Một trong những người đã góp công rất lớn vào sự hình thành và phát triển của nghề kinh doanh trong thuở khởi đầu là Lương Văn Can. Giới doanh nhân ngày nay đều xem ông là bậc thầy về kinh doanh những năm đầu thế kỷ 20.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Đầu thế kỷ 20, rất nhiều nhà nho yêu nước đã cùng hiệp lực nổi lên hồi trống duy tân, mang những văn minh từ nước ngoài vào với mong muốn thay đổi tận gốc rễ xã hội. Song song đó là việc hô hào, cổ súy xã hội tham gia vào việc kinh doanh mặc dù nghề buôn bán vốn bị triều đình phong kiến xem thường. Một trong những người đã góp công rất lớn vào sự hình thành và phát triển của nghề kinh doanh trong thuở khởi đầu là Lương Văn Can. Giới doanh nhân ngày nay đều xem ông là bậc thầy về kinh doanh những năm đầu thế kỷ 20.
Xa lánh chốn quan trường
Lương Văn Can hiệu là Ôn Như, sinh năm Giáp Dần (1854) trong một gia đình nghèo, mấy đời mưu sinh bằng nghề nông và nghề tiện gỗ ở làng nghề thủ công truyền thống của xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Chân dung nhà chí sĩ Lương Văn Can. |
Ở tuổi thiếu niên, Lương Văn Can theo học tại trường của ba ông tú ở trong làng, trong đó có ông Tú Liêm, người có những ảnh hưởng nhất định đến nhân cách Lương Văn Can. Ông Tú Liêm sau này hoạt động chống Pháp và bị bắt rồi bị bắn chết, bêu đầu ở phủ Hoài Đức.
Lương Văn Can đã có một hành động rất dũng cảm khiến nhiều người nể phục là một mình dám đứng ra xin xác thầy về mai táng. Sự việc trên được triều đình nhà Nguyễn khen Lương Văn Can là người có nghĩa!
Những năm tiếp theo, Lương Văn Can may mắn được học với một người thầy tài đức, tâm huyết với nghề dạy học và không màng danh lợi. Đó là cụ cử Nguyễn Huy Đức (tự Thành Phủ) ở xã Vũ Thạch, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là khu vực phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Phẩm hạnh của người thầy đặc biệt này ảnh hưởng rõ rệt đến sự lựa chọn nghề nghiệp và con đường đi sau này của ông.
Năm 1874, Lương Văn Can đi thi và đỗ Cử nhân tại trường thi Hương tổ chức ở Hà Nội. Năm 1875 ông đi thi Hội và vào đến nhị trường. Sau kỳ thi, Lương Văn Can được triều đình bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng ông đã khước từ. Sau đó, ông còn từ chối chức Ủy viên Hội đồng Thị chính thành phố Hà Nội, một cơ quan đại nghị do chính quyền thực dân thành lập.
Xa lánh chốn quan trường, Lương Văn Can về mở trường Ôn Như tại số 4 Hàng Đào, Hà Nội. Ông chuyên tâm vào việc đào tạo những lớp trí thức trẻ có tâm, có tài cho đất nước. Rất nhiều học trò của ông sau này tham gia các tổ chức cách mạng, nhiều người đóng góp tiền bạc cho các tổ chức yêu nước. Lương Văn Can đã nghiên cứu học tập một số bậc tiền bối có tư tưởng duy tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch…
Đó là những người ít nhiều hấp thu nền văn minh phương Tây, đã từng đề nghị triều đình nhà Nguyễn thực hiện những chính sách mới, mang tính cách mạng cho đất nước: khai trí cho dân, học tập những công nghệ của phương Tây, chấn hưng nền kinh tế.
"Không sợ tốn tiền, không ngại đổ máu"
Đầu năm 1906, tại số 4 Hàng Đào diễn ra cuộc họp lịch sử của những chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quyền, Đỗ Chân Thiết, Lương Trúc Đàm…
Sự có mặt của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu trong cuộc họp này chính là hai gương mặt đại diện cho hai đường lối đấu tranh ôn hòa và bạo động. Dù có những bất đồng về đường lối, song cuối cùng các chí sĩ đã thống nhất để đi đến việc thành lập một ngôi trường duy tân, mở những lớp học không thu tiền nhằm khai dân trí, nâng cao trình độ của người dân.
Phố Hàng Đào, Hà Nội năm 1906. |
Các chí sĩ đã đồng tình với nhận định: Người Việt thua Pháp vì sự lạc hậu, yếu kém về kinh tế, văn hóa, chính trị. Muốn đấu tranh giành được quyền tự chủ thì trước hết phải mở mang dân trí, tầm hiểu biết cho người dân. Khi dân trí cao, kinh tế, văn hóa cũng sẽ phát triển và đồng thời người dân sẽ nhận ra trách nhiệm của mình trước Tổ quốc. Việc chấn hưng giáo dục nên làm trước nhất để nhanh chóng khắc phục sự yếu kém của người Việt, bồi dưỡng những nhân tài, nhanh chóng hội nhập với nền văn minh thế giới.
Sau khi đã hoàn toàn thống nhất, tháng 3 năm 1906, trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức được thành lập và khai giảng lớp đầu tiên. Những thành viên sáng lập trường khoảng hơn 40 người, trong đó có tên tuổi của hầu hết những danh sĩ nổi tiếng: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học…
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương không dạy theo lối khoa cử đương thời, nghĩa là không áp dụng cách nhồi nhét kiến thức để người học học thuộc rồi đi thi ra làm quan như thông lệ xưa nay. Trường quan niệm học để lấy kiến thức, lấy sự hiểu biết và học để thực nghiệp, lấy trí thức áp dụng vào đời sống.
Trường được chia làm 4 ban: Ban Giáo dục, Ban Tu thư, Ban Cổ động và Ban Tài chính. Chữ Quốc ngữ được coi là ngôn ngữ chính cho các môn sinh trong trường, ngoài ra còn có thêm chữ Hán và Pháp văn. Đây là một ngôi trường theo mô hình của trường Kháng Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản, nơi đã đào tạo các nhà duy tân góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước phù tang. Chương trình dựa theo lối tân học Trung Hoa, Nhật Bản, dạy thể thao, toán pháp, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục. Ngoài ra, các tài liệu cũng lồng vào các bài giảng kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc.
Với khẩu hiệu "khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh", các tài liệu của trường Đông Kinh Nghĩa Thục được soạn ra cùng một mục đích: kêu gọi đồng bào đổi mới về tư duy, hướng dân chúng theo cách học thực nghiệp. Trường chia làm 8 lớp từ tiểu học tới trung học. Không những không phải đóng học phí (trừ lớp học tiếng Pháp) mà người học còn được phát giấy bút, sách vở. Người nào bận công việc ban ngày thì có thể học ban đêm.
Có thể nói gia đình Lương Văn Can đã cống hiến tất cả cho trường: nhà riêng thì được hiến cho trường học, là ký túc xá cho những học sinh nghèo; con trai con gái đều có người tham gia dạy học; ông thì vừa đảm đương chức Hiệu trưởng, vừa đảm nhiệm công việc biên tập tài liệu giảng dạy, đồng thời là "tay hòm chìa khóa" của nhà trường. Không những thế, kinh phí để duy trì các hoạt động của trường cũng có công không nhỏ của vợ ông và các cô con gái.
Vào tháng 5 năm 1906, khi trường chính thức được chính quyền Pháp cấp phép, từ con số 60 học sinh ban đầu, số người theo học đã lên tới vài trăm. Vì vậy, để duy trì cho trường hoạt động phải cần một nguồn kinh phí rất lớn.
Đóng góp của các sĩ phu và các nhà hảo tâm bắt đầu thưa dần bởi ai cũng phải lo kinh tế cho gia đình riêng họ trong thời buổi khó khăn. Vợ Lương Văn Can là người buôn bán, bà có hai hiệu buôn tại Hà Nội, trong đó hiệu buôn vải tại số 4 Hàng Đào đã cống hiến cho trường.
Gia đình đã đóng góp rất nhiều lần cho trường và các tổ chức cách mạng đưa người ra nước ngoài học tập, nên dù việc buôn bán rất phát đạt nhưng nguồn tài chính gia đình không thể cáng đáng nổi nguồn chi tiêu của trường. Tình hình tài chính Đông Kinh Nghĩa Thục rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, cần ngay số tiền lớn để duy trì cho bộ máy ngày càng phình to.
Sau những đắn đo suy nghĩ, Lương Văn Can bàn với vợ bán luôn tiệm buôn Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang để dồn tiền cho trường học. Hiệu buôn bán được 7.000 đồng, tất cả đều sung vào công quỹ nhà trường.
Sự dấn thân của gia đình Lương Văn Can khiến chí sĩ Phan Bội Châu càng thêm kính phục và trân trọng. Cả nhà ông, từ cha đến con đều thiết tha yêu nước và hết sức hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc (Con trai Lương Văn Can là Lương Ngọc Quyến theo phong trào Đông Du sang Nhật học năm 1906). Ông đã "xuất tiền hàng nghìn hàng vạn" để tiếp tế cho phong trào Đông Du trong những giai đoạn khó khăn nhất, khi mà mật thám Pháp giăng lưới khắp nơi, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Phan Bội Châu đánh giá lòng yêu nước của cha con Lương Văn Can là "không sợ tốn tiền, không ngại đổ máu".
Tuyên truyền bằng diễn thuyết
Ngoài công việc giảng dạy, mỗi tháng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục có hai buổi diễn thuyết trước công chúng vào ngày rằm và mùng một. Đây là một trong những hoạt động tuyên truyền rất hiệu quả của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4 Hàng Đào (ngôi nhà đầu tiên bên phải). |
Những đề tài diễn thuyết đều được xoay quanh mục đích chính: làm sao truyền được các kiến thức mới cho người dân, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu tồn tại trong đời sống xã hội hàng ngàn đời, đồng thời cũng là tiếng chuông đánh thức lòng yêu nước, tính tự cường dân tộc.
Lương Văn Can, người cao tuổi nhất với vẻ điềm đạm, chững chạc rất đáng kính thường giữ vai trò chủ tọa. Các diễn giả thường xuyên như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Vĩnh… trái lại rất sôi động và phóng khoáng. Họ đều là những người tiên phong trong cách ăn mặc mới: quần tây áo cánh, cắt tóc ngắn và để răng trắng.
Con trai thứ của Lương Văn Can là Lương Trúc Đàm cũng là một trong những nhà giáo, nhà diễn thuyết đầy nhiệt huyết. Dân chúng Hà thành đặc biệt tán thưởng một diễn giả rất hăng hái và có cách diễn thuyết đầy cuốn hút, đó là Phan Chu Trinh. Mỗi lần có dịp ra Bắc, ông lại tham gia vào hoạt động diễn thuyết trước hàng ngàn dân chúng. Các cuộc đăng đàn diễn thuyết đôi khi trở thành những cuộc tranh luận rất sôi nổi và bình đẳng của các diễn giả.
Từ những buổi diễn thuyết, thơ văn cổ vũ lòng yêu nước và tinh thần đổi mới đã đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, thổi bùng lên những phong trào đổi mới như cắt tóc ngắn, ăn mặc Âu hóa, phản đối việc dùng tiền sắt do thực dân Pháp đúc…
Các hoạt động giảng dạy, diễn thuyết của trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã lan ra các vùng phụ cận. Trường ban đầu ở số 4, sau mướn thêm căn số 10 Hàng Đào mới đủ chỗ cho học sinh.
Ngoài ra, Đông Kinh Nghĩa Thục còn mở 4 phân hiệu tại Hà Đông và Sơn Tây. Nhiều trường lớp mô phỏng Đông Kinh Nghĩa Thục được mở ra ở các tỉnh lân cận khác như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương… Các phong trào này hòa với các phong trào duy tân ở miền Trung rồi Sài Gòn đã tạo nên một làn sóng duy tân trên khắp đất nước.
Những tư tưởng trên còn lan xa, lan rộng nhờ sự ủng hộ của những tờ báo tiến bộ thời đó. Hai cơ quan ngôn luận chính cho Đông Kinh Nghĩa Thục là "Đăng Cổ Tùng Báo" do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút phần quốc văn và "Đại Việt Tân Báo" của Đào Nguyên Phổ.
Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người phụ trách dạy Việt văn, Đào Nguyên Phổ thì dạy Hán văn cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Những bài viết giàu tâm huyết trên hai tờ báo này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi, đánh bật tận gốc rễ rất nhiều hủ tục và tư duy lạc hậu của người dân.