Điều đặc biệt về Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Binh đoàn Quyết thắng và phân xưởng sửa chữa xe thiết giáp (năm 1975). Ảnh: TTXVN

Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh là Lê Hoài) sinh ngày 2/5/1917, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa yêu nước và tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1934 (khi mới 17 tuổi), người thanh niên Văn Tiến Dũng đã hoạt động cùng giới thợ thuyền Hà Thành, được tôi luyện trong phong trào công nhân và sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng

Sau này, có lần ông tâm sự: “Chuyện tôi theo cách mạng cũng là chuyện tình cờ. Thời ấy, Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) sôi nổi lắm, phong trào công nhân đấu tranh đòi tự do, dân chủ càng mạnh, nó cứ hút mình vào…”.

Trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi, nhìn vẻ thư sinh của chàng trai gốc Hà Nội, không ai nghĩ, cậu thanh niên ấy lại là một người Cộng sản gan lì có tiếng. Trong đời hoạt động của mình, hơn ba lần, ông bị giặc Pháp bắt giam và từng bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Thế nhưng lao tù của đế quốc, thực dân với mọi cực hình tra tấn dã man, tàn ác, đã không làm nhụt ý chí chiến đấu của ông, mà ngược lại, ông càng kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh, chịu khó, ham học hỏi, dù tuổi đời còn trẻ nhưng ông đã có nhãn quan chính trị sâu sắc, hiểu rõ mục tiêu của cách mạng và sớm được Đảng giao nhiều trọng trách, với các cương vị như: Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội (1939), Bí thư Đảng bộ Bắc Ninh (1/1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (4/1944), Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (1945)...

Với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, ông đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã.

Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn của quân đội ta, như: chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), chiến dịch Trị-Thiên (1972), chiến dịch Tây Nguyên (3/1975)... Những chiến dịch này càng tỏ rõ tài năng quân sự xuất chúng của ông.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Đại tướng Văn Tiến Dũng (ngồi ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Sau những thắng lợi tạo tiền đề vững chắc của chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế và chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (tháng 3/1975), thời cơ để ta mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi vô cùng to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”.

Clip: 5 cánh quân tiến vào Sài gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (từ ngày 14/4 đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh), do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh.

Sau nhiều đêm thức trắng trao đổi, bàn bạc, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn… Dùng đại bộ phận lực lượng các đơn vị nhanh chóng thọc sâu, đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh, đã được tổ chức chặt chẽ, tiến theo các trục đường lớn, đánh thẳng vào 5 mục tiêu được lựa chọn trong nội thành. Năm mục tiêu đó là: Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát ngụy quyền và sân bay Tân Sơn Nhất.

Dưới sự chỉ đạo của ông, chỉ sau 5 ngày (từ 26-30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Điện của Bộ Chính trị từ Hà Nội gửi vào cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch: “Đã nhận được tin ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Gửi các anh lời chúc mừng đại thắng. Bộ Chính trị rất vui”…

Theo phân tích của các tướng lĩnh, việc điều khiển 5 cánh quân từ 5 hướng cùng tiến vào bao vây cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn - Gia Định là đợt tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Những binh đoàn từ Bắc Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 xuất phát vào những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường, xử lý tình huống tấn công mở đường khác nhau nhưng Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tính toán, chỉ đạo thống nhất để tất cả hành quân tiến kịp về Sài Gòn và phối hợp ăn ý.

 

Kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mọi người mới hiểu hết được trí tuệ tập thể của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, trong đó có vai trò nổi bật của người chỉ huy Văn Tiến Dũng, một người rất quyết đoán và chịu trách nhiệm cao nhất…

Đại tướng Văn Tiến Dũng đã kể lại cảnh các đồng chí trong Sở Chỉ huy Chiến dịch vào trưa ngày 30/4/1975: "Mọi người ngồi quanh chiếc máy thu thanh và khi nghe giọng nói của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh nói lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện, tất cả chúng tôi đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau. Tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng nói ríu rít, vui náo nhiệt. Các anh Lê Đức Thọ, Phạm Hùng ôm chầm lấy tôi. Tất cả đều nghẹn ngào, xúc động... Anh Đinh Đức Thiện mắt đỏ hoe, nói bây giờ nếu có nhắm mắt cũng yên lòng”...

Vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau giải phóng Sài Gòn (5/5/1975). Ảnh: TTXVN

Hơn 65 năm tham gia hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng có 26 năm liên tục đảm nhiệm trọng trách Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960 - 1986). Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

Ông là Tổng Tham mưu trưởng lâu năm nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, suốt 25 năm từ 1953 đến 1978.

Năm 1948, ông là một trong số tướng được Bác Hồ phong đợt đầu tiên, được thăng vượt cấp quân hàm Thượng tướng năm 1959. Tới năm 1974, ông được phong quân hàm Đại tướng. Năm 1980 -1986, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng các huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Quân công (hạng Nhất, Nhì) và nhiều huân, huy chương cao quý khác; Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor.

Đánh giá về công lao đóng góp và tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

THEO DANVIET