Khoa thi cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng diễn ra như thế nào?

7 năm sau đỗ cử nhân trong khoa thi Hương tại trường thi Nghệ An, năm 1901 (năm Thành Thái thứ 13), cụ Nguyễn Sinh Sắc (lúc này đã đổi tên thành Nguyễn Sinh Huy) tham gia tiếp khoa thi Hội năm Tân Sửu và đã trúng Phó bảng.

Sách Hội thí văn tuyển do Gia Liễu Đường khắc bản in, khổ 25 x 14 cm, gồm có 39 tờ, tập hợp các bài thi phú, tuyển chọn trong khoa thi Hội năm Tân Sửu cho biết nhiều thông tin về khoa thi này.

Ở trang đầu sách liệt kê danh sách các quan giám khảo của khoa thi, gồm:

- Chánh chủ khảo: Hiệp biện Đại học sĩ sung Phó Tổng tài Quốc sử quán An Xuân nam Cao Xuân Dục.

- Phó chủ khảo Bố chánh sứ tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Mại.

- Tri Cống cử (quan hỗ trợ cho Chánh, Phó chủ khảo trong việc trường thi và chấm bài) Quyền lãnh Tư nghiệp Quốc sử quán.

- Đề tuyển (quan phụ trách từ việc rọc phách, ráp phách, kê khai danh sách những người thi, người đỗ, yết bảng…), lang trung bộ Lễ Trần Hựu.

Đồng khảo (quan chấm bài): 6 viên:

- Thị độc sung tu thư sở kiểm biện hậu bổ Nguyễn Thiện.

- Thị giảng lãnh Đốc học tỉnh Quảng Nam hậu bổ Phạm Tri Xương.

- Thị giảng lãnh Giáo thọ phủ Quảng Ninh Trần Dĩnh Sĩ.

- Hàn lâm viện thừa chỉ Đào Nguyên Phổ.

- Hàn lâm viện thừa chỉ sung Thừa biện bộ Hộ Nguyễn Viết Tuyên.

- Hàn lâm viện trước tác lãnh Giáo thọ huyện Hưng Nguyên Cẩn.

Ngoài ra còn có các viên quan: 1 viên Giám di phong (quan có nhiệm vụ rọc phách, đóng kín quyển thi), 1 viên Giám đằng lục (quan phụ trách sao chép bài thi để khảo quan chấm trên bản sao đó cho khách quan, tránh việc nhận ra mặt chữ của thí sinh), 1 viên Giám đối độc (quan phụ trách đọc đối chiếu lại bài thi gốc so với bản do Giám đằng lục sao ra có chính xác chưa), 2 viên Giám sát trường thi…

Khoa thi cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Trang đầu sách kê danh sách các quan Giám khảo. Nguồn: Thư viện Quốc gia

Tờ 4a của sách kê tên của cụ Nguyễn Sinh Huy với những thông tin “... Nguyễn Sinh Huy, người làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ, 39 tuổi”. Đỗ đồng khoa này với cụ Huy còn có cụ Phan Châu Trinh.

Danh sách 12 Phó bảng đỗ đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Huy được liệt kê trong sách gồm: Nghiêm Châu Tuệ (Hà Nội), Vũ Tuân (Hải Dương), Nguyễn Đình Hiến (Quảng Nam), Lê Đình Xản (Hà Nội), Hoàng Văn Bỉnh (Quảng Bình), Đỗ Dương Thanh (Nam Định), Võ Vĩ (Quảng Nam), Nguyễn Mậu Hoán (Quảng Nam), Phạm Ngọc Thụy (Nam Định), Nguyễn Xuân Thưởng (Nghệ An), Nguyễn Duy Thiện (Bắc Ninh), Phan Châu Trinh (Quảng Nam).

Để được tham gia kỳ thi Đình, các thí sinh trong kỳ thi Hội phải trải qua 4 kỳ thi. Sách “Hội thí văn tuyển” đã chép lần lượt 4 kỳ thi trên với đề thi của từng kỳ cùng với một số văn bài tiêu biểu, cụ thể:

Tờ 9a chép thông tin về “Đệ nhất trường đề mục”, đề thi của kỳ thi thứ nhất, thi về kinh-nghĩa, luận về tứ thư, ngũ kinh.

Khoa thi cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Tờ 4a với tên và thông tin của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Nguồn: Thư viện Quốc gia

Tờ 21 chép thông tin về “Đệ nhị trường đề mục” - đề thi của kỳ thi thứ hai, đề thi về chiếu, chế, biểu (là các loại văn bản hành chánh thời phong kiến) mỗi thứ một bài.

Tờ 28 chép thông tin về “Đệ tam trường đề mục”, đề thi của kỳ thi thứ ba, đề thi yêu cầu làm một bài thơ ngũ ngôn cổ thể, một bài phú bát vần.

Tờ 32 chép thông tin về “Đệ tứ trường đề mục”, đề thi của kỳ thi thứ tư, đề thi văn sách về cổ văn, kim văn. Đây là phần thi quan trọng nhất, dựa vào bài thi này có thể đánh giá được thực học và thực tài của thí sinh.

Sau khi trải qua các kỳ thi và đỗ đại khoa Phó bảng (còn gọi là Ất tiến sĩ), cụ Nguyễn Sinh Huy đã được triều đình bổ nhiệm giữ chức Kiểm thảo Viện Hàn lâm thuộc bộ Lễ (1906), Thừa biện bộ Lễ rồi được thăng Thự Trước tác tu soạn, Đồng Tri phủ Lãnh Tri huyện Bình Khê (1909).

Sách là một tài liệu quý cung cấp những thông tin về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy nói riêng và thể thức khoa cử cuối triều Nguyễn nói chung.

THEO DANVIET