M24 Chaffee là loại xe tăng hạng nhẹ do Mỹ chế tạo năm 1943 và được đưa vào sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Tuy chỉ được phục vụ trong một thời gian ngắn là 9 năm, nhưng M24 đã được nhiều nước sử dụng rộng rãi.
Xe tăng có trọng lượng 18,37 tấn, chiều dài 5,56m, chiều rộng 3m và chiều cao 2,77m. Kíp lái 5 người, bao gồm: chỉ huy, pháo thủ, người nạp đạn, lái xe, phụ lái/điều hành viên bộ đàm.
Vũ khí của xe tăng hạng nhẹ M24 là một khẩu pháo 75mm với 48 viên đạn, được bổ sung 2 khẩu súng máy chống bộ binh cỡ nòng 7,62mm, một súng máy hạng nặng M2 Browning cỡ nòng 12,7mm có thể được lắp ở phía sau bên phải của tháp pháo, một khẩu cối phóng lựu đạn khói 51mm được sử dụng để ngụy trang.
M24 Chaffee được trang bị động cơ Twin Cadillac Series 44T24, công suất 220 mã lực, kết hợp với hệ truyền động Hydramatic, 8 số tiến, 4 số lùi. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 56 km/h, tầm hoạt động 160 km.
Nhìn chung M24 Chaffee có đủ các yếu tố sức mạnh như hỏa lực, tốc độ và sự nhanh nhẹn để tham chiến trên mọi chiến trường. Cấu hình thấp giúp xe tăng có khả năng ẩn nấp tốt, pháo chính 75mm hiệu quả hơn khẩu pháo M5 37mm.
Về cơ bản, M24 có thể chống lại mọi loại hỏa lực bộ binh thông thường. Tuy nhiên, lớp giáp này bị đánh giá thấp vì quá mỏng, nên nó dễ dàng bị hạ gục chỉ bằng một phát bắn từ Bazooka, hoặc dễ bị xuyên thủng bởi hầu hết các loại pháo chống tăng tự hành và mìn chống tăng.
Những chiếc xe tăng này đã phục vụ cho quân đội Pháp trên chiến trường Việt Nam, từ năm 1945 đến năm 1954 dưới dạng viện trợ của Mỹ. M24 Chaffees được Pháp và Mỹ coi là nhân tố đột phá trên chiến trường nếu quân ta tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tuy có giáp bảo vệ kém, nhưng người Mỹ và người Pháp tin rằng, quân đội ta sẽ không dám đối đầu với những chiếc xe tăng hạng nhẹ này. Họ không thể ngờ rằng, chỉ với những vũ khí thô sơ, người Việt Nam đã khiến những những chiếc xe tăng này thành đồ bỏ.
Ngày 16/12/1953, Pháp phát động Chiến dịch Rondelle II. Do địa hình hiểm trở ở miền núi phía Bắc Việt Nam, quân Pháp phải điều 10 chiếc xe tăng M24 nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Các xe tăng này được chia thành 3 trung đội của Đại đội 3, thuộc Trung đoàn Kỵ binh hạng nhẹ số 1.
Những chiếc xe tăng này lúc đầu đã gây ra nhiều khó khăn cho quân đội ta. Trong trận đồi Độc Lập, ngày 15/3, quân Pháp mở cuộc phản công dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais, huy động 2 tiểu đoàn dù, gồm 1.000 lính và 5 xe tăng, nhưng bị pháo binh ta đẩy lui.
Số phận của 10 chiếc xe tăng hạng nhẹ này kết thúc quá bi thảm. Với trang bị súng Bazooka tự chế, quân đội ta đã bắn cháy 8 xe tại chỗ, 2 chiếc còn lại bị bắt làm chiến lợi phẩm. Theo thống kê của Pháp, 10 chiếc M24 đã bắn tổng cộng 15.000 viên đạn trong toàn bộ Trận Điện Biên Phủ.
Ngoài Điện Biên Phủ, người Pháp còn sử dụng nhiều xe tăng M24 khác trên khắp miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Những chiếc xe tăng này sau đó được đưa vào miền Nam và được sử dụng trong biên chế của quân đội tay sai được Pháp và Mỹ dựng lên.
ho đến trận chiến tết Mậu Thân ở Huế năm 1968, xe tăng M24 của quân đội Sài Gòn vẫn tiếp tục tham chiến và đây là trận chiến cuối cùng của xe tăng M24 Chaffee trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn ảnh: TL.
PV (Theo Kiến Thức)