Ngày 10/10/1954, đúng 66 năm về trước là đã đi vào lịch sử của thành phố Hà Nội, một mốc son chói lọi đánh dấu mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của nước Việt Nam mới, đó chính là ngày mà Đoàn Vệ quốc quân từ chiến khu Việt Bắc tiến về giải phóng Thủ đô, giải giáp tàn quân Pháp giữa sự chào đón nồng nhiệt của đồng bào sau 7 năm dài chờ đợi. Ảnh: Đoàn quân tiến vào Thủ đô giữa sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân.
Chưa đầy 2 tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, vào ngày 1/1/1955, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức tổ chức Lễ diễu binh quân sự đầu tiên trong lịch sử tại Quảng trường Ba Đình, nơi trong quá khứ là Hoàng thành Thăng Long cũ. Ảnh: Đội hình chiến sĩ trong buổi lễ diễu binh ngày 1/1/1955.
Tại thời điểm đó, quân Pháp đã rút quân khỏi tất cả các điểm trên toàn miền Bắc chỉ tập trung ở Hải Phòng để chuẩn bị lên tàu vận tải vào phía nam vĩ tuyến 17 theo điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Geneva. Ảnh: Đội hình chiến sĩ bộ binh với súng trường Gewehr 98.
Hàng đoàn quân Vệ quốc với bộ quân phục xanh mới tinh và mũ nan đặc trưng hùng dũng bước qua lễ đài Quảng trường Ba Đình, nơi có sự chứng kiến của Bác Hồ cùng các nhân vật hàng đầu cấp cao lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Họ, những chiến sĩ mà trước đó chỉ ít tháng thôi đang nằm dưới những chiến hào của Điện Biên Phủ ác liệt thì nay đã oai phong trong tâm thế của người chiến thắng trở về. Ảnh: Khối danh dự cầm cờ Quyết thắng chuẩn bị cho Lễ diễu binh.
Trong khối chiến sĩ hiên ngang bước qua lễ đài này, có thể có những người con của Hà Nội mà 7 năm trước đã rời Thủ đô để cùng đoàn quân trường kỳ kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc thiếu thốn trăm bề. Họ đã chiến đấu và hi sinh anh dũng chỉ để cho ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng, ngày mà trên lãnh thổ nước ta không còn bóng dáng quân thù. Ảnh: Khối chiến sĩ diễu binh qua lễ đài.
Tiếp sau đó là những khẩu lựu pháo M101 cỡ nòng 105mm từng được những người lính kéo vào tận trận địa sâu nơi núi rừng Điện Biên, điều mà kẻ thù nghĩ ta sẽ không bao giờ làm được. Để rồi từ đó, những khẩu pháo này trút bão lửa lên đầu quân địch dưới lòng chảo, làm hoang mang tinh thần giặc cũng như củng cố thêm sĩ khí quân ta xung phong quyết chiến, là sự quyết định quan trọng cho cục diện chiến thắng của toàn chiến dịch. Ảnh: Xe vận tải CA kéo pháp M101 105mm qua lễ đài.
Chiến công kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra vì thời cơ chưa chiến muồi, và chiến thuật “Hỏa khí phân tán - hỏa lực tập trung” huyền thoại của lực lượng Pháo binh Việt Nam đã giáng xuống đầu quân thù những đòn nặng nề mà chúng không thể nào ngờ tới. Công lớn nhờ sự mưu trí táo bạo của những nhà cầm quân cũng như tinh thần dám làm, dám hy sinh của những người lính Việt Nam cực kỳ đáng khâm phục. Ảnh: Lựu pháo M101 105mm tiến qua lễ đài.
Bên cạnh sự anh dũng, quả cảm, kiên định và lòng yêu nước sắt son của người chiến sĩ Việt Nam, cũng không thể không nhắc đến sự tận tình giúp đỡ của bạn bè quốc tế và khối Xã hội Chủ nghĩa anh em. Một trong số đó có thể kể đến như Liên Xô hay Trung Quốc,… đã viện trợ cho ta nhiều loại khí tài quan trọng như lựu pháo, pháo phòng không, súng máy phòng không, các loại súng cá nhân hay lương thực, thực thẩm,… để bộ đội ta có thêm sức mạnh quyết chiến với giặc. Ảnh: Khối chiến sĩ tiến qua lễ đài.
Những người lính năm đó, dù chỉ được trang bị thô sơ, thiếu thốn với tấm áo vải đơn sơ, chiếc mũ non mỏng manh và đôi dép cao su nhưng đã đánh bại Đế quốc hùng mạnh trang bị đầy đủ cùng sự chi viện hiệu quả của nhiều loại khí tài hạng nặng như trọng pháo, xe tăng - thiết giáp, oanh tạc cơ,… Ảnh: Khối chiến sĩ chuẩn bị tiến vào lễ đài.
Phải nói rằng, dân tộc Việt Nam tuy có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có một ý chí gan dạ tuyệt vời, lớn lao, sẵn sàng hi sinh thân mình không tiếc máu xương để đổi lại độc lập tự chủ cho đất nước, như lời Bác Hồ đã nói rằng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Họ, thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam, xứng đáng có được sự tri ân, sự kính nể của tất cả các thế hệ hậu bối sau này, bởi chính họ đã góp phần xây dựng to lớn cho công cuộc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Khối nữ chiến sĩ du kích Việt Minh tiến qua lễ đài.
Dẫu cho những ký ức và ngày giải phóng Thủ đô cũng như lễ diễu binh ngày 1/1/1955 đã qua 66 năm, tuy nhiên không khí hào hùng vẫn được thế hệ sau này cảm nhận một cách nguyên viện thông qua những thước phim tư liệu lịch sử. Ảnh: Khối nữ chiến sĩ Việt Minh tiến qua lễ đài.
PV (Theo Kiến Thức)