Lê Văn Duyệt (1763-1832) quê gốc tại làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội của ông là Lê Văn Hiếu đã di cư vào nam sinh sống, lập nghiệp. Cha ông là Lê Văn Toại tiếp tục di cư đến Rạch Gầm, tổng Long Hưng, Mỹ Tho.Theo ghi chép thì ông “sinh ra vẫn không dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực” (Đại Nam liệt truyện). Ngay từ năm 14, 15 tuổi, ông thường tự than thở rằng sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng.
Lê Văn Duyệt bước chân vào hàng ngũ những tướng lĩnh quan trọng của Nguyễn Ánh nhờ vào câu bình luận vềtài cầm binh giỏi của những vị tướng như Tống Phước Hiệp, Tống Viết Phước, Nguyễn Văn Thành. Lê Văn Duyệt cho rằng: “Mấy người ấy chưa có thể gọi là toàn tài, ông Phước thì dư dũng mà kém mưu, ông Thành thì mưu thừa mà dũng thiếu. Theo tôi thì chỉ có ông Tôn Thất Hội mới là người đủ trí dũng. Sau này nếu tôi có cầm binh thì quyết phải làm được như ông ấy”. Nguyễn Ánh sau khi nghe xong đã hỏi ông có thể cầm binh, có biết làm tướng không. Ông tự tin trả lời được. Chúa Nguyễn đã cho ông mộ binh, lập ra vệ Diệu Võ, trực thuộc vào Thần Sách quân.
Từ đó, ông xông pha trận mạc, lập được rất nhiều những chiến công như thu phục thành Qui Nhơn, thủy chiến Thị Nại…Bên lề của cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt còn được nhắc tới với câu chuyện khác, trong đó có câu chuyện hai lần phạm tội khi quân.
Lần thứ nhất giả truyền quân lệnh là do tùy cơ ứng biến
Năm 1795, Tây Sơn tấn công vào thành Diên Khánh. Võ Tánh liệu thế chống không được đã cố thủ trong thành, đồng thời báo về Gia Định. Sau khi giao cho hoàng tử Cảnh cai quản đất Gia Định, Nguyễn Ánh dẫn binh thuyền ra giải vây cho thành Diên Khánh. Tướng Tôn Thất Hội thì được lệnh dẫn bộ binh ra Phố Hài tiếp ứng cho Nguyễn Văn Thành. Lê Văn Duyệt cùng với Nguyễn Đức Xuyên, Tống Viết Phúc cũng dẫn quân theo.Sau một trận giao chiến ở Ỷ Na, thuyền chúa Nguyễn vượt qua được và tiến đến vịnh biển Cù Huân. Cai cơ Nguyễn Văn Đắc và Vệ úy Võ Di Minh đánh đồn Lô Cương nhưng đánh hơn mười ngày vẫn không chiếm được. Nguyễn Ánh liền sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Đức Xuyên thay thế hai tướng Đắc và Minh. Nhưng đội quân của cả hai tướng này cũng không thể hạ được thành.
Lê Văn Duyệt đã bàn với Nguyễn Đức Xuyên là phải “dương đông kích tây”, một cánh quân đánh phía trước nhử địch, cánh phía sau phá thành, hò reo tiến quân vào. Nhưng Lê Đức Xuyên sợ vì chưa có lệnh nhưng Lê Văn Duyệt đã nói là “đã có lệnh trên cho làm vậy rồi. Sau này nếu có tội chi. Duyệt xin chịu hết”.
Lê Văn Duyệt và Nguyễn Đức Xuyên đã tiến hành theo đúng kế đã bàn, quả nhiên phá được. Sau khi Nguyễn Ánh dẫn quân vào thành, Lê Văn Duyệt đã xin chịu tội vì giả truyền quân lệnh. Chúa Nguyễn cho rằng đó là công, không phải tội, cần ghi vào trong sổ để thưởng.