Theo sử cũ thì Đoàn Doãn Nghi là danh sĩ đời vua Lê Hy Tông. Ông sinh năm 1676 và mất năm 1704. Ông là thân phụ của Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm, quê xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, (nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Nguyên xưa ông vốn là người họ Lê, nội tổ của ông là Lê Công Nẫm, thân phụ ông là Lê Công Vị. Ông học rộng nức tiếng trong vùng Kinh Bắc, nhân một hôm nằm mộng thấy thần ban họ Đoàn và ông đã vâng theo rồi đổi họ.
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ảnh: PA.
Cô con gái của ông là Đoàn Thị Điểm, tuy mới trạc tuổi thiếu niên đã có tài học vấn hơn người và được thiên hạ chú ý vì một phong cách rất đặc biệt. Ra đường, cô thường xách một cái túi vải Đa La (một loại vải đẹp ngày xưa). Tự tay cô thêu lên cái túi ấy hai câu thơ của Lý Bạch: Đãn sử chủ nhân năng túy khách; Bất tri hà xứ thị hương nhân. Nghĩa của hai câu thơ này là: Miễn sao chủ nhân có đủ rượu làm say khách; Cần gì phải phân biệt là chốn lạ hay quen.
Người dám đề thơ như vậy chứng tỏ là một tâm hồn phóng khoáng và một trình độ học vấn cao. Thượng thư Lê Anh Tuấn biết được chuyện này, liền nhắc với ông Nghi, tức thân phụ của Đoàn Thị Điểm và là học trò cũ rằng muốn xin nhận cô Điểm làm con nuôi. Và gia đình họ Đoàn đã chấp thuận.
Sống trong gia đình thượng thư Lê Anh Tuấn, cô Điểm có điều kiện đọc nhiều sách vở văn thơ, trình độ cô lại càng tiến tới thêm. Cô thường được cha nuôi sai đến các nhà bạn đồng liêu của ông, hoặc mượn kinh truyện hoặc đưa thư từ. Những người này biết tiếng cô gái tài hoa nên cũng hay thử tài. Một lần, cô Điểm tới nhà quan tham tụng Nguyễn Công Hãng, khi ấy không có gia nhân đầy tớ đi theo. Ông Hãng nhân đó bảo cô làm thơ vịnh cảnh đi một mình (độc hành thi). Cô Điểm không phải suy nghĩ lâu, đọc ngay hai câu: Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu; Truy tùy tả hữu cổ quăng thần. Nghĩa là: Bàn luận chuyện xưa nay thì lấy gan ruột làm bạn tâm sự; Theo liền bên phải bên trái thì lấy chân tay làm bạn theo hầu.
Nghe xong, ông Nguyễn Công Hãng phục lắm.
Tiếng tăm của Đoàn Thị Điểm ngày càng lan rộng. Khi cô rời gia đình Lê Anh Tuấn về ở với anh để chăm sóc mẹ. Từ đó, nhà riêng của họ Đoàn đã trở thành nơi hằng ngày có các danh sĩ ở kinh thành Thăng Long tìm đến làm quen. Nhưng cô Điểm không nhận lời ai, vì cô chưa thấy người nào là bậc tài hoa danh sĩ. Một lần, khi có khá đông những thầy nho, đều là bậc hoàng giáp, tiến sĩ kéo đến nhà ông Nghi để xin yết kiến cô Điểm. Cô không vội ra, chỉ cho một đứa cháu gái bưng ra một lá trầu, trên đề dòng chữ: Đình tiền, thiếu nữ khuyến tân lang.
Cả bọn trầm trồ, khen nét chữ đẹp. Một vài thầy khóa hấp tấp, gật gù nói khẽ với nhau: Thế này thì nhiều hy vọng lắm! Câu đối ra hợp cảnh mà có phần khêu gợi. Nhưng sau đó họ ngạc nhiên thấy mấy ông bạn hàng đầu đăm đăm tư lự. Những ông bạn này có phải là hạng tầm thường đâu. Chính là những người lỗi lạc nhất trong danh sĩ mà người dân Thăng Long hâm mộ, tôn họ là Trường An tứ hổ (4 người giỏi văn nhất kinh thành). Cả đám tứ hổ đứng yên không nói năng gì. Cuối cùng, Vũ Diễm, người xuất sắc nhất của tứ hổ, từ từ đến trước bức mành rồi chấp tay nói vọng vào:
- Xin đa tạ chủ nhân, bọn chúng tôi xin được về học thêm, không dám phiền chủ nhân thừa tiếp nữa.
Thế là các nho sĩ lủi thủi kéo nhau ra về. Vũ Diễm vừa đi vừa giảng cho các nho sinh cùng nghe:
Câu thách đố này của Hồng Hà nữ sĩ, tài tình mà lắt léo lắm đấy, các bác ạ! Cô ta dùng tiếng đồng âm đấy mà. Thiếu nữ là cô gái trẻ và cũng là làn gió nhẹ. Tân lang là chàng rể mới, nhưng cũng là cây cau. Thành ra câu văn ấy muốn hiểu rằng gió nhẹ vờn cây cau hay cô gái mừng chàng rể mới đều đúng cả. Nếu hấp tấp đối theo một nghĩa thì chẳng bõ mua cười. Bọn chúng tôi đành thoái là vì như vậy đó.