngoài. Ảnh Tư liệu
Với trẻ em, Người cũng rất mực yêu quý và trân trọng, không xem thường bao giờ. Trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ngồi hội đàm với đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Ðức do Thủ tướng Otto Grotewohl dẫn đầu sang thăm nước ta vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Vì Bác cũng ở trong Phủ Chủ tịch, gần chỗ hội đàm cho nên Bác biết thời gian đã quá giờ so với dự kiến lâu rồi . Và thực tế đã có thể kết thúc, Bác rời khỏi phòng mình rồi rẽ vào sảnh phòng Hội đàm. Bác cho gọi Thủ tướng ra ngoài phòng rồi thì thầm vào tai Thủ tướng Phạm Văn Ðồng:
"Thôi, chỉ 5 phút nữa ta kết thúc chú nhé! Ngoài kia các cháu thiếu nhi phải chờ ở sân Bách Thảo lâu quá rồi nên mệt mỏi ! Ðể các cháu còn chào mừng Ðoàn nữa chứ!". Vậy là từ chuyện ứng xử với nguyên thủ nước bạn cho tới các cháu thiếu nhi, Người đều rất tinh tế, thậm chí tưởng nhỏ mà ngẫm cho kỹ, lại không hề nhỏ.
Ông Phan Văn Kim còn kể: Tôi nhớ có lần anh Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) đến gặp Bác. Khi đó, Bác sắp ăn cơm. Thấy vậy, Bác bảo anh Kỳ vào đây ngồi ăn luôn với Bác và nói vui bảo anh Kỳ là "khách không mời mà đến". Bữa đó, anh Vũ Kỳ tâm tình:" Từ ngày cháu làm việc với Bác, sao cháu không thấy Bác cáu gắt? Thế mà mấy anh em cháu thỉnh thoảng cứ lục đục với nhau hoài. Bác nói: Bác không cáu gắt với chú là vì Bác tôn trọng chú, chú không cáu gắt với Bác là vì chú tôn trọng Bác." Quả thật, đó đều là những chuyện thú vị về lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và Người đúng là bậc thầy của ngành ngoại giao Việt Nam trong lối ứng xử vô cùng tinh tế. Tất cả ứng xử của Người với mọi đối tượng đều rất cần suy ngẫm và học tập để chúng ta có thể nói một cách hình tượng như hôm nay về nghệ thuật ngoại giao Việt Nam - ngoại giao cây tre .
THEO DANVIET