Qua các tài liệu mới có được dưới triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn trong cuốn sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) ấn hành viết: “Phần lớn người dân Việt lúc bấy giờ, hai từ ‘đồn điền’ là một ám ảnh về sự bóc lột, áp bức của giới chủ da trắng và nỗi khốn khổ, chết chóc của người dân thuộc địa đói nghèo. Song có một điều mà nhiều người trong chúng ta không nắm rõ, đó là hàng 7 - 8 mươi năm trước khi chế độ thực dân Pháp hình thành trên đất nước ta (từ thập niên 1860), thì mô hình đồn điền đã được thực hiện với một mục tiêu phát triển dân sinh tốt đẹp”.
Chân dung vua Minh Mạng (1820-1841). T.L của Lê Nguyễn
Cụ thể là ngay trong cuộc xung đột dai dẳng với nhà Tây Sơn, chưa đầy hai năm sau khi thu phục lại đất Gia Định, thì trong tháng 10 ÂL năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã tiến hành ban chỉ dụ tổ chức các đồn điền, ra lệnh cho các hạng quân “ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho (tức kho Chừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền)
Sách đã dẫn cho biết: “Song song với việc tổ chức cho quân đội làm kinh tế, chúa Nguyễn cũng ra lệnh mộ dân lập các đội đồn điền, mỗi người được cấp đất canh tác và hằng năm nộp cho triều đình 6 hộc lúa (mỗi hộc khoảng 30 kg). Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, đã có hai thành phần chính tham gia thực hiện chính sách đồn điền, một là binh lính, vừa chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, vừa làm kinh tế; và hai là lưu dân tứ xứ được tập hợp lại để khẩn hoang, mưu tìm sự an cư lạc nghiệp”.
Rồi vào tháng 4 ÂL 1804, sau khi đã lên ngôi và lấy niên hiệu mới, vua Gia Long định lệ phân cấp công điền công thổ, theo từng phẩm cấp, thứ bậc khác nhau. Sang tháng 5 ÂL năm sau (1805), ông định lệ cho những lưu dân từ Nghệ An trở ra Bắc được lãnh trưng ruộng đất. Đây là những thân phận phải xiêu tán để tránh hậu quả của cuộc nội chiến, nay trở về làng cũ được hưởng chính sách nhận đất và tha thuế, tha lính trong ba năm.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn kể: “Đến thập niên 1810, sau khi đã ổn định tình hình trong nước, vua Gia Long cho đẩy mạnh chính sách đồn điền, quân sự hóa một phần dân mộ, lấy phân nửa số dân các phủ huyện lập thành hương binh, có việc thì làm lính, không việc thì làm ruộng. Khoảng 5-10 năm sau, khi tổ chức đã ổn rồi, các đồn điền biến thành hương ấp, là đơn vị hành chánh cơ bản trong guồng máy cai trị”.
Cho đến triều Minh Mạng (1820-1841), Tổng trấn Gia Định thành Tả quân Lê Văn Duyệt từng lên tâu với nhà vua rằng: “Dân Gia Định phần nhiều là dân giang hồ trú ngụ, đặt ra đồn điền để dồn bọn du thủ cho nương tựa vào đồng ruộng vốn là phép tốt. Nếu không cho đồn điền tăng tục thêm dân thì bọn ấy đi lại không định, sợ hoặc để lụy cho dân…”. Như vậy rõ ràng trong thời kỳ này đã có thêm một thành phần cư dân nữa trong tổ chức đồn điền, đó là những người tuy chưa phải là tội phạm, nhưng thuộc loại du thủ du thực, nếu sống ngoài tổ chức có thể gây ra những tổn hại cho trật tự trị an.
Quan lại triều đình nhà Nguyễn. T.L
“Dựa vào tình thế lúc bấy giờ, vua Minh Mạng chấp thuận đề nghị của ông Duyệt, cho hương lý các làng xã được tùy nghi chọn người ở lại làng hay sung vào đồn điền. Đến năm 1836, trong thời gian mang quân qua bảo hộ nước Chân Lạp (nay là Campuchia), triều đình Huế đưa nhiều phạm nhân sang Trấn Tây thành để lập đồn điền mới. Đây là một trong những sách lược đáng ghi nhận của vua Minh Mạng qua việc sử dụng phạm nhân đi làm kinh tế, tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất. Ở những đồn điền do quân lính mới khẩn hoang và canh tác, nhà vua cho sử dụng hết những hoa lợi làm ra. Vài năm sau, khi mùa vụ đã ổn định, mới tính khẩu phần thuế phải nộp. Như vậy, trong gần nửa đầu thế kỷ 19, tổ chức đồn điền đã có qui củ”, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn khẳng định.
THEO DANVIET