Lễ cưới của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu được báo chí đưa tin liên tục, đăng tải chi tiết các mốc thời gian tổ chức hôn lễ và lễ tấn phong đặc biệt này.
Theo đó, Nguyễn Hữu Thị Lan -Nam Phương hoàng hậu được rước đón từ chân đèo Hải Vân về kinh thành và tạm trú tại Lầu công quán 3 ngày (17,18,19). Ngày 20/3/1934 diễn ra lễ tấn cung, hoàng hậu được rước từ Lầu công quan vào cung và thực hiện các nghi lễ theo quy định. Ngày 24/3 lễ tấn phong hoàng hậu chính thức được cử hành.
Theo lời kể nhà báo lão thành Hoàng Phố, trước khi lễ rước dâu diễn ra, một buổi tiệc thân mật đã được tổ chức tại biệt thự nhà gái với sự tham gia của khoảng 10 người. Trong bữa tiệc, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đi mời rượu và bánh trái từng người.
Mấy hôm sau, đoàn rước dâu đưa cô dâu Nam Phương hoàng hậu của Hoàng đế Bảo Đại đến đèo Hải Vân, các quan từ Huế vào đón tiếp. Hai họ cũng gặp nhau giữa đèo và đoàn xe nhập làm một trực chỉ về Huế. Tới Huế, họ nhà gái được mời vào trong cung Trú Tất nghỉ để chờ đến ngày 20/3 mới cử hành hôn lễ.
Ngày 20/3, hôn lễ được cử hành trọng thể. Nguyễn Hữu Thị Lan mặc áo thụng gấm đỏ thêu vàng, đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành, đi bên cạnh Thị Lan là bà chị ruột đã lấy chồng - một võ quan Pháp. Hai người cùng bước lên xe hơi để vào Đại nội, ở đó Bảo Đại đang chờ cô dâu tới.
Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.
Trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam) của Bảo Đại viết: Nam Phương mặc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh.
"Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái chái bên phải của tôi".
"Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung - nơi ở và làm việc chính của chúng tôi”.
Bảo Đại cho biết thêm: “Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia, chưa từng có trong cung đình. Tôi cũng quyết định, sau khi cưới, sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu - danh hiệu mà trước đó chỉ phong cho thái hậu sau khi hoàng đế qua đời”.
Ngày mùng 10/2 (tức 24/3/1934) lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Nhà vua đã ban đạo dụ để phong cho Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu.
Bảo Đại giải thích về hai chữ Nam Phương: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, từ đó gọi là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (perfume). Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sắc màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng đế”.
Có một chi tiết rất thú vị trong đám cưới vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu liên quan đến tiền mừng cưới. An Định Vương - Lê Phát An (cậu ruột của bà Nam Phương) đã mừng đám cưới của cháu gái một số tiền khổng lồ là 1 triệu đồng Đông Dương, tương đương khoảng 20.000 lượng vàng thời điểm đó.
Dù tổ chức lễ cưới long trọng, sắc phong Nam Phương làm Hoàng hậu ngay sau lễ cưới, điều hiếm có ở triều Nguyễn, hứa chung thủy một vợ một chồng, nhưng sau đám cưới vài năm, vua Bảo Đại có hàng tá bóng hồng khác như thứ phi Mộng Điệp, Lê Thị Phi Ánh...
THEO DANVIET