Mai Hắc Đế - nghĩa khí anh hùng trường tồn mãi với non sông

Mai Hắc Đế là một vị anh hùng dân tộc, Cuộc khởi nghĩa của ông, cũng như của Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế trước ông và của Phùng Hưng, của cha con họ Khúc sau ông, phản ánh ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc ta, quyết không chịu sống nô lệ cho ngoại bang.

Thất bại thảm hại, Quang Sở Khách tuy đã hốt hoảng tháo chạy về Trung Quốc nhưng tiềm lực chung của nhà Đường lại đang ở vào thời cường thịnh nhất, vì thế, Đường Huyền Tông (712-756) dã lập tức hạ chiếu sai quân đi đàn áp Đức ông Mai Thúc Loan. 

Tổng chỉ huy quân đội nhà Đường trong cuộc tấn công đàn áp có quy mô rất lớn này là Dương Tư Húc (227) - một trong những viên dũng tướng khét tiếng dày dạn kinh nghiệm của triều đình Đường Huyền Tông. 

Viên bại tướng là Quang Sở Khách đi cùng với Dương Tư Húc làm hướng đạo và cũng để có cơ hội lập công chuộc tội. Quân số của Dương Tư Húc là 10 vạn tên gồm đủ cả bộ binh và thuỷ binh. 

So với lực lượng nghĩa sĩ mới nhóm họp của Đức ông Mai Thúc Loan thì đó thực sự là quân số áp đảo. Đó là chưa kể đến một số quan lại nhà Đường vì phạm tội nên bị đày đến An Nam, do mong sớm được phục chức nên bọn này ra sức tìm đủ mỏi cách để chiêu mộ quân lính, tình nguyện theo Dương Tư Húc đi đàn áp Đức ông Mai Thúc Loan.

Quân nhà Đường men theo lối xưa của Mã Viện để tiến, tức là từ phía Nam của Khâm Châu (Trung Quốc), vượt qua biển vịnh Hạ Long mà tràn vào An Nam. Nhân lúc nhuệ khí đang hăng, Dương Tư Húc và Quang Sở Khách hạ lệnh cho quân sĩ tấn công cấp tập vào lực lượng của Đức ông Mai Thúc Loan ở vùng duyên hải Đông Bắc rồi ồ ạt đánh vào vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Nghĩa quân Đức ông Mai Thúc Loan tuy chiến đấu rất anh dũng nhưng do thiếu kinh nghiệm chiến trận, trang bị lại quá thô sơ nên liên tiếp bị thất bại, Đức ông Mai Thúc Loan liền lui quân về cố thủ tại khu vực thành Vạn An.

Từ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Dương Tư Húc lập tức cho quân tiến vào Nghệ An, chặn đứng mọi ngả đường liên lạc với thành Vạn An, đồng thời, vạch kế hoạch cho trận đánh có ý nghĩa quyết định thắng bại cuối cùng. Đang lúc tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho nghĩa quân thì Đức ông Mai Thúc Loan lại lâm bệnh mà qua đời. 

Tổn thất nghiêm trọng đó khiến cho không ít nghĩa sĩ phải tìm đường tạm lánh để chờ thời. Chớp lấy cơ hội đó, Dương Tư Húc cho đại quân xông vào thành Vạn An và toàn bộ khu căn cứ của nghĩa quân ở vùng Sa Nam. 

Một cuộc đàn áp đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra. Hàng ngàn nghĩa sĩ và nhân dân địa phương đã bị giặc giết hại, tất cả được chôn chung vào một ngôi mộ tập thể rất lớn được gọi là Kình Quán.

Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường do Đức ông Mai Thúc Loan phát động và lãnh đạo tuy bị thất bại nhưng ý chí quật cường và tấm gương dám xả thân cứu nước của tất cả nghĩa sĩ tập hợp dưới ngọn cờ của Đức ông Mai Thúc Loan thì mãi mãi ngời sáng trong sử sách. 

 

 Tượng vua Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, Nghệ An

Trong tâm khảm bất diệt của các thế hệ nhân dân ta, Đức ông Mai Thúc Loan là niềm kiêu hãnh lớn lao, một trong những đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước. Trải hơn ngàn năm, ngôi mộ và đền thờ Đức ông Mai Thúc Loan vẫn còn đó, tên ông vẫn vĩnh tồn với Hùng Sơn, Vệ Sơn, Ngọc Đái Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn... với thành Vạn An, với sông Lam và với muôn đời đất nước này.

Hoàng Giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780) từng có lời rằng : "Đang khi bị nội thuộc, Mai Hắc Đế vì không chịu nổi sự kiềm thúc của bọn quan lại tàn ác nên đã vùng lên, quả đúng là bậc xuất chúng trong đám thổ hào vậy” . Ngô Thì Sĩ đã không chính xác khi xếp Đức ông Mai Thúc Loan vào hàng “thổ hào” nhưng ông cũng đã hoàn toàn đúng khi đánh giá Đức ông Mai Thúc Loan là "bậc xuất chúng”. 

Tuy xuất thân là bần cố nông xã hội, chưa một lần được huấn luyện về binh pháp và những nguyên tắc cầm quân, nhưng lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc cộng với niềm tin mãnh liệt vào toàn thể những người cùng cảnh ngộ bị áp bức đoạ đày như mình, Đức ông Mai Thúc Loan khiến cho cả đương thời lẫn hậu thế cảm phục về tài tập hợp, tổ chức và chỉ huy nghĩa sĩ của ông. Đức ông Mai Thúc Loan là biểu hiện sinh động của nghệ thuật bố trí những trận đánh rất bất ngờ vào lực lượng của đối phương.

Quang Sở Khách được triều đình nhà Đường và Hoàng Đế Đường Huyền Tông xếp vào hàng những viên tướng giàu tài năng nên mới tin cậy uỷ thác việc trấn trị tại An Nam Đô Hộ Phủ. 

Trước khi phát động khởi nghĩa, Đức ông Mai Thúc Loan chỉ là một người dân bình thường chứ chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân cả, nhưng, là người đã đánh cho chính viên tướng được triều đình phong kiến Trung Quốc xếp vào hàng giàu tài năng - hơn thế nữa, hắn còn là kẻ đang có thành cao, hào sâu, quân đông và trang bị đầy đủ - rốt cuộc cũng phải hốt hoảng bỏ chạy thì rõ ràng là Đức ông Mai Thúc Loan rất xứng đáng được đời công bằng và trân trọng coi là một trong những bậc danh tướng.

Gia đình Đức ông Mai Thúc Loan, một gia đình anh hùng.

Mai Thiếu Đế (chữ Hán: 梅少帝; 706 – 723) có tên húy là Bảo Sơn, tự hiệu là Thúc Huy, trị vì từ năm 722 – 723, là vị Hoàng đế thứ hai của chính quyền họ Mai trong lịch sử Việt Nam. Ông là con út của Mai Hắc Đế, quê ở Mai Phụ (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Năm 722, nhà Đường phát động 10 vạn quân do Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp, vua Mai Hắc Đế chống không nổi buộc phải lui quân vào rừng, sau đó ốm và qua đời. Quân sĩ tôn Mai Thúc Huy lên làm Hoàng đế tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của quân nhà Đường. 

Tới năm 723, sau nhiều cuộc tiến công của quân nhà Đường, quân Thiếu Đế Mai Thúc Huy thua trận bị bắt và bị giết chết. Mai Thiếu Đế tử trận. Người kế nhiệm là anh sinh đôi của ông là Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn. Tuy nhiên, ông ít được nhắc đến trong sử sách,

Trước đây ta chỉ biết có hai nhân vật anh hùng trong gia đình vua Mai: Đức ông Mai Thúc Loan hóa vì bệnh trong khi vẫn đang chỉ huy cuộc kháng chiến; con út là Mai Thúc Huy kế vị cũng hy sinh trong chiến đấu chống Dương Tư Húc. 

Nay cuốn sách cho biết thêm: Trên mặt trận phòng ngự Tống Bình chống cuộc tái xâm lăng của nhà Đường, Hoàng Thái tử và Mai Hoàng hậu anh dũng hy sinh trên mặt trận Duyên Hải Đông Bắc, công chúa Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cũng đổi mạng mình nhằm cứu một số lớn nhân dân bị giặc bắt làm con tin. Cả gia đình vua Mai đã “vì nước quên thân”.

Vua Mai Hắc Đế là một vị anh hùng dân tộc. Vào thế kỷ thứ VIII, do chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo của các quan lại nhà Đường, đức ông đã đứng lên vận động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập về cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của ông, cũng như của Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế trước ông và của Phùng Hưng, của cha con họ Khúc sau ông, phản ánh ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc ta, quyết không chịu đem thân làm nô lệ cho ngoại bang.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam tập 4- Nguyễn Khắc Thuần