Từ câu chuyện của ông Trần Duy Khang - Thủ từ Đền A Sào và một số cuốn sách về nghệ thuật quân sự của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chúng tôi muốn đưa tới cho độc giả những hình dung về quân đội Đại Việt triều Trần - được dân gian mô tả là có chiều cao trung bình 1,5 m - chiến đấu và đánh bại đội quân kỵ binh Nguyên - Mông hùng mạnh gieo rắc nỗi kinh hoàng trên một phần rộng lớn của châu Âu và châu Á.
Ông Trần Duy Khang luôn tự hào vì tổ tiên của ông - An Sinh Vương Trần Liễu - cha của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lập ấp ở A Sào. Ông cho biết, những chuyện kể cho chúng tôi về điền trang A Sào, về thời gian Trần Hưng Đạo ở đây cũng như chuyện về sáng tạo trong chế tạo vũ khí, cách đánh địch là những câu chuyện truyền miệng của các cụ cao niên trong họ.
Thế kỷ XIII, kỵ binh Nguyên - Mông là đội quân thiện chiến nhất trên hai lục địa Âu - Á. Trong cuốn: “Trần Hưng Đạo - nhà quân sự thiên tài” (NXB Chính trị Quốc gia - 2000), các tác giả Trịnh Vương Hồng, Phan Đại Doãn, Nguyễn Danh Phiệt, Nguyễn Cảnh Minh, Lê Đình Sỹ cho rằng, biết rõ nhược điểm của mình, yếu về trang bị so với kỵ binh ở châu Âu và kém về tổ chức so với quân đội nhà Tống, kỵ binh Nguyên - Mông đã ra sức khắc phục bằng cách dùng ưu thế số lượng để áp đảo đối phương, đồng thời triển khai đội hình chiến đấu hàng ngang trên chính diện rộng, chia thành nhiều tuyến, liên tiếp xung phong, tiến công trước mặt lẫn đánh tạt cạnh sườn nhằm chọc thủng trận địa phòng ngự của đối phương.
Đối phó với một kẻ thù dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và tàn bạo như vậy, các tác giả cuốn: “Trần Hưng Đạo - nhà quân sự thiên tài” cho rằng, Trần Quốc Tuấn đã đưa quân thuỷ cùng tham chiến với phương châm “dĩ đoản chế trường” (lấy ngắn chống dài).
Qua trận Bạch Đằng và nhiều trận khác cũng như qua các cuộc rút lui hay phản công, Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh thời Trần đã thể hiện tài năng trong việc kết hợp các binh chủng bộ binh và thuỷ binh. Thuỷ chiến vốn là một truyền thống vẻ vang của quân thuỷ Đại Việt từ Bạch Đằng (938) đến Đông Kênh (1077).
Thấy được những hạn chế của kỵ binh trong hai cuộc chiến tranh năm 1258 và năm 1285, năm 1288, quân Nguyên - Mông cũng đã dùng thêm quân thuỷ. Thế nhưng quân thuỷ của chúng không thể sánh được với quân thuỷ Đại Việt, thậm chí có mặt còn thua kém cả với những đạo quân thuỷ đã từng bị quân đội ta đánh bại như quân thuỷ Nam Hán, quân thuỷ Bắc Tống hồi thế kỷ X.
Vẫn theo các tác giả, trên chiến địa, Trần Quốc Tuấn không áp dụng đội hình chiến đấu dàn hàng ngang theo chính diện để phòng ngự. Ông thường áp dụng một kiểu đội hình cơ động, biến đổi mau lẹ như để một bộ phận kỵ binh tác chiến trên chính diện, thu hút địch đến một địa hình có lợi, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh và kỵ binh, bố trí theo đội hình tán binh của quân mai phục, đánh vào cạnh sườn kỵ binh địch.
Khi quân Nguyên muốn đánh lớn thì ta đánh nhỏ, khi quân giặc muốn tập trung thì ta lại phân tán, buộc chúng đánh theo cách đánh của ta. Khi quân địch đã suy yếu thì ta phản công, tổ chức những trận đánh lớn, bất ngờ, địch không kịp và không thể tập trung đối phó được.
Phương pháp tác chiến này lại càng phát huy mạnh mẽ tác dụng khi kỵ binh địch tiến đến vùng trung châu và đồng bằng. Kỵ binh dù tài giỏi đến đâu cũng rất khó cơ động trên một địa hình lầy lội, có nhiều sông ngòi chia cắt như vậy. Quả là, “khi đến tuyến có hồ ao, sình lầy thì kỵ binh phải dừng lại”.
Các tác giả cuốn sách kết luận: Rõ ràng là nguyên tắc hợp đồng chặt chẽ giữa quân bộ và quân thuỷ trong trận Bạch Đằng đã làm cho quân ta giành được thắng lợi hết sức to lớn. Tại chiến địa này, quân thuỷ ta đã giỏi lừa địch, dụ chúng vào trận địa mai phục và đã tiêu diệt được một phần để cho bộ binh phục kích hai bên bờ đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền chiến lớn dưới sự chỉ huy của Ô Mã Nhi.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết, nhiều người không để ý đến chi tiết, chính hỏa công mới phá được thuyền của giặc.
“Cọc trên sông không hề đâm thủng thuyền mà chỉ có tác dụng ngăn cản thuyền chạy, làm ùn ứ. Khi đoàn thuyền không còn khả năng cựa quậy, hoạt động thì hỏa công bắt đầu phát huy tác dụng… Đó chính là mưu trí của Trần Hưng Đạo”, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định với phóng viênVTC News.
Các tác giả cuốn sách cho rằng ở Đại Việt, Trần Quốc Tuấn cũng như triều đình nhà Trần không chủ trương phát triển kỵ binh để chống lại kỵ binh như quan điểm của một số nhà quân sự thế giới đương thời. Thời Trần, bộ binh được coi là loại binh chủ yếu, đồng thời phát huy truyền thống anh hùng của nó trong giáp chiến, phục kích, tập kích và tạo thời lập thế đánh giặc.
Bên cạnh bộ binh có tượng binh và kỵ binh, tuy bấy giờ chưa được chuyên hoá, phát triển thành binh chủng độc lập, song những đội kỵ binh và voi chiến phối thuộc bao giờ cũng chiến đấu hiệp đồng có hiệu quả với bộ binh. Voi chiến, với ưu thế của nó, trở thành nỗi kinh hoàng của quân xâm lược mỗi lần chúng gặp phải.
Thời Trần, voi chiến đã tham gia các trận Bình Lệ Nguyên, Nội Bàng, Vạn Kiếp…, đã từng giẫm nát bộ binh và chặn phá quân kỵ của giặc. Kỵ binh của Đại Việt tuy chưa nhiều, nhưng thường sử dụng bất ngờ trong chiến đấu hiệp đồng hay khi truy kích quân địch.
Đặc biệt, thuỷ binh Đại Việt là loại quân tinh nhuệ với truyền thống theo nghề sông nước, giỏi thuỷ chiến. Vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng nghề võ, nhà Trần càng ý thức được vai trò của sông biển và thuỷ quân. Lê Phụ Trần (tức Lê Tần), một võ quan cao cấp của triều đình có công lao lớn trong cuộc kháng chiến năm 1258 đã được phong chức Thủy quân đại tướng quân, Trần Khánh Dư được Trần Quốc Tuấn tin cậy trao chức phó tướng, trấn giữ vùng biển Vân Đồn, xây dựng căn cứ hải quân và tổ chức những đơn vị hải quân độc lập đầu tiên - đội quân Bình Hải.
Chiến thuyền thời Trần lớn nhỏ gồm nhiều loại, trong đó có loại hiện đại nhất thời bấy giờ như thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt, Trung tàu tải lương hay Cổ lâu thuyền với hàng trăm tay chèo có khả năng vượt biển xa và trang bị tốt. Thuỷ thủ gọi là các đoàn đội “trạo nhỉ”, xuất hiện từ những người dân chài lưới vốn quen nghề sông nước, do đó rất giỏi bơi lội và thuỷ chiến.
Các đạo thuỷ quân của Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, đạo quân do hai vua Trần chỉ huy đã được trang bị hàng ngàn chiến thuyền đã từng tham gia nhiều trận quan trọng trong kháng chiến chống Nguyên - Mông.
Bình Lệ Nguyên (1258) - cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân, dân nhà Trần với đội quân xâm lược hung hãn đến từ Mông Cổ, do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy. (Ảnh: Zing.vn).
Trở lại với câu chuyện của ông thủ từ Trần Duy Khang, quân Nguyên - Mông thời đó cao trung bình đến 1,7m, người to, ngựa khoẻ, sử dụng khiên đồng. Những người lính quân đội Đại Việt chỉ cao chừng 1,5m, đa số nhỏ thó, đánh định và cướp được khiên nhưng không cầm nổi. Các tướng lĩnh của Trần Quốc Tuấn nghĩ ra cách chế tạo khiên để tránh mũi tên, nhưng phải nhẹ để cơ động, linh hoạt.
Từ đó, loại khiên bằng giấy bản (loại giấy viết chữ Nho với đặc tính dai) được trang bị cho quân đội nhà Trần. Loại giấy này kết hợp với tơ hái trên rừng, sơn thuyền và keo cây cậy (hồng) người dân hay dùng quả chát để nhuộm áo. Cứ mỗi lớp giấy bản lại có một lớp tơ đan chéo nhiều lớp, một lớp thuyền và một lớp bột nhựa cây cậy.
Mỗi chiến khiên được làm từ 14-16 lớp giấy bản. Khiên mang hình tựa chiếc thuyền, che được từ dưới đầu gối lên tận đỉnh đầu người lính. Không chỉ có tác dụng che chắn tên bắn, gươm đâm, chiếc khiên có thể trở thành thuyền đi dưới nước. Loại khiên này đóng góp quan trọng vào chiến thắng quân Nguyên - Mông của quân đội nhà Trần.
Gươm của quân ta cũng không thể đấu lại với địch nên Hưng Đạo Đại Vương cho làm loại gậy như dạng khúc côn, một đầu dài gần thước rưỡi (khoảng 45cm), một đầu hơn 2 thước (khoảng 70cm), bọc sắt. Cầm đầu ngắn để quay đầu dài thì tên không bắn trúng người được. Ngược lại cầm đầu dài để đánh đầu ngắn thì vào thẳng đầu địch.
Tương truyền, khi xuất quân, điều mà Trần Hưng Đạo trăn trở nhất là giải quyết chuyện ăn uống cho trận đánh ra sao. Đang đánh, không thể nghỉ thuyền để vào ăn được, cũng không thể đun nấu, gây khói dễ bị lộ. Có người đã hiến kế cho ông để quân lính nhà Trần đánh giặc cả chục ngày không cần tiếp tế lương thực. Kế đó là giã bánh giầy gạo nếp, kẹp thịt luộc, quân lính mang theo sau lưng. Khát thì uống nước sông. Chính kế này đã giúp quân lính nhà Trần đủ ăn đủ sức để đánh liên tục.
Trong khi đó, quân dân nhà Trần thực thi lệnh “vườn không, nhà trống”. Người dân được lệnh tẩm độc vào lương thực, nước uống. Bên cạnh đó, tháng Ba âm lịch năm 1288, trời bắt đầu nắng nóng khiến cho quân địch ốm đau la liệt, suy yếu nghiêm trọng.
Cùng với việc xây dựng một ngạch quân nhiều thành phần (gồm quân triều đình, quân địa phương, quân vương hầu và dân binh), triều Trần đã thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nông). Theo các tác giả Trịnh Vương Hồng, Phan Đại Doãn, Nguyễn Danh Phiệt, Nguyễn Cảnh Minh, Lê Đình Sỹ, chính sách này đã giúp nhà nước bảo đảm cân đối giữa quân thường trực và quân dự bị; khi hoà bình vẫn đủ sức canh phòng, thời chiến huy động được đông đảo quân đội, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân là lính.
Thời Trần lúc thường như Phan Huy Chú nói: “quân số chưa đầy 10 vạn”, nhưng trong kháng chiến chống Nguyên - Mông đã có lúc triểu đình huy động được 20-30 vạn quân đánh giặc.
Trần Quốc Tuấn cũng như các tướng lĩnh nhà Trần rất coi trọng rèn luyện tướng lĩnh và quân sĩ. Giảng võ đường là trường học cao cấp thời Trần; ở đó vua cùng với các vương hầu, tướng lĩnh được học binh thư, binh pháp, học cách bày trận và phá trận. Trần Quốc Tuấn biên soạn các sách binh thư để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy. Việc học binh thư, binh pháp là điều bắt buộc đối với vua, thái tử, vương hầu và các võ tướng cao cấp. Trần Quốc Tuấn đòi hỏi các tướng phải dày công nghiên cứu binh pháp, nhất là bộ Binh thư yếu lược.
Trong thời gian chuẩn bị bước vào kháng chiến chống Nguyên - Mông, vua Trần xuống chiếu giao cho Trần Quốc Tuấn tổ chức luyện tập võ nghệ. Trong nước nhiều lò luyện võ đã xuất hiện; trong quân không khí học tập binh pháp và luyện tập võ thuật sôi nổi.
Các vua Trần, các quý tộc tôn thất và nhất là đội ngũ tướng lĩnh trong triều đình ngày đêm học phép hành trận và phá trận, tập cưỡi ngựa, múa kiếm, bắn tên. Nhà nước khuyến khích mở lò luyện võ và cho phép các vương hầu, tôn thất cũng được chỉ huy đôn đốc luyện tập các loại quân nơi mình trấn trị. Binh sĩ được rèn luyện thuật cưỡi ngựa, bắn cung nỏ, sử dụng các loại vũ khí bạch binh như kiếm, lao, giáo…
THEO DANVIET