Nước ta từng xuất hiện nhiều thầy giáo kiệt xuất. Họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn hết lòng vì nước, vì dân. Một trong số đó là nhà giáo, nhà bác học Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (2 tháng 8 năm 1726) tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tên thuở nhỏ của ông là Lê Danh Phương, ông là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”.
Suốt cuộc đời, ông đọc sách không biết mệt mỏi và viết sách không mệt mỏi, cũng vì thế mà kiến thức của ông uyên thâm, hiểu biết sâu rộng, ngòi bút lại như bay, múa, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng cho đời.
Lê Quý Đôn còn được biết đến là người có trí nhớ tốt, như Lịch đại danh hiền phổ đã nhận xét là “thông minh lạ thường, lớn lên đi học, nội sách vở gì, ông đã xem một lần là không quên”. Có giai thoại cuốn sổ của xã trưởng biên tên người nộp thóc chẳng may bị hỏa hoạn, cháy ra tro, Lê Quý Đôn từng đọc lướt qua, nên cứ theo trí nhớ mà đọc vanh vách cho xã trưởng ghi lại.
Ông có những cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học… Tuy tác phẩm của ông đã thất lạc ít nhiều nhưng những bộ còn lưu lại cũng là một kho tài liệu để khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước ta. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình nhận định: “Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, Lê Quý Đôn là một học giả kiệt xuất nhất, một nhà khoa học lớn nhất, đã có những đóng góp hết sức to lớn vào kho tàng văn hóa của dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà và cho đến nay, nhiều ngành khoa học ở nước ta còn phải kế thừa những thành tựu lớn lao của ông để phát huy, phát triển.”
Tại quê hương ông còn có “Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn” được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia (Quyết định 235 VH/QĐ ngày 12-12-1986 của Bộ Văn hóa Thông tin), nơi đây hàng năm vào ngày sinh của ông và ngày Nhà giáo Việt Nam thường có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, tưởng nhớ công ơn của nhà bác học xuất chúng. Tên ông được dùng để đặt tên cho nhiều trường học, nhiều đường phố trên khắp đất nước Việt Nam./.
(Nguồn Mai HoaMai)