Nằm dưới chân núi Cánh Diều ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, lăng mộ của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) là địa danh gắn với một giai thoại ly kỳ về cái chết của bậc danh y lỗi lạc của nước Việt thế kỷ 18.
Theo đó, từ khi “treo ấn từ quan” trở về quê ngoại ở Hương Sơn, Lê Hữu Trác đã làm nhiều nghề từ trồng thuốc, khám chữa bệnh, dạy học, viết sách, làm thơ…
Đặc biệt, Lê Hữu Trác là người rất đam mê chơi diều. Tương truyền, ông thường lên đỉnh Núi Giả, Hồ Sen, vừa thả diều vừa ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở các địa danh này.
Vào lúc cuối đời, khi biết mình sắp không qua nổi vận số, Hải Thượng Lãn Ông đã căn dặn con cháu khi ông mất thì hãy thả một con diều. Diều rơi ở đâu thì chôn cất ông ở đó.
Và nơi cánh diều rơi xuống là chân núi Minh Tự. Điều lạ lùng là địa điểm này có địa thế tuyệt vời, như thể đã được chọn trước bởi một bậc thầy phong thủy.
Đó là nơi có khe nước Cắn không bao giờ cạn, trước mặt là sông Ngàn Phố nước trong xanh, xung quanh là đồi núi, làng mạc nên thơ...
Và để ghi nhớ giai thoại thấm đẫm màu sắc tâm linh huyền bí này, người dân trong vùng đã gọi núi Minh Tự là núi Cánh Diều.
Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nơi Hải Thượng Lãn Ông an nghỉ - nơi cánh diều truyền thuyết rơi xuống ba thế kỷ trước - đã được tôn tạo khang trang vào năm 2004.
Khu lăng mộ Hải Thượng Lãn Ông là một quần thể kiến trúc hoành tráng và uy nghi, gồm nhiều công trình khác nhau như trụ biểu, nhà bia, nhà tiền tế, mộ phần... nằm trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hậu cảnh là núi Cánh Diều.
Khi ghé thăm chốn linh địa này, xin chớ quên ôn lại truyền thuyết xưa để cảm nhận tâm hồn phóng khoáng người thầy thuốc vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nước Việt như vẫn còn phảng phất đâu đây...
PV (Theo Kiến Thức)