Người ta nói rằng, nếu như tình yêu không được đáp trả thì thật sự đau đớn. Thế nhưng nó có là gì nếu như đang yêu đương nhưng vẫn phải chia tay. Hai kẻ đáng thương bỗng dưng phải đường ai nấy đi đã làm nên những chuyện sai trái. Đấy là điều đã xảy đến trong cuộc đời của Công chúa Thiên Thụy và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.
Chuyện tình bị đứt gánh giữa đường
Công chúa Thiên Thụy tên là Trần Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thánh Tông và cung phi Vũ Thị Ngọc Lan. Bà là chị gái ruột của vua Trần Nhân Tông.
Tương truyền, Thiên Thụy là nàng Công chúa rất được vua cha yêu quý vì xinh đẹp, dịu dàng và rất giỏi giang.
Năm 1257 khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, viên tướng trẻ Trần Khánh Dư đã lập mưu đánh bại một cánh quân của giặc.
Hình vẽ Trần Khánh Dư (Nguồn: Ấm Chè).
Bởi vậy, ông được vua Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức vụ mà đương thời, nếu không phải là hoàng tử thì không được phong.
Là con vua, Trần Khánh Dư trở thành Vương gia và có hiệu là Nhân Huệ Vương.
Kể từ đó, ông thường xuyên ra vào cung cấm. Nó cũng tạo nên cơ duyên để Nhân Huệ Vương và Thiên Thụy Công chúa gặp mặt nhau.
Dần dần, cả hai cảm mến đối phương rồi nảy sinh tình yêu. Trần Khánh Dư mê đắm nàng Công chúa vì sự xinh đẹp dịu dàng động lòng người. Công chúa lại cảm mến sự kiêu hùng, giỏi giang của vị tướng trẻ. Tình yêu của cả hai cứ dần dần lớn lên như thế.
Ngỡ rằng cặp đôi sẽ có một cái kết viên mãn, trai anh hùng đến với gái thuyền quyên. Thế nhưng giữ đường lại có trở ngại lớn.
Con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn cũng mê đắm Thiên Thụy.
Bởi thế, Hưng Đạo vương đã đến dạm hỏi, xin vua cho con trai cưới Thiên Thụy Công chúa.
Khi đó, Hưng Đạo vương là rường cột của quốc gia, trụ cột triều đình nên dù biết con gái yêu Trần Khánh Dư, vua Trần Thánh Tông vẫn phải chấp thuận lời hỏi cưới, gả Thiên Thụy vào phủ Hưng Vũ vương.
Vậy là cặp đôi Thiên Thụy - Trần Khánh Dư phải đứt gánh giữa đường.
Lén lút qua lại và cái kết đắng chát
Sau khi kết hôn rồi, cả hai vẫn không thể dứt tình. Trần Khánh Dư và Công chúa lén lút gặp nhau. Chuyện đó về sau bị phát hiện khiến cha con Hưng Đạo Vương tức giận vô cùng.
Để xoa dịu cơn giận này, vua Trần Nhân Tông (người vừa lên ngôi) đã ra lệnh đánh chết Trần Khánh Dư. Bản thân Trần Nhân Tông thương tiếc chị gái, quý trọng người tài nhưng sự việc gây nên thật sự chẳng có lời nào bào chữa nổi.
Sau đó, vua đã ngấm ngầm dặn dò không được đánh chết, xuống chét đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản của Khánh Dư rồi thả ông về quê.
Ngay sau đó, Trần Khánh Dư quay về Chí Linh, ngày ngày đội nón lá, mặc áo ngắn đi bán than. Thiên Thụy Công chúa cũng bị trả về cung riêng, coi như bị chồng hưu (ly hôn).
Vài năm sau, đến 1282, quân Nguyên lăm le xâm lược nước ta lần thứ 2. Vua Trần mở hội nghị Bình Than bàn kế hoạch chống giặc. Tại bến Bình Than, vua bất chợt thấy Trần Khánh Dư chèo thuyền chở đầy than củi lướt qua.
Vua mùng rỡ sai người dùng thuyền đuổi theo, triệu Khánh Dư đến rồi cho theo xa giá về lại triều và phong cho làm Phó đô tướng quân chỉ huy một cánh quân chuẩn bị đánh giặc.
Về lại, Khánh Dư và Thiên Thụy lại gặp nhau. Tình cũ không rủ cũng tới, họ lại quấn quýt không rời. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết:"Rốt cuộc Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ".
Vua Trần Nhân Tông biết chuyện, muốn giữ thể hiện cho Hoàng gia, ông đã buộc chị gái mình phải xuất gia. Đầu năm 1284, công chúa Thiên Thụy đến Văn Úc, chọn một gò đất cao lập am tu hành.
Đền Mõ, nơi thờ Thiên Thụy Công chúa.
Cùng năm đó, giặc Nguyên xâm lược nước ta do Trấn Nam vương Thoát Hoan chỉ huy. Năm 1285, tướng giặc Ô Mã Nhi tiến đánh Vân Đồn, Vạn Kiếp và phòng tuyến bị phá vỡ. Nhiều tôn thất nhà trần và tướng soái hoảng sợ đầu hàng. Trần Nhân Tông rút vào Nghệ An. Trước tình hình ấy, triều đình họp bàn tìm kế hoãn binh và quyết định ngoài vàng bạc châu báu sẽ mang theo một cô công chúa có nhan sắc để cầu thân.
Khi đó, Thiên Thụy Công chúa được nghĩ đến đầu tiên và đón về triều. Tuy vậy, bà phản đối quyết liệt khiến vua đành để bà về am. Từ đó về sau, Công chúa một lòng tu hành và chôn chặt hoàn toàn mối tình với Trần Khánh Dư.
Theo sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, tháng 10/1308, bà ốm nặng, Thượng hoàng Nhân Tông bấy giờ là Trúc Lâm đại sĩ, đang tu trên núi Yên Tử hạ sơn đến thăm chị gái. Trước lúc ra về, ngài ngậm ngùi cầm tay bà nói: 'Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, Âm phủ có hỏi thì bảo rằng, xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay'.
Nói xong về núi. Đi mấy ngày đến am, dặn dò đồ đệ hậu sự, bỗng nhiên ngài ngồi hóa. Thiên Thụy cũng ngày hôm đó qua đời).
Ngày mùng 3/11/1308 bà mất. Quả nhiên cùng ngày hôm đó Thượng hoàng Nhân Tông cũng băng hà. Vua Trần Nhân Tông là em ruột, lại là người chứng kiến cũng như xử lý toàn bộ chuyện tình ngang trái của Công chúa nên đã rất hiểu và vô cùng thương người chị gái. Sau tất cả, Thiên Thụy vẫn là người đáng thương nhất. Yêu một người nhưng bị ép gả để rồi kết cục cuối mới đau lòng làm sao.
THEO DANVIET