Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời kỳ trước 1954

 
Từ một nhà giáo dạy lịch sử, Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động cách mạng khi còn trẻ và sớm trở thành Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho. Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).

Một trong những bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp dưới bút danh Hải Thanh có tên "Vũ trụ và tấn hóa" in trên báo Tiếng dân năm 1929 do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút.

Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và nhận bằng cử nhân luật năm 1937. Tháng 5/1939, ông nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội.

Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ đầu tiên của Đại tướng, trong một lần chụp ảnh tại Hà Nội. Bà Thái sinh năm 1915, hy sinh năm 1944. Bà Quang Thái là em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Ông bà có một người con gái, tiến sĩ Võ Hồng Anh.

Đại tướng với bố mẹ, con gái Hồng Anh (áo trắng) và các cháu năm 1946.

Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một năm thành lập. Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp tuyên đọc Nhật lệnh của Quân ủy hội.

Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng (bên trái) đang nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên giới 1950.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạm nghỉ trên đường tới Chiến dịch Biên giới 1950.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba từ trái), Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan​ trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt, Lào đi đến thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Khi chia tay, Chủ tịch ra chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh".

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng vào lúc 17h30 ngày 13/3/1954, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ sau chiến thắng lịch sử ngày 7/5/1954.

Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công ngày 13/5/1954.

Theo VnExpress