1. Nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979
Thứ nhất, xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc nước lớn của Trung Quốc, họ luôn muốn Việt Nam suy yếu, làm đệm an toàn ở phía Nam Trung Quốc. Khi thấy bị ngăn cản, không thực hiện được mục đích, Trung Quốc bằng các âm mưu, thủ đoạn, kể cả đẩy dân tộc Campuchia vào họa diệt chủng, xâm lược Việt Nam để đạt được mục đích của mình.
Thứ hai, sự kiện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ (do Trung Quốc ủng hộ), Trung Quốc vu cáo Việt Nam “xâm lược Campuchia”, ngả về phía Liên Xô và thực hiện các mục tiêu chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô khắp Đông Dương.
Thứ ba, lấy cớ Việt Nam xua đuổi người Hoa về nước, nhưng thực chất Trung Quốc đã sử dụng vấn đề Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của mình và đã kích động người Hoa về nước nhằm tạo cớ.
Trước năm 1975, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu Hoa Kiều sinh sống, trong đó 15% sống ở miền Bắc và 85% sống ở miền Nam; vì vậy, chỉ tính riêng năm 1977 đã có 70.000 Hoa kiều từ Việt Nam quay về Trung Quốc. Cho đến thời điểm xảy ra cuộc chiến (2/1979) đã có chừng 160.000 Hoa kiều hồi hương bằng đường biển hoặc đường bộ qua Cửa khẩu Hữu Nghị. Vấn đề Hoa kiều là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia.
Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả hai nước, gây hậu quả lâu dài cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Hoa.
2. Diễn biến cuộc chiến tranh biên năm 79
Rạng sáng ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn bộ binh độc lập và các trung đoàn địa phương, tổng cộng gồm 32 sư đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới, 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn phòng không trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn… đã bất ngờ mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) dài hơn 1000 km, thuộc địa bàn 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu)…
Quân Trung Quốc đã bắn phá, tiêu hủy tất cả các cơ sở, kho tàng, nhà ở của ta ở các thị xã, thị trấn và các làng bản, bắn giết vô cùng tàn bạo nhân dân ta, quân Trung Quốc tiến sâu vào địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu từ 10 -15 km, tiến sâu vào đất Cao Bằng gần 50 km.
Trước sự tấn công bất ngờ của quan Trung Quốc, quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường, đã dũng cảm kiên cường chiến đấu đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề đã buộc phải rút quân về nước. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc một số tỉnh ở khu vực biên giới, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt ở mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, những trận đánh đẫm máu để giành giật từng điểm cao với những hy sinh vô cùng lớn vẫn chưa chấm dứt, mà phải đến tháng 9/1989 chiến tranh mới thật sự kết thúc.
3. Thắng lợi và bài học lịch sử của chiến tranh biên giới năm 79
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam diễn ra trong vòng khoảng một tháng (từ 17/2-18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản:
Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự… buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.
Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bởi Việt Nam lúc này vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa lâu (1975), vừa kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, kinh tế lại đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ…
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Cuộc chiến tranh biên giới năm 79 là sự kiện lịch sử đặc biệt, để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý báu:
Một là, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, dự đoán chính xác âm mưu và hành động của các bên liên quan, nhất là động thái các nước lớn, trên cơ sở đó có sự chuẩn bị toàn diện, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu ngoại giao để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp trong nước, vừa nêu cao tính chính nghĩa của cách mạng nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, không để các thế lực thù địch xuyên tạc hòng tìm cách cô lập.
Ba là, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích) kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước tạo thành những “trường thành thép” sẵn sàng đánh trả có hiệu quả mọi cuộc tiến công từ bên ngoài ngay thời gian đầu.
Bốn là, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại (phương thức tác chiến chính quy), đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thuở trước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.