Đinh Phế Đế (Đinh Toàn, 974-1001): Khi vua cha là Đinh Tiên Hoàng và anh trai là Nam Việt vương Đinh Liễn bị giết hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi, được đưa lên làm vua. Một năm sau, nhà Tống xâm lược nước ta, mẹ ông (thái hậu Dương Vân Nga) đã nhường ngôi vương cho Lê Hoàn, Đinh Toàn trở thành Vệ vương. Năm 1001, khi đi đánh quân nổi loạn ở Thanh Hóa, ông bị trúng tên độc chết khi mới 27 tuổi. Ảnh: Zingnews
Lê Trung Tông (983-1005): Sau khi vua Lê Hoàn qua đời năm 1005, các con trai của ông đánh nhau 8 tháng để tranh ngôi báu. Cuối cùng, Lê Trung Tông giành được thắng lợi, lên làm vua nhưng chỉ được 3 ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) đầu độc. Ảnh: Zingnews
Lý Huệ Tông (1194-1226): Nắm quyền trong giai đoạn triều Lý suy yếu, bị họ Trần nắm giữ hết, Lý Huệ Tông phát điên, nhiều lúc tự xưng là thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, múa hát. Ông bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái và đi tu năm 1224. Sau đó, Lý Huệ Tông thắt cổ tự tử, kết thúc cuộc đời của ông vua có số phận hẩm hiu. Ảnh: Zingnews
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278): Nữ hoàng duy nhất của nước Việt, Lý Chiêu Hoàng, đã trải qua cuộc đời đầy bi kịch. Sau khi bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh năm 1225, bà được phong là hoàng hậu. Vì không có con, bà bị truất xuống làm công chúa, phải xuất gia đi tu. Sau khi hoàn tục, Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Phụ Trần. Khi qua đời, bà không được thờ ở ngôi đền dành cho các vua triều Lý, vì tội làm mất vương triều. Ảnh: Zingnews
Trần Phế Đế (Trần Giản Hoàng, 1361-1388): Làm vua trong giai đoạn triều Trần suy yếu, Trần Giản Hoàng có cuộc đời cơ cực. Trong giai đoạn làm vua, Trần Phế Đế chỉ có hư danh, quyền hành do thượng hoàng Trần Nghệ Tông nắm hết. Cuối cùng, Hồ Quý Ly gièm pha, Trần Phế Đế bị phế truất, bắt giam rồi ép phải tự tử. Ảnh: Zingnews
Lê Nhân Tông (1441-1459): Ông là hoàng đế thứ 3 của nhà Hậu Lê, lên ngôi khi hơn 1 tuổi, sau cái chết bất ngờ của vua cha Lê Thái Tông. Dù rất tài năng, Lê Nhân Tông lại có cuộc đời bi kịch. Ông bị anh trai là Lê Nghi Dân hãm hại để giành ngôi báu. Cái chết của nhà vua ở tuổi 17 đã khiến quan lại "nuốt hận ngậm đau", thần dân "như mất cha mẹ". Ảnh: Zingnews
Mạc Mậu Hợp (1560-1592): Ông được xem là hoàng đế cuối cùng của nhà Mạc. Trị vì đất nước 30 năm, Mạc Mậu Hợp nhiều lần bị quân Trịnh đánh tan tác, phải chạy trốn khắp nơi. Sau thất bại trong trận chiến cuối cùng năm 1592, Mạc Mậu Hợp phải trốn vào chùa, đóng giả thành sư nhưng vẫn bị quân Trịnh bắt được. Sau đó, ông bị xử tử. Ảnh: Zingnews
Tự Đức (1829-1883): Siêng năng, chăm chỉ, giỏi văn thơ, làm vua tới 36 năm, Tự Đức là một trong những ông vua có số phận hẩm hiu bậc nhất triều Nguyễn. Không có con nối dõi, cuối đời, ông phải tự dựng bia mộ cho mình. Trên tấm bia này, Tự Đức tự nhận với hậu thế tội trạng. Tự Đức cho rằng cuộc đời làm vua của ông có 2 tội lớn: Không có con nối dõi và để mất nước. Ảnh: Zingnews