Không quân Mỹ quyết định cho 50 máy bay phản lực các loại, trong đó có 36 chiếc "Thần sấm" F-105 tối tân khi đó tập kích để phá hủy các trận địa tên lửa mà họ đã chụp ảnh được. Nhưng không ngờ là không quân Mỹ đã rơi vào bẫy phục kích, đón sẵn của lực lượng phòng không nhân dân Việt Nam. (Bài viết tham khảo thông tin từ Đại tá Nguyễn Thụy Anh)
Trên trận địa cũ chỉ là các "mô hình", tức là tên lửa giả làm bằng cót của bộ đội ta, còn xung quanh là một rừng cao xạ và súng máy phòng không, cùng lưới lửa súng bộ binh của dân quân tự vệ dân quân tự vệ Hà Tây.
Ngày 27/7, các máy bay chiến đấu Mỹ bay thấp từ nhiều hướng ồ ạt tấn công vào 2 trận địa tên lửa của Việt Nam, nhưng chẳng phá được quả tên lửa nào mà còn bị lực lượng phòng không ta, bắn hạ thêm 5 máy bay (gồm 4 chiếc F-105 và 1 chiếc AD-6) chỉ sau hơn 1 giờ chiến đấu ác liệt.
Ngày 7/2/1966, Tiểu đoàn tên lửa 84, Trung đoàn 238 lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ máy bay không người lái BQM-34, đang bay ở độ cao 20 km trên tầng bình lưu. Xác máy bay này đã được đưa về để Bác Hồ xem khi Người đến thăm Quân chủng PK-KQ và đây chính là loại mục tiêu bay cao nhất của không quân Mỹ bị tên lửa ta bắn rơi trong chiến tranh.
Hơn 8 tháng sau, 5 chiếc UAV BQM-34 bay vào trinh sát miền Bắc Việt Nam đã bị tên lửa phòng không của ta bắn rơi tại chỗ 3 chiếc. Trong 6 tháng đầu năm 1968, có 21 chiếc UAV của Mỹ bị hạ, đến cuối năm, máy bay tiêm kích của ta lại bắn rơi 7 chiếc UAV loại 147-J, tên lửa và cao xạ bắn rơi thêm 11 chiếc khác.
Sang năm 1969, bộ đội ta càng nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này, nên có tuần cả lực lượng phòng không chủ lực và dân quân tự vệ đã bắn rơi 6 chiếc máy bay không người lái ở cả độ cao lớn và độ cao thấp dưới 500m.
Tuy lợi hại nhưng UAV vẫn có những yếu điểm không tránh được, ở thời kỳ đó, UAV luôn bay theo chương trình nhất định, tốc độ không lớn và không có khả năng cơ động như máy bay có người lái, hệ thống điều khiển dễ bị gây nhiễu, nên bộ đội ta đã áp dụng sáng tạo nhiều biện pháp kỹ thuật và chiến thuật để đối phó hiệu quả với loại máy bay này.
Vấn đề khó nhất là làm sao phát hiện thời điểm địch phóng UAV, đã được bộ đội ta khắc phục bằng cách theo dõi chặt chẽ hoạt động của loại máy bay C-130 chuyên mang, phóng UAV rồi nhanh chóng thông báo cho các lực lượng ta bố trí trong khu vực và chúng khó mà thoát được.
Lầu Năm Góc thừa nhận là họ bị mất tới 350 UAV trong chiến tranh Việt Nam và giải thích rằng trong số đó có "rất nhiều chiếc bị rơi vì trục trặc kỹ thuật hoặc không rõ nguyên nhân".
Thế là dù bay cao tận 20 km trên tầng bình lưu, hay bay sát mặt đất theo bề mặt địa hình phức tạp, thì các loại UAV tối tân của không quân Mỹ đều bị lưới lửa phòng không thiên la, địa võng của phòng không Việt Nam bắn rụng như sung.
Các tướng lĩnh phương Tây, khi đưa quân đi xâm lược các nước nhỏ yếu thì đều dựa vào ưu thế binh lực mạnh và vũ khí hiện đại hơn. Họ cho rằng đối phương sẽ không thể đối phó được với các loại vũ khí, trang bị tối tân nhất của phương Tây hoặc chỉ cầm cự được trong thời gian ngắn vì không đủ tiềm lực chiến đấu lâu dài.
Nhưng họ không ngờ rằng các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã rất kiên cường hy sinh chiến đấu, sáng tạo ra nhiều biện pháp, kể cả thô sơ và hiện đại để vô hiệu hóa các loại vũ khí tối tân của họ.
Dù có bao loại vũ khí hiện đại và ưu thế hơn hẳn ở chiến trường Việt Nam, thì chính họ lại bị sa lầy vào 1 cuộc chiến phi nghĩa, không thể đánh nhanh thắng nhanh theo kiểu của mình, lúng túng không đối phó nổi với kiểu chiến tranh nhân dân rộng khắp của chúng ta và cuối cùng đành phải chịu thất bại như bao đội quân xâm lược khác trong lịch sử ngàn năm đất Việt. Nguồn ảnh: TL.
Tiến Minh (Theo Kiến Thức)