Nghĩ về ông Phan Thanh Giản

Hoạn lộ của ông Phan Thanh Giản vô cùng lận đận! Nhìn lại ta được biết, ông đã 7 lần làm cho vua giận tức, không chỉ bị giáng chức, cách lưu mà có khi phải cam chịu theo quân tiền hiệu lực (làm lính) (2). Song mỗi lần như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn ông lại được phục hồi để rồi từng bước được vinh thăng đến cực phẩm triều đình (lần lượt giữ chức Thượng thư các bộ Hình, bộ Lại, bộ Binh (3); 6 lần được sung Cơ mật viện đại thần, và cả Chánh sứ toàn quyền đại thần (4). Ở cương vị nào ông cũng chỉ biết cố gắng làm hết phận sự mình, dù vinh cũng không lấy đó làm hãnh, mà trái lại ít nhất ông cũng 4 lần dâng sớ khẩn khoản khước từ quyền cao chức trọng, nhưng vua không chấp thuận, nên đành phải vâng mệnh. Rõ ràng ông Phan Thanh Giản không hề ham muốn cao sang danh vọng. Đình thần và nhà vua không ai không biết rõ bản chất con người và tính nết của ông (Phan Thanh Giản) từng được vua ban tặng tấm kim khánh với 4 chữ vàng Liêm, Bình, Cần, Cán; và do “liêm trực cẩn thận”, sau vua lại ban thêm cho tấm bi lương ngọc để tỏ lòng tin yêu, sủng ái).

Do liêm trực cẩn thận như vậy nên mỗi khi có việc trọng đại mang tính mất còn, nhất là trong quan hệ với người Pháp, tuy vẫn biết ông sẽ không thể làm được như ý muốn mình, song “muôn lần như một” bá quan văn võ ở triều đình, tôn nhân phủ và nhà vua cũng cứ Phan Thanh Giản mà sai phái, kỳ vọng (5). Đơn giản, vì đối với những việc “thiên nan vạn nan”, trong hàng các quan và cả vua, cũng không nghĩ ra được mưu chức gì, chỉ biết bó tay, ngồi nhìn! Điển hình là khi nhà vua cử ông làm Chánh sứ sang thương thuyết với hoàng đế nước Pháp (và Y Pha Nho) xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trước khi đi, vua Tự Đức ướm hỏi: “Trước kia ngươi bỏ 3 tỉnh Nam Kỳ chắc là đã có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa chăng?”. Phan Thanh Giản tâu: “Tôi xét kỹ thời thế, không bỏ không được, nay tôi vâng mệnh đi sứ, việc thành hay không đều tùy nước Tây, tôi chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi”. Vua chảy nước mắt! (6).

“Chảy nước mắt” lúc ấy, chứng tỏ nhà vua đã mặc nhận “việc thành hay không là do nước Tây”. Vậy mà sau đó khi biết rõ người Pháp tiếp tục đẩy mạnh cuộc xâm lược để bức chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhà vua liền khai phục và thăng bổ Phan Thanh Giản làm Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1865) để sai phái ông vào Nam đương đầu trước làn tên mũi đạn. Hơn ai hết, ông Phan Thanh Giản biết rất rõ rằng mình chỉ là “con bài hy sinh” không hơn không kém, bèn xin khước từ (7), vua không chấp thuận. Sau đó lại xin hưu trí với lý do “vì tuổi già sức yếu không kham được việc lớn” (8), vua cũng không cho. Thế là phải vâng mệnh!

Tại thời điểm quân Pháp xua binh hùng tướng mạnh đến áp bức Vĩnh Long, trước tình thế nguy ngập ấy xét thấy không còn con đường nào khác là phải cứu dân, bởi việc phòng bị của triều đình từ muôn đời nay vẫn là chiến thuật, chiến lược và chiến cụ thời trung cổ, thực lực yếu xìu như cọng bún thiu, trong khi phía địch, chúng bất thần ập đến với cả ngàn quân hung hãn, đều súng to, tàu lớn, trong tư thế sẵn sàng nhả đạn bình địa tức khắc nếu có hành vi kháng cự lại. Vì vậy ông đành phải ra lịnh giao thành để, ít ra trước mắt cũng bảo toàn được xương máu nhân dân.

Suy nghĩ của ông lúc ấy là đằng nào cũng phải mất thành, mất đất. Còn số phận mình tất cũng không khác, nghĩa là đằng nào cũng phải chết! Và ông đã chọn lựa để hành động! Một hành động mà từ hàng trăm năm nay, ai hiểu được nỗi lòng của ông thì không thể không đồng tình, thậm chí thầm khen là can đảm; còn đối với những người phẫn tức thì không tiếc lời mắng mỏ ông hèn nhát. Song suy cho cùng, “nói sao cũng đúng” vì đó là quan điểm xuất phát từ tận đáy lòng yêu nước, thương dân mà ra. Về phần mình, ông Phan Thanh Giản là người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”!

– Dám nghĩ: Cứu dân, bảo vệ cho dân kiểu ông Phan Thanh Giản, theo tôi hiểu, là một cách suy nghĩ và làm theo sự suy nghĩ có cân nhắc. Ông đã “dám nghĩ” như thế hẳn không thể không xuất phát từ “sự hiểu” là vua (và triều đình) đã cố tình đẩy ông vào “cửa tử”, vì tất cả đều biết rõ là ông sẽ không tài nào xoay chuyển được tình thế, bởi “việc thành hay không là do nước Tây”. Vua Tây đã quyết xâm lược, thôn tính nước Nam, thì quan Tây phải thi hành thôi (9), quá dễ hiểu! Trước tình thế cứ bị dồn vào chân tường như vậy, ông thấy rõ trước sau gì mình cũng phải đi vào cửa tử, nên ông đã dâng sớ tỏ bày thống thiết: “Tôi nghĩa nên chết, không dám tạm sống để hổ thẹn đến vua cha. Hoàng thượng… thay đổi đường lối, thế lực còn có thể làm được! Tôi đến lúc sắp chết nghẹn lời không biết nói gì, chỉ ứa nước trông về kinh mến tiếc, mong muốn vô cùng mà thôi!” (10). Do cái “đạo quân thần”: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nhà nho Phan Thanh Giản đã không tiếc mạng sống của mình để tỏ rõ sự tận trung. Nhưng thật bẽ bàng, sự trung quân ấy nhà vua đã cố tình không hiểu! Đã không một chút đoái hoài, an ủi vong linh kẻ trung thần mà còn nhẫn tâm đe nẹt, nhẫn tâm ra lệnh đình thần xử trị thật nặng vì: “Trước đi sứ không được việc, sau cẩu thả hèn kém, để mất các tỉnh Long – Giang – Hà. Hai tội đều nặng cả, tuy đã tự chết, nhưng chưa đủ che được tội”, quyết “phải truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu. Giết kẻ đã chết để răn đe về sau”! (11).

– Dám làm: Trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ, trước sau Phan Thanh Giản vẫn là người trực tiếp đứng mũi chịu sào. Việc đã diễn ra như thế thì không thể nói sao khác được. Nhưng vì sao một đại thần trung nghĩa của triều đình từng được vua ban cho 4 chữ vàng “Liêm, Bình, Cần, Cán”, rồi sau một lần nữa khen tặng là “Liêm trực, cẩn thận” lại “dám làm” chuyện tày đình như thế? Hẳn phải có duyên do mà chủ yếu là triều đình đã nắm biết và đánh giá tình hình là trước sau gì vận nước cũng sẽ phải diễn ra như thế, cho nên nếu lập trường của nhà vua ban đầu cứng rắn bao nhiêu thì, dần dần mềm nhũn bấy nhiêu. Ta ghi nhận:

– Năm 1862, Tự Đức dò dặn Chánh sứ toàn quyền đại thần Phan Thanh Giản lúc sắp lên đường vào Nam hội đàm với sứ Pháp và Y Pha Nho là: “Nếu họ đòi giao 3 tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) thì nhứt định không thể theo lời (…); quyết không cho Tây được đi lại trong toàn quốc, không cho họ đặt quan ở kinh, cũng không cho người Y Pha Nho xin ở và đánh thuế, cùng cực chỉ cho họ ở một đôi chỗ để buôn bán, về đạo Gia Tô cũng quyết không cho họ công nhiên lưu hành, bất đắc dĩ thì cho phép họ ở tại một vài nơi do ta chỉ định” (12) – lập trường nhà vua rất dứt khoát, cứng rắn!

– Năm 1863, khi cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ sang Pháp và Y Pha Nho thương thuyết, Tự Đức đã xuống nước một cách thảm hại, phải “chảy nước mắt” khi nghe Phan Thanh Giản thành thực tâu nói “Việc thành hay không là do nước Tây”! – Tình thế đã đến mức như vậy thì chỉ có khóc mà thôi!

– Tháng 9 năm Bính Dần (1866) khi Khâm sứ Thượng thư của Pháp là Vial và Cố Dương đến kinh chính thức đòi lấy 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì ngay sau đó vua Tự Đức chỉ thị Phan Thanh Giản (và Trương Văn Uyển) lập tức mật bàn với các quan tỉnh ấy “xét xem sự thế nhân tâm ra sao, nếu cử động (kháng cự) ngay thì phải nghĩ cách đối đãi, nếu nhường (các tỉnh ấy cho họ) thì nên châm chước cốt được hòa bình. Tính kỹ tâu lại” (13) – Rõ ràng Tự Đức đã có ý muốn bỏ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ!

Thế thì với tư cách là người được nhà vua “chuyên ủy” (chữ dùng của vua Tự Đức nói với Phan Thanh Giản) (14) cớ gì lại không dám hành động hợp ý vua? Ông đã “dám làm” cái chuyện mà trong thâm tâm nhà vua và bá quan văn võ đều đồng tình, nhưng họ chẳng những “không dám làm” mà còn cố “làm màu” để né tránh trách nhiệm trước lịch sử – trong trường hợp này so với Phan Thanh Giản họ đều thiếu can đảm! Phải chăng hành động này của ông Phan Thanh Giản cũng là một kiểu “cứu chúa”? – nhưng rất tiếc cách xử trí vấn đề của “chúa” này khác hẳn chúa Lam Sơn!

– Dám chịu trách nhiệm: Bằng vào lý trí của mình, ông Phan Thanh Giản đã tỏ ra rất dứt khoát trong khi xuống lệnh cho các quan tướng thuộc quyền giao thành An Giang và Hà Tiên cho quân Pháp. Ông đã dám nghĩ, dám làm tất dám chịu trách nhiệm trước triều đình. Trong công thư ngắn gọn gửi quan Tổng đốc 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên về việc này, sau khi đã phân bày với lời lẽ vô cùng thống thiết; phần kết bức công thư hết sức chân thành, xúc động và không thể không làm người đọc chú ý “ẩn tình” sâu kín mà ông muốn gửi và cần chú ý:

…“Vậy bổn chức viết công thơ cho các quan văn cũng như cho các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và giao thành trì, khỏi chống lại.

Nhưng, nếu bổn chức tùy theo Thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đem tai họa, rớt trên đầu họ, bổn chức trở thành phản thần đối với Hoàng đế của ta vì bổn chức trao 3 tỉnh của Hoàng đế cho Phú lang sa mà không chống cự… Bổn chức đáng tội chết. Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang sa, nhưng lá cờ 3 sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống…”.

Chúng ta đều đã thấy rất rõ rằng, tại thời điểm cực kỳ nguy hiểm ấy, ông Phan Thanh Giản không có cách xử trí nào khác hơn là đành phải bó tay. Với ông, nó không có nghĩa là khuất phục, “mọi người có thể sống dưới sự điều khiển của người Pháp” nhưng tuyệt đối không hợp tác, không giúp đỡ họ (ít ra ông cũng đã trăng trối với các con mình như vậy), vì đối với kẻ thù, “chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”, xem như phải chấp nhận “tạm hàng” để “cầu mưu”. Mưu của ông như thế nào? Trước hết là phải bằng mọi cách bảo toàn sinh mạng cho mọi người (ngoài ông!) – gồm cả quan và dân. Mọi người còn sống mới không tiêu hao tiềm lực, mới có thể tính được chuyện khôi phục cơ đồ, nghĩa là cần phải có thời gian cần thiết để củng cố thực lực cho đủ mạnh. Nhưng trước hết và bức thiết hơn hết là cần phải “thay đổi đường lối”, vì theo ông “thế lực còn có thể làm được”, ông “mong muốn vô cùng”. Đó là những gì tâm huyết nhất mà ông đã bộc bạch trong sớ dâng lên trước khi chết. Theo ông, võ lực thôi chưa đủ mà còn phải đặc biệt quan tâm phát triển về trí lực, ở đó nhất thiết là phải đi lên bằng con đường khoa học kỹ thuật (trong phạm vi gia đình ông đã dặn và mong muốn các cháu của mình phải cố học, học cho “tới nơi tới chốn” mở mang trí óc theo kịp văn minh tiến bộ của phương Tây để phụng sự cho dân, cho nước)(15).

Và cuối cùng, để tỏ rõ lòng thành và tiết tháo, vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật 4-8-1867 (nhằm ngày mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão) trước sự chứng kiến của gia đình, trong căn nhà cỏ của mình ở quê nhà Vĩnh Long (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), ông đã hướng về phương Bắc lạy (vua) 5 lạy rồi bình tĩnh mượn chén thuốc độc tự kết liễu đời mình (giấm chua pha với thuốc phiện) sau khi đã nhịn ăn 15 ngày mà không chết.

Ông Phan Thanh Giản đã dũng cảm chịu trách nhiệm về việc làm có suy nghĩ của mình. Với ông, như vậy là đã trọn chữ trung quân, tròn lời Thánh dạy!

Nhưng sự trung quân của ông có làm vua Tự Đức hài lòng?

Sau sự kiện giao thành, mất thêm 3 tỉnh Nam Kỳ, vua Tự Đức hạ lịnh đình thần lập tức nghị xử việc để thất thủ 3 tỉnh ấy.

Bản án của các đại thần tâu lên phân tích khá tình lý:

“Phan Thanh Giản và Nguyễn Văn Nhã, hiện đã quyên sinh hoặc ốm chết rồi thì nên cho được miễn tội trảm hậu và trượng lưu (…). Cứu xét tới nguồn gốc, thì bọn phạm kia đối với công việc trinh sát bí mật đâu phải dễ dàng? Hơn nữa địa thế 3 tỉnh lại rất xa xôi cách trở, tin tức khó thông. Huống chi bọn Tây ôm ấp tấm lòng phản trắc, hiệp ước còn đầy đủ đó mà chúng trở mặt xé ngay; việc làm của chúng sự thực không ai có thể liệu tính trước được? Đối với sự thế bấy giờ, các phạm viên kia ở vào địa vị khó xử, triều đình bao phen huấn thị, thực đã xét thấu từ lâu. Chỉ vì 3 tỉnh thần kia tuân theo mật lục, trọng chữ tín nghĩa không muốn tranh biện đến cùng, thì tình cũng nên lượng xét. Hơn nữa Phan Thanh Giản sau khi lỡ việc, đối với nghĩa vụ chẳng dám cẩu thả nên đã quyên sinh; so với các viên tỉnh thần chỉ biết lo bảo toàn mạng sống để trở về, cũng có khác biệt. Vậy thì từ Phan Thanh Giản trở xuống đến bọn Đỗ Huy, có nên phân biệt để lượng giảm hay không, ơn đó còn trông ở chỉ thị của hoàng thượng”.

Nhưng Tự Đức không một chút xót thương, đoái tưởng! Ông cho là nghị như vậy “chưa được sáng suốt, chính đáng”, bèn dụ rằng:

“Nguyên Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, trước đã cùng Lâm Duy Thiếp sơ suất định hòa ước, đem 3 tỉnh Định – Biên – Tường khinh thường cho người; đi sứ lại không được việc. Sau sung Kinh lược sứ lại để lỡ cơ hội, nên các tỉnh Long – Giang – Hà đều mất, hai tội đều nặng cả, tuy sau khi việc đã rồi, xét phải tội chết, chưa đủ che được tội. Vậy Phan Thanh Giản (cùng với Lâm Duy Thiếp(16)) đã quá cố đều truy đoạt lại chức hàm, và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu. Giết kẻ đã chết để răn về sau”.

Quyết định “bất nhơn” như vậy liệu có ổn không khi mà chính nhà vua và toàn bộ triều đình nhà Nguyễn đều đã trực tiếp tạo điều kiện xui khiến Phan Thanh Giản hành động như thế?

Lương tâm nhà vua hẳn không thể không cắn rứt, vì ông đã nhìn nhận “Phan Thanh Giản là người học rộng, nết tốt, đáng làm mô phạm cho đời; tấm lòng trung thành cần mẫn trong sạch, chăm chú làm hết phận sự, thì trẫm đã biết từ lâu và rất chú trọng. Riêng nói về tài thì hơi kém, không đủ thao lược ứng biến, lại còn phạm lỗi cố chấp, không thể trao cho công việc trọng đại, cho nên đại sự đến nỗi vấp ngã”(17).

Và nhà vua có còn nhớ hay không lời nói của mình với ông Phan Thanh Giản: “Trẫm ngày ngày mong tin ngươi thu lại 3 tỉnh ấy báo cho trẫm thì ngươi, giả sử chẳng may có chết cũng nhắm được mắt, trẫm cũng yên tâm, không thế thì cùng với ngươi cùng mang tội đến muôn đời không bao giờ chuộc được, hồn vía không tan cũng làm hùng kiệt loài quỷ để mong báo mới hả”(18)?

Phải chăng làm “Bài dụ tự chê về việc để mất Nam Kỳ” Tự Đức đã cảm thấy thanh thản?

Gì thì gì, ông Phan Thanh Giản (và Lâm Duy Thiếp) không hề bán nước, mà suốt đời, cho đến phút trút hơi, ông chỉ một lòng một dạ – yêu nước, thương dân, mà thôi.

Người đời luôn xót thương tướng giữ thành, để thành mất, phải mất theo thành. Cũng như thế, ông Phan Thanh Giản là người được giao giữ đất, để mất đất và ông đã mất theo đất! Rõ ràng Phan Thanh Giản không hề nhu nhược, mà ngược lại đã rất dũng mãnh – cái dũng mãnh rất riêng chỉ có ở một quan văn tiết tháo như ông. Vậy mà Tự Đức đã không một chút xót xa lại còn hạ lệnh để mãi cái án trảm (chết rồi, vẫn phải chém, – chém nữa!). Nhưng con cháu ông đã không chịu tuân theo lời ông! Mười chín năm sau (1886) Phan Thanh Giản (và Lâm Duy Thiếp, cùng một số quan khác) đã được triều đình (đời vua Đồng Khánh) “xét thấy không có tội chi” nên đã tâu lên, được khai phục nguyên hàm (và dựng lại bia tiến sĩ) cho ông(19). Và cũng từ ấy hầu khắp các tỉnh ở Nam Kỳ, nhân dân không chỉ luôn nhắn nhớ, ngưỡng mộ mà còn lập bàn thờ thờ ông tại một số đình, đền, chùa, miếu. Không ít nhà dân đã treo chân dung ông nơi trang trọng để thể hiện tình cảm như đối với người thân đáng kính trong thân tộc! Không chỉ thế mà người Nam Bộ (vốn có truyền thống yêu nước và đấu tranh rất kiên cường, rất quyết liệt đối với bọn cướp nước) cho đến hiện nay, mỗi khi có dịp đề cập đến nhân vật lịch sử này, hầu hết bà con đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc và tỏ cảm tình rất đặc biệt đối với ông. Họ còn truyền tụng nhau khá nhiều câu chuyện rất cảm động mang nội dung ca ngợi ông, như chuyện ông xin ở tù thay cha cho tròn phận hiếu; chuyện bị viên cai đồn chặn xét hỏi khi ông đi ghe về quê thọ tang cha; chuyện ông mặc áo sô gai về thăm bà con ở quê nhà; chuyện ông làm quan đến thượng phẩm triều đình mà vẫn còn cất giữ kỹ bộ áo quần năm xưa người láng giềng cho ông lúc còn nghèo khổ, v.v…

Nguyễn Hữu Hiệp
Trích đăng lại từ trang Tư liệu văn hóa nghệ thuật Văn Chương Việt (vanchuongviet.org)

Theo nguồn trithucvn.org.