Trên đường phố đẹp nhất của TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá), ngay sát bờ biển, có tượng đài một phụ nữ mặc áo dài, tay xách va ly, đang vịn vào lancan của một con tàu, ánh mắt cương nghị dõi nhìn xa xăm. Đó là tượng đài chị Nguyễn Thị Lợi- nữ Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều người đi Sầm Sơn tắm biển, nhưng không biết tượng đài này; hoặc cũng không rõ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi là ai và tại sao tượng đài của chị lại đặt ngay bên bờ biển tại TP.Sầm Sơn?
Nguyễn Thị Lợi là một nữ anh hùng có cuộc đời chiến đấu thật bi tráng và trước năm 1995, chiến công của chị thuộc loại hoạt động điệp báo chỉ có một số người trong ngành Công an biết. Phần lớn các phương tiện thông tin đại chúng đều rất ít tuyên truyền về trận đánh này. Nguyễn Thị Lợi sinh năm 1911, quê Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang). Chồng chị quê ở tỉnh Hưng Yên vào Châu Đốc lập nghiệp, làm nghề bưu chính.
Cũng như nhiều phụ nữ khác khi lập gia đình, chị theo chồng ra Bắc, để lại miền Nam người con trai lớn tên là Nguyễn Văn Lộc. Những năm tháng ở quê chồng, chị vừa tham gia công tác đoàn thể, vừa nuôi hai con sinh ra tại Hưng Yên. Cuộc sống khó khăn và bao nỗi truân chuyên của người con gái miền Nam, năm 1946, chị đã phải đưa con trai nhỏ trở về quê trong Nam, để con gái mới hơn 2 tuổi ở lại Hưng Yên quê nội.
Đường về Nam xa xôi, thân phận phụ nữ với đứa con nhỏ nên trăm bề tủi cực. Kháng chiến chống Pháp ngày càng ác liệt. Đứa con trai nhỏ không may bị bệnh chết. Buồn đau vì hoàn cảnh, chị không thể tiếp tục vào Nam, mà dừng chân tại Nghệ An, tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng năm 1947.
Khi chuyển về Thanh Hóa, chị được gia đình đồng chí Hoàng Đạo- Trưởng ty Công an Thanh Hóa bấy giờ, Tổ trưởng Tổ điệp báo A13 cưu mang, nhận vào cơ quan làm cấp dưỡng. Trong Tổ điệp báo do A13 phụ trách, chị Lợi với mật danh A16, đóng vai phu nhân của A13, khi đó đã được chính phủ bù nhìn Bảo Đại phong chức Quốc vụ khanh, tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao bây giờ. Thanh Hoá trong kháng chiến là vùng tự do của ta, nhưng cũng có nhiều hoạt động của các phe phái phản động, và Tổ điệp báo do A13 phụ trách đã tìm cách gây thanh thế để Pháp tin và hỗ trợ tổ chức này hòng chống phá ta.
Tháng 9/1950, quân Pháp điều động Thông báo hạm Amyot D’Inville từ Sài Gòn ra Hà Nội và sẽ ghé biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đây là thời cơ để Tổ điệp báo của A13 kết thúc vai trò của mình, tránh cho Pháp ảo tưởng về lực lượng ly khai trong vùng tự do của ta. Cấp trên chỉ đạo quyết định đánh bom chiến hạm, nhằm tiêu diệt sinh lực, giáng đòn tâm lý vào kẻ địch, làm phá sản âm mưu chiến tranh của chúng.
Người được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không ai khác chính là nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi. Trước nhiệm vụ rất khó khăn, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với A13: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Chị viết: “Tôi, Nguyễn Thị Lợi, quê Châu Phú, Châu Đốc, chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà...”.
Hãy dừng một chút để suy nghĩ về những dòng chữ này, của một phụ nữ xa chồng, mất con, thân gái dặm trường... với biết bao nỗi đau đớn. Chị chỉ mong mỏi gửi gắm đứa con gái nhỏ khoảng 6-7 tuổi cho tổ chức, lúc đó đang ở Hưng Yên với quê nội, cho tổ chức để bước vào trận đánh.
Ngày 27/9/1950, theo kế hoạch, Nguyễn Thị Lợi trong vai vợ Quốc vụ khanh cùng Quốc vụ khanh Hoàng Đạo (tức A13) đi tiễn, Kim Sơn trong vai phiên dịch, Chu Duy Kính trong vai người ở, xách vali cho phu nhân. Tất cả lên chiếc thuyền nhỏ thẳng tiến ra chiến hạm đang đậu ngoài khơi biển Sầm Sơn.
Đêm hôm đó, Sầm Sơn trở gió, chị mặc một chiếc áo dài màu trắng ngà, phải vất vả lắm mới leo thang dây để lên được tàu Pháp. Chị lại bị say sóng nên rất mệt... Sau khi chia tay đồng đội, chị đã ở lại trên tàu, hy sinh cùng khối thuốc nổ 30kg để trong vali, được “người hầu” mang lên tàu với danh nghĩa "hàng cấm" để vợ Quốc vụ khanh lấy làm kinh phí.
Tiếng nổ vang dội làm rung chuyển cả biển Sầm Sơn, Thông báo hạm Amyot D’Inville nổ tung. 200 sĩ quan, binh lính Pháp, tay sai và hàng trăm tấn vũ khí, quân trang đã bị vùi sâu dưới đáy biển... Thông báo hạm Amyot D’Inville bị đánh chìm, được coi là một trong những thất bại thảm hại nhất của ngành Tình báo Pháp và là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khẩu chiến trên diễn đàn chính trị của Pháp, các phe phái đả kích lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau, không một ai chịu nhận trách nhiệm. Và bài học về thất bại của Amyot D’Inville cho đến giờ vẫn được người Pháp đưa vào giảng dạy trong trường đào tạo tình báo của Pháp.
Ghi nhận công lao to lớn đó, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy tặng A13 Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 3/8/1995, Chủ tịch nước đã ký truy tặng nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tượng chị còn được dựng trang trọng trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa; tên chị cũng được đặt cho một trường THPT và một con đường rất đẹp của thành phố biển Sầm Sơn.
Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amyot D’Inville tại biển Sầm Sơn không chỉ đập tan âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bọn tay sai hòng đánh chiếm vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, mà còn phá âm mưu của địch hòng lôi kéo, mua chuộc những người kháng chiến “ly khai” nhằm thành lập “chiến khu quốc gia” chống lại kháng chiến. Chiến công đó góp phần tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950...
Gia đình Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, đến năm 1995, khi đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân có mặt người con trai cả của bà là ông Nguyễn Văn Lộc, người con gái là Nguyễn Thị Tường Vân, sau này được ngành Công an tạo điều kiện, học Đại học Mỹ thuật, nay sống ở TP.HCM. Các đồng đội của người nữ anh hùng và con cháu bà đã có chuyến về thăm Tượng đài này và nhớ về người Mẹ, người bà thân yêu của mình đã hy sinh vì Tổ quốc...
Hình tượng của người nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi cũng đã được một số tác giả xây dựng thành kịch, tiểu thuyết tình báo và tuyên truyền trong cộng đồng, nhưng cũng vẫn có nhiều người chưa biết về sự hy sinh quả cảm của bà. Hiện nay, những tư liệu về bà vẫn đang được lưu trữ tại Công an tỉnh Thanh Hoá và Bảo tàng Công an nhân dân (số 1 Trần Bình Trọng, Hà Nội).
Lê Quốc Thịnh