Người phụ nữ nào trong lịch sử Việt Nam thế chấp tính mạng 3 đời dòng tộc để cứu dân?

Người phụ nữ nào trong lịch sử Việt Nam thế chấp tính mạng 3 đời dòng tộc để cứu dân?- Ảnh 1.

Người phụ nữ đó là bà Huỳnh Thị Phú - một trong những bà tổ của dòng tộc Lê Công, người có công lao lớn nhất trong họ tộc. Sinh thời, bà nổi tiếng là một người hết mực thương yêu dân nghèo trong vùng.

Người phụ nữ nào trong lịch sử Việt Nam thế chấp tính mạng 3 đời dòng tộc để cứu dân?- Ảnh 2.
Người phụ nữ nào trong lịch sử Việt Nam thế chấp tính mạng 3 đời dòng tộc để cứu dân?- Ảnh 3.

Một góc Lê Công phủ đã 100 năm tuổi ở Châu Đốc

Hồi đó vùng Châu Đốc chỉ toàn là rừng rậm, đầm lầy lau sậy, bưng trấp hoang vu và rất nhiều thú dữ, không làng, không xóm, chỉ có một cái đồn cheo leo của triều đình lập ra tại trấn này để canh giữ vùng biên cương.

Trong những lần đi thăm điền đất, bà Huỳnh Thị Phú đã chứng kiến cảnh nhiều người dân nghèo bị bệnh nhưng không có thầy thuốc chạy chữa nên phải chết oan ức. Sau nhiều ngày đêm suy tính, cuối cùng bà quyết định bỏ tiền xây một nhà trị bệnh, rước danh y từ các nơi về trả lương bổng hậu hĩnh để họ an tâm lo việc chẩn trị, bốc thuốc miễn phí, trị bệnh cho dân nghèo quanh vùng Châu Phú - Châu Đốc.

Người phụ nữ nào trong lịch sử Việt Nam thế chấp tính mạng 3 đời dòng tộc để cứu dân?- Ảnh 4.

Ngôi nhà thờ họ Lê Công được khởi công từ năm 1908 và hoàn thành sau bốn năm xây dựng (1912)

Sau khi lo xong việc trị bệnh cho dân, bà Huỳnh Thị Phú nhận thấy trẻ em trong vùng Châu Đốc đều thất học do không có trường lớp. Dẫn đến việc không biết lễ nghĩa nên bà quyết định bỏ tiền, hiến đất mở lớp học, xây trường, rước thầy giáo từ nơi khác về để dạy chữ Nho cho con em dân nghèo trong vùng khiến nhiều người rất cảm kích.

Thời xưa, vùng biên viễn Châu Đốc thường xảy ra động binh do giặc từ bên kia biên giới kéo sang cướp phá, nhiều khi giặc cướp từ các nơi tụ về hoành hành khiến quan quân đồn trú phải vất vả đánh dẹp.

Những lúc biên giới xảy ra chiến tranh ly loạn thì dân tình lao đao khốn khổ, đời sống khó khăn túng thiếu vì không ai dám ra đồng làm ruộng, nhiều gia đình phải lâm cảnh ly tán.

Có rất nhiều trường hợp những gia đình nông dân nghèo khó trong vùng chiến tranh loạn lạc không đủ gạo nuôi con, đành nhắm mắt gạt lệ đem con thả vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Gia đình nào không đành lòng bỏ con vào rừng thì đóng bè bằng cây chuối rồi buộc con cái vào bè, sau đó thả trôi theo dòng nước sông Hậu để mong có người cứu giúp con cái họ thoát cảnh chết đói hoặc chết chìm dưới lòng sông lạnh.

Trước tình cảnh trên, bà Huỳnh Thị Phú luôn cho người vào rừng tìm những đứa trẻ vô phúc hoặc bơi thuyền ra sông Hậu tìm vớt những đứa trẻ bị thả trôi sông đem vào một ngôi nhà chung nuôi ăn học tử tế.

Từ việc làm nhân nghĩa của bà Huỳnh Thị Phú, những gia đình nghèo khó không còn đem con cái bỏ vào rừng hoặc đóng bè thả trôi sông mà đem con đến nương nhờ người phụ nữ tốt bụng.

Bên cạnh đó, bà Huỳnh Thị Phú còn nổi tiếng khắp vùng khi dám mang sinh mạng của hàng trăm người trong 3 đời dòng tộc ra làm “tài sản thế chấp” với triều đình Huế để vay lúa cứu giúp dân nghèo khỏi lâm cảnh chết đói trong cơn lụt lội.

Theo lời kể của người dân Châu Đốc, năm nào nơi đây cũng bị lũ lụt tràn ngập từ tháng 7 đến tháng 11 Âm lịch, do dòng nước từ thượng nguồn phía Campuchia tuôn theo sông Hậu, kênh Vĩnh Tế vào vùng Châu Đốc gây ngập lụt ruộng đồng, nhà cửa.

Đáng nói, mùa lụt lội thường kéo dài đến mấy tháng, trên đồng nước ngập sâu 4 - 5 mét khiến người dân phải bỏ nhà cửa, đùm túm nhau đến những nơi khô ráo như Núi Sam và các ngọn núi lân cận để chạy lụt. Nhiều người ở lại thì lại lâm cảnh đói kém, không có lúa gạo để cầm cự qua ngày.

Nghe gia nhân báo tin, bà Huỳnh Thị Phú tức tốc sai người mở kho lúa của gia đình để cứu tế cho dân nghèo. Nhưng kho lúa của gia đình có hạn, trong khi số người nghèo đói mỗi ngày một tăng do nước ngập tràn đồng lâu ngày, nên sau nhiều ngày suy đi tính lại, bà Huỳnh Thị Phú đã quyết định làm đơn xin vay lúa của triều đình nhà Nguyễn để cứu tế dân nghèo.

Thời đó giao thông liên lạc khó khăn, “sớ vay lúa” của bà Huỳnh Thị Phú từ thành Châu Đốc phải dùng ngựa trạm, ngày đi đêm nghỉ chuyển về thành Gia Định. Từ đây công văn giấy tờ lại tiếp tục được chuyển về triều đình Huế cũng bằng ngựa trạm, cả hai lượt đi về mất thời gian mấy tháng trời.

Trước tình cảnh đó, bà Huỳnh Thị Phú liền nghĩ ra kế sách: Khi nước lụt bắt đầu tràn xuống thì bà viết “sớ vay lúa” gửi triều đình Huế. Trong thời gian tờ sớ được chuyển đi từ Châu Đốc ra đến Huế và chờ phê duyệt rồi đưa trở về Châu Đốc thì bà Phú cho mở kho lúa của gia đình cứu tế dân nghèo.

Đến khi “sớ vay lúa” được triều đình phê duyệt chuyển về đến thành Châu Đốc thì lúa trong kho gia đình vừa hết, lúa đó tiếp tục lấy lúa trong kho của thành Châu Đốc cứu dân.

Từ lâu đã nghe uy tín, công đức của bà Phú và gia tộc Lê Công đối với dân nghèo nên khi nhận được “sớ vay lúa” của bà Phú thì triều đình nhà Nguyễn chấp thuận mở kho lúa thành Châu Đốc cho bà Phú vay để cứu dân nghèo trong cơn lụt lội.

Tuy nhiên, triều đình Huế ra một điều kiện rằng bà Huỳnh Thị Phú phải làm cam kết trả lúa đúng hạn vào mùa lúa năm sau. Nếu không trả đủ lúa theo cam kết thì bà Phú và gia tộc Lê Công sẽ mắc tội với triều đình và phải chịu án “tru di tam tộc”.

Trước điều kiện ngặt nghèo của triều đình nhà Nguyễn, nhiều người trong gia tộc Lê Công đã hết sức hoang mang, lo lắng vì sợ năm sau mùa màng thất bát, không đủ lúa trả cho vua thì cả dòng họ sẽ bị xử chết. Nhưng bà Huỳnh Thị Phú vẫn bình tĩnh khuyên mọi người trong gia tộc đừng hốt hoảng và bà mạnh dạn cam kết chịu trách nhiệm trả đủ lúa cho triều đình.

Sau khi nước lũ rút đi, người dân nghèo vì cảm kích trước tấm lòng thương dân của bà Huỳnh Thị Phú nên ra sức cày cấy trên đồng ruộng, cộng thêm lớp phù sa màu mỡ do nước lụt để lại nên năm nào cũng trúng mùa, giúp bà Phú có đủ lúa trả cho triều đình không thiếu một cân.

Ngoài việc cứu giúp dân nghèo, bà Huỳnh Thị Phú còn là người sáng suốt minh mẫn, có đức độ và am hiểu nhiều việc thế sự. Chính vì vậy mà trong cuộc sống hàng ngày bà đã đóng góp nhiều sáng kiến hay để giải quyết tốt đẹp mọi việc rắc rối, tranh tụng của dân vùng Châu Phú - Châu Đốc thời đó.

Những việc làm nhân đức cũng như công lao khai hoang lập ấp, mở rộng đất đai canh tác, nỗ lực cải thiện cuộc sống cho cộng đồng của các vị tổ tiên tộc họ Lê Công và bà Huỳnh Thị Phú tại vùng Châu Phú - Châu Đốc đã được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận và ban thưởng xứng đáng.

THEO DANVIET