Công nữ Ngọc Vạn (1605-1658) có tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Có nhiều tài liệu ghi chép tước vị của bà là công chúa nhưng thực tế chỉ là công nữ. Bởi bà là con của chúa Nguyễn.
Cuộc đời của công nữ Ngọc Vạn không hề được sử sách Việt ghi lại nhưng trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả ấn hành năm 1995 có ghi rằng Ngọc Vạn làm lễ thành hôn vào năm 1620. Bà được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Được chồng yêu thương và cưng chiều
Theo lời nhận xét của nhiều người Pháp lúc bấy giờ, công nữ Ngọc Vạn sở hữu nhan sắc vô cùng xinh đẹp. "Tháng 3/1618, Chey Chetta II được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey”, tác giả Moura trong cuốn Royaume du Cambodge ghi rõ.
Còn trong cuốn L’ Empire Khmer, tác giả G. Maspéro chép: "Vị vua mới lên ngôi là Chey Chetta II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Chetta II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn".
Công nữ Ngọc Vạn sở hữu nhan sắc xinh đẹp (Ảnh minh họa)
Trước đó, Chey Cheta II đã có hai vợ, hoàng hậu đầu là người Chân Lạp, người vợ thứ hai là người Lào nhưng ông vô cùng sủng ái Ngọc Vạn. Vì bà không những xinh đẹp, thông minh mà còn sống mẫu mực và điềm đạm. Thậm chí bà còn nhanh chóng hòa nhập với Phật giáo tiểu thừa của Chân Lạp, lập xưởng thợ, mở cơ sở đóng thuyền, mở các nhà buôn quanh thủ đô Oudong (tức Phnom Penh).
Năm 1623, chúa Sãi cử sứ bộ sang gặp Chey Cheta II đề nghị lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay) để khai hoang khẩn nghiệp, sau đó xin cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức Sài Gòn). Lúc này công nữ Ngọc Vạn đã đứng ra vận động, thuyết phục nên vua Chey Cheta II đã chấp thuận. Từ đó, chúa Nguyễn khuyến khích người Việt đến đó lập nghiệp...
Đến năm 1632, thời hạn các trạm thu thuế đã hết, Ngọc Vạn lại đề nghị quốc vương Chân Lạp cho phép gia hạn và được chấp thuận. Trong vòng năm năm, từ ngày công nữ Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã sống trải dài từ Bà Rịa, Biên Hòa, Bến Nghé lên tới Châu Đốc đến tận Oudong. Đến cuối thế kỷ 17, số người Việt ở vùng này đã lên đến 200.000 người với bốn vạn hộ dân.
Năm 1674, Chân Lạp suy yếu, chia thành hai quốc gia và phải thần phục triều Nguyễn. Cháu của Ngọc Vạn làm nhị vương đóng đô ở gò Cây Mai (tức Sài Gòn). Đó là thời điểm công nữ Ngọc Vạn quyết định rời khỏi Chân Lạp quay về quê hương. Tương truyền, bà đã tìm về vùng Mô Xoài sinh sống rồi lên núi Chứa Chan (tức Đồng Nai) để xuất gia. Đây được cho là nơi ở cuối cùng của công nữ Ngọc Vạn trên trần thế này.
Với vai trò của công nữ Ngọc Vạn, nhiều sử gia Việt đã dành những lời khen "có cánh". Ví như Tiến sĩ Trần Thuận, ông cho rằng, cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn và vua Chân Lạp không được sử nhà Nguyễn ghi chép nhưng xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía. Chân Lạp cần có sự "bảo hộ" của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của vương quốc Xiêm. Chúa Nguyễn cần có chỗ đứng ở phía Nam, đẩy mạnh sự khai phá của lưu dân Việt trên mảnh đất khô cằn và thấp trũng mà từ lâu người Chân Lạp vẫn bỏ hoang, đồng thời tạo nên sự ổn định mặt phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc... "Ngọc Vạn, rõ ràng là một chiếc cầu nối trong quan hệ Việt–Miên ở thế kỷ 17... Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... góp phần giành, giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa... Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay", vị tiến sĩ bàn.