Người Việt xưa tính các giờ trong ngày như thế nào?

Theo tòa Khâm Thiên Giám Việt Nam ngày trước vừa soạn âm lịch, vừa soạn mùa, vừa soạn giờ, (có theo Trung Hoa chút đỉnh để các thầy bói, thầy cúng, nhất là thầy coi số tử vi chiếu theo đó mà hành sự chứ thì không biết đường nào mà mò). Ngày thì có 12 giờ theo 12 con giáp ứng với 24 giờ đồng hồ:

Giờ Tý từ 11 giờ đêm đến 01 giờ sáng.

Giờ Sửu từ 01 giờ sáng đến 03 giờ sáng.

Giờ Dần từ 03 giờ sáng đến 05 giờ sáng.

Giờ Mão từ 05 giờ sáng đến 07 giờ sáng.

Giờ Thìn từ 07 giờ sáng đến 09 giờ sáng.

Giờ Tỵ từ 09 giờ sáng đến 11 giờ sáng.

Giờ Ngọ từ 11 giờ sáng đến 01 giờ trưa.

Giờ Mùi từ 01 giờ trưa tới 03 giờ chiều.

Giờ Thân từ 03 giờ chiều đến 05 giờ chiều.

Giờ Dậu từ 05 giờ chiều đến 07 giờ tối.

Giờ Tuất từ 07 giờ tối đến 09 giờ tối.

Giờ Hợi từ 09 giờ tối tới 11 giờ đêm.

Người Việt xưa tính các giờ trong ngày như thế nào?  - Ảnh 1.

Bây giờ, thử lan man qua câu “Đêm Năm Canh, Ngày Sáu Khắc”. “Đêm năm canh” ứng với 10 giờ đồng hồ, bắt đầu từ:

Canh Một: từ 07 giờ tối đến 09 giờ tối (giờ Tuất).

Canh Hai: từ 09 giờ tối đến 11 giờ đêm (giờ Hợi).

Canh Ba: từ 11 giờ đêm đến 01 giờ sáng (giờ Tý).

Canh Tư: từ 01 giờ sáng đến 03 giờ sáng (giờ Sửu).

Canh Năm: từ 03 giờ sáng đến 05 giờ sáng (giờ Dần).

Còn “Ngày sáu khắc” ứng với 14 giờ đồng hồ và 7 giờ tính theo âm lịch (Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu), bắt đầu vào 05 giờ sáng (đầu giờ Mão) đến 07 giờ tối (đầu giờ Tuất). Vậy tính ra, mỗi “khắc” tương đương bao nhiêu giờ, phút đồng hồ (14/6=?). Đến nay vẫn chưa nghe ai phân tích rõ ràng điều này. Và vì cũng không có ai ở không để bàn luận, bổ sung, bổ túc thêm, nên “khắc” vẫn cứ tối mò mò y như đêm ba mươi vậy.

Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Khắc là 1/100 của một ngày, tức là 1 khắc tương đương 14 phút 24 giây đồng hồ của Tây.

Học giả Đào Duy Anh thì cho là cứ 15 phút là 1 khắc (tức 1/4 giờ).

Nhà biên soạn tự điển Thanh Nghị giải thích: khắc là 1/6 của ban ngày, có nghĩa là chia ra một khắc tương đương 2 giờ 20 phút chẵn chòi.

Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội, 1988) thì gom luôn cả hai định nghĩa: “khắc = 1/4 giờ” và ‘bằng 1/6 thời gian ban ngày” (không biết tính từ mấy giờ đến mấy giờ!).

Nhưng cũng có nhiều người không hoàn toàn đồng ý với các quan điểm vừa nêu trên, dựa vào lý lẽ như sau: “Đêm có 5 canh, từ canh Một đến canh Năm (từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng). Ngày có 6 khắc, từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều (tức là 12 giờ đồng hồ), còn khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 7 giờ (giờ Dậu) không cần tính tới làm chi (vì là khoảng thời gian ngày không ra ngày mà đêm chẳng ra đêm, giờ đánh chiêng, trống thu không để quân lính đóng cửa thành) nên không cần giờ hay khắc chi cả (!).

Nhưng có người lập luận, phản bác: Vậy thời gian từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng cũng là lúc giao thời giữa “Đêm và Ngày”, cũng không cần xếp vào loại canh hay khắc nào làm gì, tại sao lại tính vào 1 trong 6 khắc?

Bây giờ, trở lại với cách xem giờ (coi giờ) truyền thống dân tộc, cứ đêm năm canh theo tiếng trống (hoặc mõ) ở điếm canh là biết canh mấy, canh Một thì một dùi trống, canh Hai thì hai dùi trống… đến canh Năm thì đánh đủ năm tiếng trống vào lúc 03 giờ đêm. Vậy là xong nhiệm vụ của tuần đinh gác đêm; sau canh năm, khoảng từ 05 giờ sáng đến 07 giờ sáng là giờ tự do của con gà, muốn gáy bao nhiêu thì gáy, tự do mà gáy, không có ai cấm cản hay bắt buộc gáy để báo giờ cho con người, gáy chào một ngày mơi, gáy để ve gái, gáy để dụ gà trống khác đá chơi cho đỡ buồn… hay chỉ vì tức nhau vì tiếng gáy (một con gáy thì sẽ có nhiều con gáy đáp lại).

Sau đó thì nông dân cùng trâu bò ra ruộng, làm việc đồng áng nên Kinh Thi có bài thơ như sau:

Nhật nhập nhi tác

Nhật xuất nhi tức…

Diễn nghĩa:

Mặt trời mọc thì làm

mặt trời lặn thì nghỉ

cày ruộng lấy mà ăn

đào giếng lấy mà uống

oai vua chả ăn nhằm gì tới ta.

Kế đến, chính Ngọ là 12 giờ trưa, thì cây đứng bóng. Nhìn bóng cây là biết giờ, nghỉ ngơi ăn uống một chập thấy bóng nắng hơi nghiêng là qua giờ Mùi lại tiếp tục lao động, cho đến khi nghe tiếng chiêng trong quân doanh (trại lính) thì biết bắt đầu giờ Dậu (tức là khoảng 5 giờ chiều đến 7 giờ tối) người cùng trâu bò về nhà, gà lên chuồng. Nông dân ta cứ vậy mà sống mấy ngàn năm qua không cần mua đồng hồ làm gì. Về đêm thì các điếm canh có khắc dấu vào một cây cột hiên ngoài, tuần canh cứ nhìn theo sao Hôm trụ ở chỗ nào (đến chỗ nào thì là canh mấy) mà dộng trống hay gõ mõ.

Nửa đêm, cứ nghe tiếng chuột rúc rích tức thì đúng là giờ Tý canh Ba không sai sót một ly ông cụ nào. Gần một trăm năm Pháp thuộc, ngoài canh và khắc truyền thống thì bà con ta lại có thêm một cách để biết giờ, cứ sáng khoảng 5 giờ thì đồn lính Tây lại có kèn (gọi là kèn la vầy) thầy cai kèn thổi như sau: “Con Bò kéo xe, Con bò xe kéo…”. Bà con nghe là biết ngay giờ báo thức, gọi lính Khố Xanh dậy tập thể dục (tắm rửa và ăn sáng) đến khoảng 5 giờ chiều lại có hồi kèn: “Cho lính ta về, cho lính ta ăn…”.

Công cụ tính thời gian của người Á Đông thời xưa

Khuê biểu (dụng cụ đo bóng nắng)

Được tạo thành từ một thước đồng nằm ngang – “khuê” và một thanh đồng thẳng đứng – “biểu”. Đặt biểu vuông góc với “khuê”, để đo độ dài của bóng mặt trời. Như vậy, không những có thể đoán được thời gian, mà còn có thể dựa theo độ dài bóng ánh mặt trời buổi sáng để biết được tiết khí bốn mùa.

Nhật quỹ (đồng hồ mặt trời)

Nhật quỹ cũng gọi là “nhật quy”, là dụng cụ thông qua quan sát bóng ánh mặt trời để định thời gian. Được tạo thành từ một chiếc kim quỹ và đĩa bàn, trên đĩa khắc 24 khắc đều nhau, kim quỹ đặt vuông góc ở chính giữa đĩa bàn. Căn cứ theo bóng kim của kim quỹ chỉ vào các khắc, có thể biết được thời gian.

Lâu khắc (đồng hồ nước)

Đồng hồ nước là công cụ dựa vào lượng nước nhiều hay ít để phán đoán thời gian, có thể đo thời gian trong mọi thời tiết, vì vậy có thể bổ sung cho khiếm khuyết của nhật quỹ. Đây là công cụ đo thời gian được người Trung Hoa cổ xưa rất coi trọng.

Lâu khắc được chia làm hai bộ phận là bầu nhỏ nước và bầu hứng nước. Bầu nhỏ nước chia làm 2 đến 4 tầng, mỗi tầng đều có lỗ nhỏ, có thể nhỏ nước, nước nhỏ cuối cùng chảy vào bầu hứng nước, trong bầu hứng nước có mũi tên thẳng đứng, trên mũi tên có 100 khắc, mực nước từ từ dâng lên, hiện ra con số khắc để hiển thị thời gian.

Một ngày đêm 24 giờ đồng hồ chia làm 100 khắc, tương đương với 1440 phút hiện giờ. Có thể thấy là mỗi khắc sẽ tương ứng với 14,4 phút hiện nay.

Tuần trà, tuần hương

Cái gọi là “một tuần trà”, có nghĩa là thời gian để uống hết một tách trà, ước tính vào khoảng từ 10 đến 15 phút hiện nay, đương nhiên đây không phải là cách tính toán hoàn toàn chính xác. Còn “một tuần hương”, đại khái tương đương một giờ đồng hồ.

THEO DANVIET