Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 91 năm trước diễn ra như thế nào?

Tuy lập nghiệp và thành danh ở miền Nam, nhưng học giả Nguyễn Hiến Lê sinh ra ở Hà Nội, nguyên quán ở làng Phương Khê, huyện Ba Vì, Hà Nội ngày nay. Ông có tuổi thơ gắn bó với thành phố Hà Nội cho đến khi tốt nghiệp trường cao đẳng, năm 1934.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 91 năm trước diễn ra như thế nào? - Ảnh 1.

Phong cảnh đền Hùng và lễ giỗ Tổ năm 1931 trước được mô tả trong 2 cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê.

Phong cảnh đền Hùng năm 1931

Trong cuốn Hồi ký của mình, tác giả Nguyễn Hiến Lê kể lại rằng, đầu hè năm 1931, sau khi thi trượt kỳ thi tốt nghiệp cấp Cao đẳng tiểu học, trong lúc chờ ôn thi vào trường Cao đẳng công chính, ông đã có chuyến tham quan đền Hùng. Cảnh vật trên đường đi được ông miêu tả bằng lời văn nhẹ nhàng, giản dị và giàu chất thơ:

"Con đường từ Xuân Lũng tới núi Tổ (núi Hùng) trải đá, rất vắng, rất sạch, đi cả cây số mới gặp một bóng người. Đường uốn khúc trong đám rừng và các đồi chè, dứa, trên ngọn có căn nhà lá của người giữ trại. Trái thị chín vàng trên cây, không khí thơm thoang thoảng. Tiếng bìm bịp khắc khoải làm cho cảnh càng thêm tĩnh và buồn.

Tới một khúc quẹo, ngọn núi Hùng âm u hiện lên, sừng sững trước mặt chúng tôi, cao và thanh tú hơn các ngọn chung quanh, tôi hồi hộp như nghẹt thở. Đường dốc, tôi vừa bước vừa ngẩng lên nhìn cửa tam quan và cứ mỗi bước, núi càng dâng cao lên nền trời xanh, cánh thật uy nghi. Núi có tên là Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, dân trong vùng thường gọi là núi Đền.

Có khoảng 300 bực xây đưa lên đỉnh. Chúng tôi thăm đền Hạ, cũng gọi là đền Giếng, thờ hai bà công chúa, con một vua Hùng; nghỉ ở tam quan đền Trung, đây có một tấm bia nhắc lại lịch sử các vua Hùng; sau cùng lên đền Thượng thờ 18 đức Hùng Vương, phía trước có bức hoành phi lớn khắc bốn chữ "Nam Việt Triệu Tổ", nét rất hùng kính.

Sau đền có một cái tháp, không có vẻ cổ kính, gọi là Lăng Tổ; tại đây nhìn qua cành lá thấy loang loáng ở xa xa, dòng nước ngã ba Bạch Hạc. Cái khu mấy chục cây số từ núi Hùng tới Bạch Hạc này gợi cho chúng ta biết bao cố sự, lòng hoài cảm của tôi dào dạt.

Cuộc thăm mộ Tổ này tôi đã chép kĩ trong tập Con đường thiên lý".

Con đường thiên lý là cuốn thiểu thuyết duy nhất của Nguyễn Hiến Lê, kể về cuộc du hành kỳ lạ của một người Việt, xuất thân là nhà Nho quê ở tỉnh Phú Thọ, đã chu du đến Mỹ để gia nhập đoàn người tìm vàng ở miền Tây đất nước này.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 91 năm trước diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Lễ dâng hương đền Hùng vào năm 1904. Ảnh tư liệu.

Dù là tiểu thuyết, nhưng tác giả đã đưa vào trong truyện nhiều sự kiện, hình ảnh mà bản thân mình chứng kiến, trong đó có sự kiện lễ giỗ Tổ Hùng Vương được miêu tả qua lời kể của nhân vật Trần Văn Bảng như sau:

"Anh khoe hồi nhỏ, đã được dự một kỳ lễ Tổ vì làng anh chỉ cách chân núi khoảng mười hai cây số; lễ tổ chức rất long trọng trong hai ba ngày, có các quan tỉnh tới tế, có treo đèn, rước kiệu Bát Cống từ làng Văn Cương tới làng Xuân Lũng rồi tới Tiên Kiên (làng sở tại của núi Hùng) có các trò vui như đu tiên, tổ tôm điếm, cờ người, leo dây, múa rối, nhất là đánh côn, và khách miền xuôi lên đông lắm".

Sau khi mô tả hành trình từ đền Hạ lên đền Thượng như trong Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê đưa thêm vào những nét hoài cảm mang tâm sự của người dân nước ta thời đất nước bị đô hộ: "Đúng như anh Bảng nói, ở đây chỉ nghe thấy tiếng khỉ và tiếng bìm bịp, mà tiếng bìm bịp khắc khoải lạ thường, gợi ta nhớ lại biết bao cuộc hưng vong của dân tộc. Mới mấy năm trước Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang cũng đã leo lên những bục này để lên đến nơi thề đồng sinh đồng tử trước bàn thờ Tổ".

Đền Thượng được Nguyễn Hiến Lê miêu tả khá chi tiết: "Đền nhỏ thôi, có học giả bảo xây từ đời Lí; đã trùng tu năm 1914, và có lẽ năm nào cũng quét vôi lại, nên không có vẻ cổ. Theo Đại Nam Nhất thống chí (tỉnh Sơn Tây – vì thời xưa Phú Thọ thuộc về Sơn Tây), năm Tự Đức thứ 13 (1860). Hộ đốc Sơn – Hưng – Tuyên là Bùi Ái, nhân có hai cây trụ đá, mới cất một gian bàn thờ Tổ. Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi đề một bài thơ.

Bài thơ nói mộ cũ ở lưng chừng núi, không rõ nơi nào, cũng chỉ là lời truyền. Hiện nay bên trái phía sau đền, có một cái tháp, không có vẻ gì cổ kính, gọi là Lăng Tổ, chắc chỉ là tượng trưng. Tuy biết vậy mà lòng tôi cũng cảm xúc dào dạt, khi thăm Lăng rồi đứng nhìn qua cành lá thấy loang loáng ở xa xa, dòng nước ngã ba Bạch Hạc. Cái khu rộng mấy chục cây số này gợi cho chúng ta biết bao cố sự, biết đâu đào sâu chẳng kiếm được rất nhiều cổ tích.

Lễ giỗ Tổ hơn 90 năm trước

Sau khi mô tả quang cảnh đền Hùng, Nguyễn Hiến Lê đưa độc giả đến với lễ giỗ Tổ thời xưa qua lời kể của nhân vật Trần Văn Bảng:

"Chúng tôi trải một tờ báo dưới bóng cây bày xôi gà, muối chanh ra rồi vừa ăn, anh Bảng vừa kể cho tôi nghe về hội Đền Hùng. Mùng 10 tháng 3 là ngày giỗ Tổ, nhưng từ ngày mùng 9, thiên hạ khắp nơi đã đổ tới, đông nghẹt một vùng mà ngày thường chỉ nghe thấy tiếng chim bìm bịp và tiếng khỉ, vì hôm đó đã có hai đám rước tưng bừng, một từ làng Phù Ninh kéo lên, một từ làng Cổ Tích kéo xuống đám nào cũng có một kiệu bày bánh chưng và bánh dày.

Hôm sau, một vị đại thần đại diện Nam triều và các quan ở Phú Thọ lên tế. Suốt ba ngày đó, có đủ các trò chơi: leo dây, múa rối, hát chèo, hát xẩm, tổ tôm điểm, bài chòi, đu tiên, gieo cầu… Cầu làm bằng nhiễu đỏ nhồi bông lớn bằng quả bưởi. Nam thanh nữ tú đứng riêng thành hai bên cách nhau ít thước. Một người bên nữ hát một câu rồi tung quả cầu qua bên nam: người nào bên nam bắt được, cũng hát đáp rồi tung cầu trả lại bên nữ.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 91 năm trước diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Hình ảnh về lễ dâng hương đền Hùng năm 1905. Ảnh tư liệu.

Thanh nhã nhất là trò cờ người - một lối thi hoa hậu đặc biệt của dân tộc ta. Các thiếu nữ được tuyển làm quân cờ đều phải là con nhà lễ giáo và nết na. Cô đẹp nhất được làm “tướng”, vấn chiếc khăn vòng dây nhiễu điều, bận áo thụng vóc vàng, quần lãnh đen, chân đi vân hài, tai đeo hoa cánh phượng. Khách xem cờ chen chúc nhau ở chung quanh, một số ít vì thích cờ, còn đa số để ngắm sắc đẹp, tìm dâu hoặc kiếm vợ.

Anh Bảng còn cho tôi biết thêm hai tục về giỗ Tổ. Dân ở đây không ăn Tết mùng 3 tháng 3 mà ăn Tết mùng 10 tháng 3. Ngày đó, nhà nào cũng cơm canh đón ông bà ông vải về để đi chầu Tổ.

Tục thứ nhì là tục đưa đón đức thánh Tản Viên, ở lại một làng huyện Bất Bạt (Sơn Tây) trên bờ sông Đà. Ngày mùng 9 dân làng hạ một chiếc đò nan mới; giữa đò trải một chiếc cạp điều, một mâm xôi gà, với đèn nhang rồi chèo qua bờ bên kia sông, chèo đi chèo về ba lần, như vậy là Lễ đưa (đức Thánh Tản Viên đi dự Tổ). Chiều hôm sau, cũng lại chèo đi chèo về ba lần, gọi là Lễ đón, sau cùng bưng bát nhang lên kiệu rước về Đình, vào Đám".

Tác giả kết lại câu chuyện về chuyến thăm đền Hùng và hoạt động lễ giỗ Tổ bằng đoan kết: "Ăn xong, chúng tôi ngả lưng trên bệ trước cửa đền nghỉ một lát. Tuy mệt vì phải leo mất trăm bực xây, mà bóng cây mát rượi, gió lại hiu hiu, nhưng chúng tôi cũng không ngủ được, vì nặng lòng hoài cảm".

THEO DANVIET