Nằm tại số 179 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, thành phố Huế, cung An Định còn có tên là phủ An Định. Công trình nguy nga, tráng lệ này được xây vào năm 1902, trở thành nơi ở riêng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sau là vua Khải Định. Nhà hát Cửu Tư Đài là một trong những công trình nổi bật nằm trong khuôn viên cung An Định.
Cửu Tư Đài được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Với diện tích hơn 1.200m2, nhà hát Cửu Tư Đài gồm 2 tầng với sức chứa 500 người.
Hệ thống sân khấu nằm ở giữa tầng 1, khán đài được thiết kế ở cả hai tầng phía xung quanh sân khấu.
Trong khi đó, khán đài danh dự nằm ở tầng 2 dành riêng cho vua và hoàng thân quốc thích, các đại thần, các khách mời danh dự...
Kiến trúc của nhà hát Cửu Tư Đài mang phong cách kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong khi đó, nội thất của Cửu Tư Đài giống lăng Khải Định với cách trang trí đắp nổi bằng nghệ thuật ghép sành sứ.
Chính diện của Cửu Tư Đài hướng về phía Bắc trong khi phía sau nhà hát thông với lầu Khải Tường.
Nhà hát Cửu Tư Đài là nơi các hoàng đế Khải Định, Bảo Đại dùng để tổ chức các buổi Quốc yến tiếp đón xứ thần các nước và nhà ngoại giao Pháp...
Các hoạt động biểu diễn chủ yếu tại nhà hát Cửu Tư Đài là: nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương hoặc các sự kiện ngoại giao/giao lưu văn hóa quan trọng.
Vào năm 1947, theo lệnh Tiêu thổ kháng chiến, Cửu Tư Đài bị phá hủy. Hiện công trình chỉ còn lại nền móng là bãi cỏ lớn phía sau lầu Khải Tường như ngày nay.
PV (Theo Kiến Thức)