Nghệ thuật "nắm thắt lưng địch mà đánh" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có khả năng phát triển các lĩnh vực đó thành ngọn cờ đầu, nên ông được gọi là "Vị tướng phong trào". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng đã căn cứ vào tình hình địch và khả năng tác chiến của quân đội và nhân dân ta, đề xuất cách đánh thông minh, sáng tạo "nắm thắt lưng địch mà đánh".

Có thể khẳng định, đây là sự vận dụng hết sức sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh” của ông cha ta vào cuộc chiến tranh chống quân Mỹ xâm lược, có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần. Nắm vững và vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến quân sự này, quân đội và nhân dân ta trên các chiến trường đã lập nên những chiến công to lớn, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trải qua thời gian, tư tưởng, nghệ thuật tác chiến "nắm thắt lưng địch mà đánh" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc, nhất là trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí, phương tiện công nghệ cao ngày nay.

Nghệ thuật "nắm thắt lưng địch mà đánh" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam, năm 1967. Ảnh tư liệu

Trở lại những năm tháng đánh Mỹ, mỗi chúng ta đều hiểu rõ, quân đội Mỹ là đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại bậc nhất thế giới. Dựa vào sự vượt trội về vũ khí, phương tiện chiến tranh, nghệ thuật tác chiến chủ đạo của quân đội Mỹ là thiết xa vận và trực thăng vận, trên cơ sở được chi viện mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh và không quân. Điểm mạnh cơ bản của quân địch là cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, nhanh chóng đè bẹp đối thủ khi sử dụng nghệ thuật tác chiến theo lối chính quy, hai bên cùng dàn trận đôi công tác chiến trực diện. Điểm yếu chí mạng của quân đội Mỹ là khi đối phương sử dụng nghệ thuật tác chiến áp sát và quần lộn trên một khu vực chiến trường hẹp, thì các loại vũ khí, phương tiện hiện đại không phát huy được tính năng kỹ thuật, chiến thuật. Phát hiện được điểm yếu chí mạng này của quân đội Mỹ, nghệ thuật tác chiến “nắm thắt lưng địch mà đánh” đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất và áp dụng rộng rãi trên các chiến trường của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến dịch Plei-me diễn ra tháng 11-1965 là một ví dụ điển hình về nghệ thuật tác chiến “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Vào thời điểm này, tại thung lũng Ia Đrăng (huyện Chư Pông, tỉnh Gia Lai), diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt giữa bộ đội chủ lực Tây Nguyên và Sư đoàn kỵ binh bay số 1-con "át chủ bài" của quân đội Mỹ thời bấy giờ. So sánh về lực lượng và vũ khí, trang bị của chiến dịch này cho thấy, quân Mỹ được chi viện mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh và không quân, kể cả pháo đài bay chiến lược B-52. Với lực lượng của một trung đoàn bộ binh, thực hiện nghệ thuật tác chiến "nắm thắt lưng địch mà đánh", bộ đội ta đã tiêu diệt một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác của quân đội Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Nếu làm phép so sánh chiến dịch này với các cuộc chiến do Mỹ và đồng minh tiến hành trong những thập niên gần đây, thì mới thấy được giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc của nghệ thuật tác chiến, mà quân đội chúng ta đã vận dụng tài tình, sáng tạo trong chiến dịch. Khi quân số bị thương vong trong một chiến dịch tác chiến quy mô nhỏ, thời gian ngắn lên đến hàng trăm binh sĩ, thì chắc chắn người dân Mỹ không thể ngồi yên để cho các chính trị gia thuộc phái diều hâu thực hiện mưu đồ xâm lược, bá quyền như đã diễn ra trên thế giới gần đây.  

Địa đạo Củ Chi là một căn cứ kháng chiến nằm sát nách thành phố Sài Gòn-trung tâm kinh tế, chính trị và được bố trí một lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy. Quân, dân Củ Chi đã dũng cảm, ngoan cường đánh bại các cuộc hành quân quy mô lớn và hết sức tàn bạo bằng các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của quân địch trong suốt cuộc chiến tranh. Có thể khẳng định, nơi đây đã thể hiện sinh động nhất và phát huy cao độ nghệ thuật tác chiến “nắm thắt lưng địch mà đánh” của quân và dân Nam Bộ. Tính sáng tạo của cách đánh này là, quân và dân ta đã tối thiểu hóa sức mạnh của binh khí và kỹ thuật hiện đại của quân địch, nhưng phát huy tối đa sức mạnh của quân đội ta, bởi lối đánh gần, áp sát đối phương. Sự sáng tạo đó được thực hiện trên nền tảng lý luận nghệ thuật quân sự vừa hiện đại, vừa quán triệt sâu sắc tư tưởng quân sự của ông, cha. Điều quan trọng hơn, nghệ thuật tác chiến được khái quát hết sức ngắn gọn trong sáu chữ, dễ hiểu, dễ nhớ, mỗi người lính đều có thể thực hiện khi giữ bất kỳ cương vị nào trong tác chiến và trong từng hoàn cảnh chiến đấu cụ thể.

Những người có kiến thức về quân sự đều hiểu rõ, cách đánh là vấn đề cốt lõi của nghệ thuật quân sự. Tài năng của một vị tướng được thể hiện một cách sinh động nhất ở cách đánh mà vị tướng đó sáng tạo ra, chuyển hóa cho cấp dưới và binh sĩ dám đánh, biết đánh và chiến thắng. Cần nhận thức sâu sắc rằng, đây là những bài học thực tiễn hết sức sinh động cho hiện tại và tương lai, được xuất phát từ một tư duy sáng tạo hết sức tài tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đại tá, PGS, TS HOÀNG MINH THẢO 

 

Vị tướng của chiến thuật 'Nắm thắt lưng địch mà đánh'

Trong kháng chiến, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được mệnh danh là "Tướng du kích", linh hồn của mặt trận Bình Trị Thiên. Khi lãnh đạo nền nông nghiệp, ông là "Đại tướng Nông dân".

Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Dù phải ngồi xe lăn, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn nhờ người nhà đưa đến dự. Ông cho biết, cùng sinh ra và tham gia cách mạng ở Thừa Thiên Huế từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX, được nghe nhiều về con người này nhưng mãi đến năm 1953, khi từ miền Đông Nam Bộ ra Việt Bắc dự lớp bồi dưỡng và chỉnh huấn chính trị, ông mới được gặp Nguyễn Chí Thanh.

Những năm tháng được sống và làm việc cùng người anh đồng hương và suốt những năm về sau, Tướng Lê Đức Anh cảm nhận rõ về anh Sáu Di (bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Trung ương Cục miền Nam) - một con người "sáng trong như ngọc", một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

nguyen-chi-thanh-2689-1388057731.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm nông dân xã Đại Nghĩa (Hà Đông) năm 1961. Ảnh tư liệu.

Tóm lược cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định, đây là một vị tướng thao lược, tài ba, đức độ, hội tụ đủ phẩm chất "nhân, trí, tín, dũng, liêm, trung".

Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4 Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng đội lãnh đạo quân và dân vượt qua mọi khó khăn với tinh thần "mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân, có lòng tin của dân là có tất cả".

Giữa năm 1950, trước yêu cầu phát triển quân đội, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó bí thư Tổng Quân ủy. Tổng Quân ủy lúc này gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bí thư, hai phó bí thư là Trần Đăng Ninh và Nguyễn Chí Thanh.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: "Tổng Quân ủy lúc bấy giờ là một mẫu mực về tổ chức cơ quan lãnh đạo vừa gọn nhẹ, vừa có sức mạnh, đoàn kết nhất trí cao, tôn trọng yêu thương nhau và theo sát tình hình thực tế... Các cuộc họp ít kéo dài, có khi chỉ nói nửa câu là đã hiểu nhau và đi ngay đến quyết định".

Tổng Quân ủy đã mở hàng loạt chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Đông Xuân và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đánh bại tham vọng tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Sau giải phóng, Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục xây dựng quân đội lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ.

Nhờ những đóng góp đó, năm 1959 Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Lúc này, Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai Đại tướng đều được phong vượt cấp là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Một năm sau, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Nguyen-chi-thanh-2-8638-1388057731.jpg

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (phải) và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh tại Tân Trào (1951). Ảnh tư liệu.

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng ở đây. 

Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi)... giữa năm 1965 đã chứng minh cho nhận định sắc sảo của Đại tướng rằng: "Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược 'Chiến tranh cục bộ'". 

Tướng Lê Đức Anh cho hay, khi Mỹ chuyển từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ", Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất phải xây dựng các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ, có khả năng và luôn cơ động, phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn với quân chiến đấu Mỹ ở những trận then chốt thì mới có thể giành thắng lợi. 

Được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Trung ương Đảng, các đơn vị chủ lực Miền đã phát triển nhanh chóng. Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, đội đặc công, biệt động phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động.

Trước nhiều câu hỏi như "Làm thế nào để đánh được Mỹ và thắng Mỹ?"; "Làm thế nào đánh thắng đế quốc Mỹ mà không để cuộc chiến lan rộng thành cuộc chiến giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa?"... Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu quyết tâm: "Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ".

Và rồi ông tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến: "Nắm thắt lưng địch mà đánh"; đánh gần, đánh nhanh, di chuyển nhanh; đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong của bộ đội trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch... 

"Thực tiễn đã chứng minh, đó là những tổng kết vừa mang tầm chiến lược, vừa có giá trị chiến thuật góp phần đẩy lùi tâm lý thiếu tự tin trước ưu thế vượt trội về số lượng, trình độ và uy lực của vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ", Đại tướng Lê Đức Anh đúc kết.

Trong bài viết về người đồng đội gắn bó mật thiết, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, ngày chuẩn bị vào miền Nam đầu tháng 7/1967, Nguyễn Chí Thanh đã nêu ý kiến để hai gia đình đi dạo Hồ Tây và chụp ảnh kỷ niệm. "Buổi gặp nhau trước ngày lên đường, anh cùng tôi trải cả bản đồ lên sàn nhà, cùng nhau bàn bạc về tình hình, dự kiến những chuyển biến và cách đánh sắp tới. Nhớ đến bữa cơm tiễn biệt tại nhà 28 Cửa Đông, không ngờ hôm ấy lại là buổi gặp nhau cuối cùng".

Đúng vào ngày lên đường từ thủ đô quay trở lại chiến trường, lúc cách mạng miền Nam đang ở thời điểm rất cần người lãnh đạo thì ngày 6/7/1967 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời ở tuổi 53, sau một cơn đau tim.

"Anh là lãnh đạo xuất sắc của Đảng, hết lòng thương yêu nhân dân, đồng chí, đồng đội, có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, tổ chức... Anh là chiến sĩ cộng sản kiên cường, vị tướng tài ba của quân đội, có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam", cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mất bố từ năm 14 tuổi, ông phải đi làm thuê kiếm sống. 20 tuổi ông tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Từ năm 1938 - 1943, ông 3 lần bị địch bắt giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo và nhà đày Buôn Ma Thuột.

Năm 1947, ông khôi phục Mặt trận Huế, mở ra một cục diện mới, phát triển chiến tranh nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. Một năm sau, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên để thống nhất lãnh đạo, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư, rồi đảm nhiệm Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. 

Đầu năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử là Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 1961, khi miền Bắc phát triển hợp tác xã, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng phân công phụ trách nông nghiệp. Ông nổi tiếng với danh hiệu "Đại tướng làm nông nghiệp", gắn liền với những phong trào, những mẫu hình sản xuất như "gió Đại Phong", "Thi đua Ba Nhất", "Phá xiềng ba sào"... đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến một bước vững chắc.

Nguyễn Chí Thanh làm rể trong gia đình ông ấm Hoàn - một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng. Bà Nguyễn Thị Cúc (vợ ông) là thiếu tá Quân đội, làm việc ở bệnh viện 108.

Đại tướng có 5 người con: Trường Sơn (mất năm 1947 ở chiến khu Trị Thiên), Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Thị Thành (công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam), Nguyễn Thị Kim Sơn (công tác tại Hải quan TP HCM), con út Nguyễn Chí Vịnh hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng.