Chuyện về “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định

Ngay sau khi Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859, các cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ lần lượt nổ ra. Nếu như cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân là tiêu biểu cho nhà Nho yêu nước, thì cuộc khởi nghĩa Trương Định lại đại biểu cho tướng lĩnh kháng lệnh Triều đình cùng dân chống Pháp.


Tranh “Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái”. (Tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Xuất thân
Trương Định người làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.

Năm 1844, Trương Cầm lãnh chức Vệ úy Gia Định. Ông cùng con trai là Trương Định và gia đình vào nam. Sau đó Trương Định kết hôn với Lê Thị Thưởng, con gái một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay).

Năm 1850, Khâm sai Tổng đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương khuyến khích dân chúng lập đồn điền, khai khẩn đất hoang. Trương Định dùng tiền chiêu mộ dân chúng lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế Triều định bổ nhiệm ông làm Quản cơ nơi đây, hàm chánh lục phẩm. Ông sống gần gũi với người dân nên dân chúng thường thân mật gọi ông là Quản Định.

Tháng 2/1859, quân Pháp tiến đánh và chiếm được thành Gia Định. Ngay sau đó các nhóm nghĩa quân liên tục bất ngờ tấn công quân Pháp. Trương Định cũng đưa quân của mình đến Thuận Kiều (Gia Định) tham gia đánh Pháp và có những trận thắng lớn ở Cây Mai, Thị Nghè, v.v..

Tập hợp dân chúng chống Pháp
Tháng 2/1861, quân Pháp tiến đánh Đại đồn Chí Hòa, Trương Định đưa quân đến hỗ trợ Nguyễn Tri Phương chống lại quân Pháp.

Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Định đưa quân về Gò Công, chiêu mộ thêm 6.000 binh lính. Có 6.000 quân trong tay, Trương Định huấn luyện binh sĩ, sẵn sàng chống Pháp. Tiếng tăm Quản Định vang đến tận Kinh đô, Triều đình phong cho ông là Phó Lãnh binh Gia Định.

“Đại Nam chính biên liệt truyện” mô tả rằng:

“Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thành Gia Định hữu sự (ý chỉ Đại đồn Chí Hòa thấ thủ), Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định”.

Tháng 4/1861, Pháp tiến đánh Tân Hòa (Gò Công), Tri huyện Tân Hòa là Đỗ Trình Thoại vì để mất thành nên bị cách chức. Nhưng Trình Thoại quyết lập công chuộc tội, đêm 22/6/1861 cho quân tấn công quân Pháp đồn trú ở Gò Công khiến Trung úy Vial bị trọng thương, một số quân Pháp tử trận. Tri huyện Đỗ Trình Thoại cũng hy sinh trong trận này. Gò Công bị quân Pháp chiếm.

Trương Định cho quân tiến đánh quân Pháp nhiều trận, lớn nhất là trận Cần Giuộc làm nức lòng dân chúng, tạo thanh thế lớn.

Năm 1862 khi lực lượng đã mạnh, Trương Định đưa quân tiến đánh quân Pháp ở các nơi, liên kết với các nghĩa quân khác cùng chống Pháp. Quân Pháp bị đánh ở nhiều nơi, lâm vào cảnh khốn đốn.

Sau đó Trương Định cho quân hoạt động mạnh ở Chợ Cũ (Mỹ Tho). Quân Pháp nhận thấy không thể cầm cự được với nghĩa quân lâu hơn, nên quyết định rút khỏi Gia Thạch, Kỳ Hôn, Chợ Cũ (Mỹ Tho), Rạch Gầm, Gò Công, Cái Bè. Một số lính Pháp là thổ dân người Philippines đánh thuê đã đào ngũ sang nghĩa quân hoặc bán lại vũ khí.

Sau khi có được chỗ đứng vững chắc, nghĩa quân quyết định tiến xa hơn. Đêm 6/4/1862, Trương Định cho quân đột kích Chợ Lớn, tấn công quân Pháp dọc rạch Tàu Hủ tới đồn Cây Mai, các đồn Pháp nơi đây bị đốt cháy. Sau đó Pháp cho quân tuần các nơi nhưng không dám tiến đánh vào căn cứ Gò Công của nghĩa quân.

Cuốn sách “Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861 – 1862” xuất bản tại Paris năm 1865 mô tả quân của Trương Định như sau:

“Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt một cứ điểm nào thì họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số những chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công… Làm cho đối phương luôn luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua”.

Bình Tây đại nguyên soái
Năm 1862, Triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Trương Định được lệnh bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang và Hà Tiên. Các thủ lĩnh nghĩa quân khác là Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân tập trung tại Kiến Hòa chờ lệnh.

Nhận được lệnh, Trương Định rất phân vân, ông không biết nên cùng dân chống Pháp hay tuân lệnh Triều đình. Cuối cùng Trương Định quyết định ở lại. Dân chúng vô cùng mừng rỡ, tôn Trương Định là “Bình Tây đại nguyên soái”.

Nhằm giải thích lý do mình kháng lệnh Triều đình, Trương Định đã cho gửi đi lá thư như sau:

“Từ năm thứ 12 của triều vua Tự Đức (1858), bọn man di tây phương đã xâm nhập xứ này. Chúng tiếp tục gây hấn, lần lượt chiếm ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà. Dân ba tỉnh này đã nếm qua mọi tai ương. Sau đó, một hoà ước đã ký kết với Nguyễn triều chỉ gây thêm lòng phẩn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. Nhân dân ba tỉnh này thiết tha muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi làm lãnh tụ. Vậy chúng tôi không thể dừng làm điều chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây. Chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch… Dân chúng đã đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…”

Trương Định xây dựng Gò Công thành căn cứ nhằm chống Pháp lâu dài. Người Pháp nhiều lần gây sức ép với Triều đình Huế nhằm buộc Trương Định bãi binh nhưng ông không đồng ý. Pháp nhiều lần chiêu hàng nhưng Trương Định đều cự tuyệt.

Xem phần 1

Tranh “Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái”. (Tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Hiệu triệu dân chúng
Tháng 7/1862, Trương Định gửi thư cho Thiên Hộ Dương và Thủ Khoa Huân vốn đang phân vân không biết nên cùng dân chúng chống Pháp hay tuân lệnh Triều đình. Ông khuyên nhủ nên đứng về phía dân chúng, đồng thời bàn kế hoạch liên kết chống Pháp. Thiên Hộ Dương và Thủ Khoa Huân từ đó cùng vững tâm chống Pháp, nhiều thủ lĩnh cũng noi gương.

Trương Định còn gửi các bài hịch đi các nơi hiệu triệu dân chúng Nam. Giám đốc nha Nội vụ của Pháp là Paulin Vial nhận xét rằng:

“Quản Định là linh hồn của mọi phong trào. Những bài hịch kêu gọi của ông ta được trao tay, truyền miệng phổ biến ở khắp mọi nơi. Dường như sau khi Gò Công thất thủ, ông ta lại có ảnh hưởng to lớn”.

Liên tiếp các ngày 5, 6 và 7 tháng Giêng năm 1863, quân Pháp tấn công vào vị trí của nghĩa quân trên diện rộng, có cả pháo binh hỗ trợ nhưng đều thất bại.

Không thắng được nghĩa quân của Trương Định, quân Pháp tập trung tấn công vào quân của Võ Duy Dương ở Giồng Cát (Gò Lũy) và Bưng Môn (Cai Lậy). Nghĩa quân dù dũng cảm chống lại nhưng trước hỏa lực vũ khí hiên đại của Pháp nên phải rút đến Xoài Tư (Cai Lậy giáp Cái Bè) và lập căn cứ ở đây.

Nhận thấy nếu không tấn công thì quân Pháp sẽ tấn công tiêu diệt từng cuộc khởi nghĩa một, Trương Định liền cho quân tấn công quân Pháp ở nhiều nơi khác nhau, khiến quân Pháp phải phân tán đối phó.

Bị tấn công ở các nơi, lực lượng quân Pháp bị suy giảm. Chỉ huy quân Pháp là thiếu tướng Bonard buộc phải cầu cứu chính quốc.

Nhận được viện binh, quân Pháp tấn công
Pháp liền gửi đến 2 viễn đoàn thủy quân lục chiến. Đô đốc Jaures đưa từ Thượng Hải tiếp viện thêm một tiểu đoàn khinh binh Bắc Phi, nửa tiểu đoàn bộ binh người Algérie, nửa đội pháo binh. Ngoài ra Tây Ban Nha cũng đưa tới 800 lính Tagal từ Philippines để hỗ trợ cho quân Pháp.

Được tiếp viện đội quân hùng hậu với trang bị vũ khí hiện đại, nhưng tướng Bonard vẫn rất e ngại Trương Định. Ông hứa thưởng 10.000 quan cho bất kỳ ai giết được Trương Định, hay chỉ điểm cho quân Pháp bắt được ông.

Có được lực lượng mạnh, ngày 16/2/1863, thiếu tướng Bonard đích thân chỉ huy quân tiến đánh thẳng vào căn cứ Gò Công. Quân Pháp tấn công vào phòng tuyến bên ngoài là Đông Sơn và Vĩnh lợi (nay đều thuộc Gò Công Tây). Hỏa lực mạnh của quân Pháp không khiến nghĩa quân chùn bước, vẫn dũng cảm chiến đấu ngăn cản.

Nhờ sự yểm trợ của pháo binh, quân Pháp lại tiến công thêm và qua được 2 phòng tuyến này. Tuy nhiên sự quả cảm của nghĩa quân khiến quân Pháp bị thiệt hại, không thể tiếp tục tấn công, phải dừng lại chờ thêm viện binh đến.

Ngày 22/2/1863, viện binh hơn 3 tiểu đoàn Pháp từ Sài Gòn đến, quân Pháp tiến thẳng vào căn cứ Gò Công. Các tàu chiến hiện đại của Pháp cũng được điều động: Tàu L’Européen đậu ở cửa Rạch Lá; tàu Alame đậu ở rạch Gò Công, trên bờ có một pháo đài; tàu Circé đậu ở Vàm Láng, sông Xoài Rạp; tàu Forbin phong tỏa sông Vàm Cỏ; tàu Cosmao, pháo thuyền 20, chiến thuyền Saint Joseph và 15 chiếc ghe bao vây phía tây.

Sáng 25/2/1863, quân Pháp bắt đầu tổng tấn công, đích thân tướng Bonard đứng trên chiến hạm Ondine chỉ huy. Quân Pháp từ tất cả các hướng tấn công cùng lúc.

Quân Pháp đông và hỏa lực rất mạnh, hai phó tướng của nghĩa quân là Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường tử trận. Nhận thấy nếu chống cự cũng không thể giữ được lâu, Trương Định liền cho một số quân phục kích tiêu hao quân Pháp rồi rút ngay để bảo toàn lực lượng, rút lui vào rừng.

Trước khi rút nghĩa quân cho đốt lửa trong đồn và một số nơi. Quân Pháp thấy có khói thì nghĩ rằng nghĩa quân vẫn còn nên trút hỏa lực, khi vào đến nơi mới biết nghĩa quân đã rút lui an toàn.

Người anh hùng của người dân Gò Công
Nghĩa quân chuyển đến khu rừng Lý Nhơn (nay thuộc Cần Giờ, Sài Gòn), một cánh quân khác đến Thủ Dầu Một – Tây Ninh. Trương Định chuẩn bị lương thực, vũ khí và chiêu mộ thêm quân, có thời điểm quân số nghĩa quân lên đến 10.000 người.

Nghĩa quân nhiều lần tấn công quân Pháp ở các nơi như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông, vùng ven Sài Gòn, v.v..

Tháng 9 năm 1863, tướng Lagrandière sang thay Bonard. Quân Pháp nhận được mật báo về nghĩa quân ở căn cứ Lý Nhơn, Lagrandière lên kế hoạch tấn công.

Ngày 25/9/1863, quân Pháp bất ngờ tiến đánh căn cứ Lý Nhơn. Bị đánh bất ngờ, nghĩa quân thiệt hại nặng nhưng vẫn quả cảm chống cự rồi rút về hướng Gò Công.

Đêm ngày 20/8 1864, Trương Định cùng 28 nghĩa binh đến làng Tân Phước bàn kế hoạch cho những trận đánh mới. Tuy nhiên lúc này một người phản bội là Huỳnh Công Tấn (Đội Tấn) dẫn quân Pháp đến bao vây. Trương Định cùng các nghĩa binh của mình đã chống trả đến cùng và tất cả cùng ra đi trong làn đạn của quân Pháp.

Trương Định ra đi trong sự thương tiếc vô hạn của người dân Gò Công, họ xem ông là người anh hùng, người bảo hộ cho dân chúng. Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và một bài văn tế điếu ông, trong đó có đoạn:

Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm râm ba chữ điếu linh hồn.

Trải qua thời gian dài đến nay, người dân Gò Công luôn luôn tu sửa, tôn tạo mộ và đền thờ ông. Trước năm 1975, hàng năm lễ giỗ Trương Định được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 7 âm lịch. Từ năm 1975 đến nay, lễ giỗ hàng năm tổ chức vào hai ngày 19 và 20 tháng 8 Dương lịch. Tượng đài của Trương Định được xây dựng ở thị xã Gò Công để dân chúng thể hiện sự tôn kính.


Tượng đài Trương Định ở trung tâm thị xã Gò Công. (Ảnh từ gocong.org)
Trung úy Léopold Pallu đã viết trong cuốn sách “Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1861” (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861), do nhà xuất bản Hachette in tại Pháp năm 1864 rằng:

“Lúc bấy giờ (tháng 6 năm 1861) có một người An Nam rất cương quyết và hào hùng tên là Trương Dinh (tức Trương Định) cho biết sẽ dấy loạn khởi nghĩa trong toàn xứ.”

“Là một trong số những người nhiều nghị lực nhất, anh ta đánh lừa là đã chết trong trận Gò Công, nhưng sau đó lại xuất hiện và chiến đấu trong hết mùa mưa… Mãi về sau này, khi ta đã chiếm Biên Hòa, tên Trương Dinh tung hoành tàn phá hết hai vùng tứ giác của ta.”

Trương Định mất, nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục, con trai ông là Trương Quyền tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp.

Mặc dù Trương Định qua đời, nhưng cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo chưa kết thúc. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, con ông là Trương Quyền dù còn rất trẻ nhưng cũng tham gia. Năm 1864 khi Trương Định mất, Trương Quyền thay cha tiếp lục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và trở thành thủ lĩnh trẻ tuổi nhất vào lúc đó khi mới chỉ 20 tuổi.

Xem phần 1, phần 2

Tranh “Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái”. (Tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Liên quân Việt – Khmer và những trận đánh lớn
Trương Quyền dẫn quân đến vùng Đồng Tháp Mười và Tây Ninh lập căn cứ chống Pháp. Ông liên kết với các cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, Phan Chỉnh.

Lúc này Pháp cũng đã chiếm xong Campuchia, ra sức củng cố bộ máy cai trị. Dân Khmer nổi lên chống Pháp, tiêu biểu là cuộc khỏi nghĩa của Pôkumpô. Trương Quyền liên kết với cuộc khởi nghĩa của Pôkumpô cùng các lực lượng của người Chăm, Stiêng, Mơ Nông cùng chống Pháp.

Liên quân Việt – Khmer đã có những trận thắng lớn như Rạch Vịnh, Trà Vang (Tây Ninh), Thuận Kiều (Chợ Lớn), Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng, Tân An, Uđông (Oudong, Campuchia).

Ngày 3/6/1866, thủ lĩnh Khmer là Pôkumpô vờ như đưa quân về phía bắc nhằm nghi binh, để ngày 7/6/1866 liên quân Việt – Khmer đánh một trận lớn ở Tây Ninh khiến Quan Đốc lý sự vụ là De Larclauze, sĩ quan phụ tá Lasage cùng hàng chục lính Pháp tử trận. Quân Pháp còn lại trong thành Tây Ninh hoảng sợ không dám ra ngoài.

Người Pháp ở Sài Gòn hay tin vội đưa quân đến, liên quân đánh một trận ở rạch Vịnh vào ngày 14/6/1866 khiến thiếu tá Marchaise cùng nhiều quân Pháp tử trận. Chiến thắng này đã khích lệ dân chúng và nghĩa quân rất nhiều.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu dẫn lại lời viết của Giám đốc Nha Nội vụ Pháp Paulin Vial rằng:

“Tin tức về sự thiệt hại nặng nề của ta trong trận rạch Vịnh đã lan tràn trong nhân dân như một ngọn lửa thuốc súng; các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ các nơi, cả trong hàng ngũ chúng ta, cả trong thành phố Sài Gòn và họ đang tìm cách tấn công ta ngay tại phủ của ta.”

Lúc này liên quân Việt – Khmer đã kiểm soát được một vùng rộng lớn giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, từ Xvây-riêng (Campuchia) đến Trảng Bàng (Tây Ninh). Trương Quyền cho quân tấn công quét sạch đám ngụy quân ở Soài Riêng, Trảng Bàng (giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), rồi củng cố căn cứ nhằm làm chỗ đứng lâu dài.

Quân Pháp tấn công
Chiếm được 3 tỉnh miền Tây, quân Pháp huy động lực lượng lớn tấn công các cuộc khởi nghĩa, cô lập nghĩa quân Trương Quyền, đồng thời phong tỏa các nguồn tiếp tế khiến nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn. Đồng thời quân Pháp liên tục tổ chức các đợt càn quét khiến nghĩa quân phải vất vả chống đỡ.

Pháp huy động thêm viện binh, ngày 2/7/1866 tấn công vào căn cứ nghĩa quân ở Trà Vong. Liên quân gặp tổn thất lớn phải rời căn cứ. Thủ lĩnh Khmer là Pôkumpô đưa quân về nước, nhưng trong một trận kịch chiến với Pháp ông đã bị tử trận.

Các cuộc khởi nghĩa khác liên tục phải chống trả quân Pháp nên không thể liên kết đươc với quân của Trương Quyền. Mặt khác Pháp cũng tổ chức cho ngụy quân liên tục tiến đánh nghĩa quân suốt khu vực Trảng Bàng, Soài Riêng.

Bị cô lập, Trương Quyền quyết định đưa quân đến Suối Giây ở phía bắc khu rừng Tây Ninh, là nơi nghèo nàn, dân cư thưa thớt.

Nhưng nghĩa quân vừa đến Sưới Giây thì do thám của Pháp đã phát hiện được. Ngày 28/7/1867, quân Pháp tổ chức tấn công với hỏa lực rất mạnh. Nghĩa quân phải chia thành nhiều toán nhỏ vừa đánh vừa rút đến vùng châu thổ sông Cửu Long.

Trương Quyền cũng mở nhiều cuộc tập kích bất ngờ vào quân Pháp, nhưng chỉ có tác dụng quấy rối và tiêu hao chứ không mang lại nhiều kết quả.

Lúc này nổi lên cuộc  khởi nghĩa chống Pháp của anh em Phan Tôn và Phan Liêm (con trai quan đại thần Phan Thanh Giản) ở Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Trương Quyền liền quyết định đưa quân đến Hậu Giang cùng phố hợp.

Nhưng trên đường đi nghĩa quân bất ngờ gặp quân Pháp, hai bên nổ súng. Trong cuộc chiến ác liệt, Trương Quyền bị trúng đạn và hy sinh.

Những người còn lại trong nghĩa quân đến được Hậu Giang, gia nhập vào các cuộc khởi nghĩa ở đây tiếp tục chống Pháp.

(Hết)

Trần Hưng
 Trí Thức VN.