Lý Thánh Tông tên húy là Lý Nhật Tôn, lên ngôi ngày 1 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054), làm vua đến ngày Canh Dần, tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072) thì qua đời tại điện Hội Tiên, ở ngôi 18 năm, thọ 49 tuổi. Sử sách đánh giá ông là một trong những vị vua giỏi của triều Lý đã để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa và nông nghiệp, được sử sách đánh giá là vị vua “khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Xung quanh cuộc đời của Lý Thánh Tông có nhiều câu chuyện lạ. Theo chính sử năm Kỷ Dậu (1069), vua thân chinh cùng Thái uý Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, chính trong chuyến đi này đã xảy ra hai câu chuyện huyền ảo trên sông biển mà dã sử truyền tụng lại.
Bàn thờ vua Lý Thánh Tông.
Tương truyền, khi đoàn binh thuyền của Lý Thánh Tông đến cửa biển Thần Phù (nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) thì gặp gió to sóng dữ, không đi được. Khi đó vua lên bờ thì thấy một toà miếu cổ bên sông cầu đảo, hỏi chuyện dân chúng thì được biết miếu thờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường, thời trước giúp vua Hùng vượt biển nên được khi mất, vua Hùng cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (người dẹp yên được sóng dữ).
Lý Thánh Tông liền vào đền cầu đảo xin giúp. Đêm đó thần báo mộng cho vua rằng:
- Nhà vua có phúc lớn, tôi xin giữ gìn an toàn. Ngày mai hãy cho tiến quân, chớ có lo sợ.
Đêm hôm ấy gió bắt đầu lặng, đến sáng vua cho đoàn thuyền nhổ neo, ra đến ngoài khơi xa thì thấy những đợt sóng cao như núi, ai ai cũng kinh sợ nhưng thuyền bè vẫn êm ả như không. Quan quân nhìn thấy một vị đạo sĩ người hạc tóc tiên đang đi trên mặt nước, lúc ở phía trước, lúc ở phía sau, đi đến đâu sóng yên đến đó. Khi thắng trận trở về, nhớ ơn thần phù trợ, vua Lý Thánh Tông ban chiếu phong thêm mỹ tự cho thần 8 chữ là: “Thị uy, Phục viễn, thần công, đại vương”.
Tiến sâu hơn nữa, đoàn quân đến được cửa Hàn thì lại gặp mưa lớn, sóng mạnh như muốn nhấn chìm đoàn chiến thuyền. Nhà vua lo lắng suy tính, mệt quá gục xuống bàn thiếp đi. Trong lúc mơ màng, vua thấy một người con gái dung nhan vô cùng xinh đẹp, đoan trang đến trước mặt mình nói:
- Thiếp là thần ở nước Nam, thác sinh vào cây ở chốn mây nước này đã lâu. Nay gặp được bệ hạ nên rất lấy làm thỏa nguyện, biết Người đi đánh giặc, vậy xin theo phù giúp tới ngày chiến thắng sẽ lại đến bái yết.
Nói xong thì biến mất. Nhà vua giật mình tỉnh dậy, kể lại cho quần thần nghe về giấc mộng của mình, có nhà sư hiệu là Huệ Lâm bước ra nói:
- Vị thần đó nói thác sinh vào cây ở nơi mây nước, vậy xin bệ hạ cho người tìm quanh các đám cây, bụi cỏ ven sông này, biết đâu lại tìm được.
Quân lính được cử đi tìm khắp trên bờ, dưới bãi sông, sau thấy một khúc gỗ rất giống hình một người con gái bèn mang về tâu trình. Vua nhìn thì thấy hao hao dáng người gặp trong mộng bèn phong hiệu là Hậu Thổ phu nhân rồi cho đặt khúc gỗ lên bàn thờ trong thuyền rồng. Từ ấy sóng yên, biển lặng, đoàn thuyền đi nhẹ vun vút trên mặt nước. Trong trận chiến đánh giặc, như được phù giúp, quân nhà Lý tinh thần hăng hái, phá trận công thành thu được thắng lợi lớn.
Trên đường dẫn quân trở về, khi đến bến sông cũ, Lý Thánh Tông sai dừng lại định cho lập đền thờ thần bên bờ sông. Bỗng nhiên lại thấy sóng cuộn, gió nổi ầm ầm. Nhà sư Huệ Lâm liền tâu:
- Có lẽ thần không thuận việc này, theo bần tăng thì bệ hạ nên rước khúc gỗ về Thăng Long dựng đền thờ ở trong kinh thành.
Vua nghe vậy bèn nói:
- Thần có công phù trợ đại quân, nay ta sẽ theo lời của đại sư.
Nhà vua vừa dứt lời thì lập tức mây đen tan biến, sóng gió lặng yên. Ai lấy đều cho đó là điềm lạ. Khi về tới kinh đô, vua liền sai người chọn đất dựng đền thờ thần ở làng Yên Lãng và phong làm Hậu Thổ nguyên quân; dân gian thường gọi là bà Cây.
Trâu đất tế thần (Tranh minh họa).
Ngôi đền rất linh ứng, cầu khấn rất ứng nghiệm. Đến đời Lý Anh Tông, trời làm hạn hán, dân bị mất mùa, vua bèn lập đàn ở Nam Giao để tế trời, cầu thần làm chủ đàn, thần liền báo mộng cho nhà vua biết rằng có thần Câu Mang là quân bản bộ của thần chuyên lo việc làm mưa. Vua Lý Anh Tông rất vui mừng liền sắc phong thần Câu Mang coi về mùa xuân, được xếp hàng ở bậc dưới Hậu Thổ nguyên quân, từ đó về sau phàm lễ mùa xuân rồi, phải đem con trâu bằng đất để ở dưới đền thờ; tục lệ ấy vẫn còn truyền mãi đến sau này.
Hiện nay tại Hà Nội, nơi thờ chính Hậu Thổ nguyên quân là đình Ứng Thiên ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa; đình còn gọi là đình Hậu Thổ, đình Nhà Bà. Còn trong tín ngưỡng dân gian, ở một số bài văn khấn đều có nhắc đến danh hiệu Hậu Thổ nguyên quân như văn khấn lễ hồi hoàn địa mạch. Như vậy vị thần này chính là thần Đất, sách Báo Cực chép rằng: Nguyên Quân tức là Nam Quốc Chủ Đại Địa Thần, hàng năm vào ngày 18 tháng 10 âm lịch có lễ cúng vì ngày này được coi là ngày hoá của Thánh Mẫu Địa.
Trải qua các đời, thần đều được gia phong và được công nhận là vị thần có công với dân. Một đôi câu đối còn lưu ở đình đã nói lên điều này:
Sơn mộc thê thần, y phục đạm trang kinh đế mộng
Hải môn hiển ứng, phong đào tinh thiếp hộ vương sư.
Nghĩa là:
Gỗ rừng , tạc tượng thần trang điểm áo quần như trong mộng
Cửa biển hiển thánh, dẹp yên sóng gió giúp thuận vua.
Phong một khúc gỗ làm thần quả là một chuyện kỳ lạ ít ai hay trong số nhiều câu chuyện và giai thoại về hoàng đế Lý Thánh Tông, người được ca ngợi là “bậc vua hiền nối đức” (Việt giám thông khảo tổng luận).
THEO DANVIET