Nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn có thỏa đáng không?

 Điểm trùng hợp then chốt là việc ông nội của Trần Thái Tông lại có tên là Lý nên có cớ quá tiện để ép người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Không chỉ người họ Lý khi đó phải đổi họ mà truy ngược lên cả các vua Lý trước đây hay thậm chí danh tướng Thường Kiệt cũng phải đổi họ.

Nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn có thỏa đáng không? - Ảnh 1.

Lý Thường Kiệt bị đổi thành Nguyễn Thường Kiệt vào đời Trần.

Nhà Lý là triều đại có 200 năm trong lịch sử dân tộc với nhiều danh nhân kiệt xuất mà nay còn lưu trên tên đường phố. Thế nhưng, hậu nhân nhà Lý hiện nay khá ít. Nguyên nhân là khi nhà Trần mới lên thay đã dùng luật để ép người họ Lý phải đổi sang họ khác. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Tháng 4, mùa hạ (1232). Ban chữ huý về tiên tổ nhà vua thờ ở các miếu cho trong kinh đô và ngoài các lộ đều biết", đồng thời bình luận: "Ông tổ nhà vua tên huý là Lý, vì thế đổi họ Lý làm họ Nguyễn, lại có ý dập tắt hẳn lòng dân còn tưởng nhớ đến họ Lý".

Vậy nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn thì có thỏa đáng hay không?

Trước hết nói về cái lý của việc cải họ do kỵ húy. Đây không phải phát minh của nhà Trần mà do ảnh hưởng từ văn hóa thời phong kiến bên Trung Quốc. Kỵ húy tên người thân vốn bắt đầu hình thành từ nhà Chu (Tả truyện thời Tề Hoàn công chép: Người đời Chu thờ người quá cố bằng tên húy, còn gọi lúc sinh thời, lúc chết giấu đi). Sau được Khổng Tử nâng cao quan điểm trong kinh Xuân Thu khi "không chép tên bậc tôn trưởng, không chép tên cha mẹ, không chép tên người thường".

Đến thời Tần (306-255TCN) thì Tần Thủy Hoàng bắt đầu quan tâm việc kiêng húy tên vua. Tần Thủy Hoàng vốn họ Doanh tên húy là Chính nên cấm dùng chữ Chính mà đổi mọi chữ Chính thành từ đồng nghĩa là Đoan. Và sợ người đời đề cập đến người cha Tử Sở của mình nên Tần Thủy Hoàng cũng cấm luôn từ Sở mà đổi thành từ Kinh. Các đời sau tiếp nối nhà Tần nên theo sẵn truyền thống quản chặt việc cấm tên húy của vua rồi nâng tầm phát triển mở rộng. Sau khi Lưu Bang lập nhà Hán (206TCN - 220) thì kiêng dùng chữ Bang mà đổi thành Quốc, Lữ hậu kiêng chữ Trĩ, Hán Văn Đế Lưu Hằng kiêng dùng chữ Hằng nên đổi thành chữ Thường... Tuy nhiên, thời Tần hay Hán thì việc kiêng húy cũng chỉ dùng cho các vua đương triều hay cùng lắm là truy về một đời như Tần Thủy Hoàng. Đến thời Tấn (265-420) thì lệ kỵ húy nghiêm ngặt hơn với các định lệ phức tạp hơn khi kỵ húy đến 7 đời. Các triều đại sau có quy định khác nhau về kỵ húy nhưng theo xu hướng thêm nhiều hơn bớt.

Khoảng thời gian nhà Trần thay ngôi nhà Lý thì bên Trung Quốc khi đó đang là nhà Tống vốn rất nghiêm ngặt việc kị húy. Sách Dung trai tam bút viết: "Phong tục bản triều sùng chuộng văn học, cho nên lễ quan mỗi khi bàn luận về chữ húy lại muốn tăng thêm, các miếu húy bèn lên đến hơn 50 chữ. Sĩ tử làm bài thi gặp chữ còn ngờ thì không dám dùng. Quyển thi nào phạm húy thì đều bị ngầm đánh hỏng".

Việc nhà Trần áp dụng việc kỵ húy có vẻ bị ảnh hưởng từ nhà Tống? Thực tế thì không chỉ nhà Trần mà cả các triều Liêu, Kim rồi Mông Cổ sau khi thôn tính nhà Tống cũng lại đi theo trào lưu kỵ húy cho dù người Liêu, Kim hay Mông trước đó đều chưa có chữ viết trong khi ngôn ngữ là đa âm tiết chứ không phải đơn tiết như người Hán.

Tại sao họ lại chạy theo phong trào kỵ húy thế? Các nhà Liêu, Kim, Mông đều thích lễ nghi, tiết chế mà người Hán tạo sẵn vốn đặc biệt coi trọng người lãnh đạo, tức là vua. Họ rập khuôn theo nhiều điều trong tiết chế của người Hán khi đặt nền cai trị lên người Hán và áp dụng luôn kỵ húy với tên nhà vua. Đặt trong bối cảnh lịch sử của nhà Trần khi đó thì việc học theo các triều đại phương Bắc các nghi lễ đã được nhào nặn nhiều đời, trong đó có việc kị húy tên vua nhà Trần có vẻ rất hợp lý.

Tuy nhiên, điều không thỏa đáng ở đây nằm ở chỗ trước nhà Trần, các triều đại trước ở nước ta không nhắc gì đến việc kỵ húy cả. Trong cuốn "Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại" của nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ có ghi lại việc khảo cứu về kị húy nước ta thời xưa. Theo đó, đời Đinh - Tiền Lê thì trên các cột kinh đã được phát hiện tại vùng cố đô Hoa Lư, không thấy các chữ viết kiêng húy. Còn đời Lý, trong số 9 đơn vị kim thạch văn (8 văn bia hiện có bản dập lưu ở viện Hán Nôm và 1 chuông ở Bảo tàng lịch sử VN) có 5 đơn vị ghi tên 3 chữ húy của 3 vua đời Lý là: 1 chữ Uẩn (Thái Tổ Lý Công Uẩn), 2 chữ Tôn (Thánh Tông Lý Nhật Tôn), 5 chữ Đức (Nhân Tông Lý Càn Đức). Các chữ đó đều được viết bình thường tức là đủ nét, không cần viết nhô lên cao hay theo kiểu đặc biệt gì cả. Từ kết quả đó, nhóm khảo sát khẳng định: từ đời Lý trở về trước, nước ta chưa có định lệ kiêng húy về chữ viết.

Nhà Trần là triều đại đầu tiên bắt đầu tham gia cuộc chơi kỵ húy nhưng có lẽ không phải vì muốn học theo nhà Tống mà coi đó như thủ thuật chính trị để cho họ Lý rơi vào quên lãng. Điểm trùng hợp then chốt là việc ông nội của Trần Thái Tông lại có tên là Lý nên có cớ quá tiện để ép người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Không chỉ người họ Lý khi đó phải đổi họ mà truy ngược lên cả các vua Lý trước đây hay thậm chí danh tướng Thường Kiệt cũng phải đổi họ. Trong Đại Việt sử lược viết vào thời Trần thì triều Lý viết là triều Nguyễn, vua Lý là vua Nguyễn. Ví dụ: "Vua Thái Tổ tên húy là Uẩn, họ Nguyễn người ở Cổ Pháp thuộc Bắc Giang" hay "Mùa hạ, tháng 4, Nguyên soái Nguyễn Thường Kiệt bắt được Đệ Củ ở biên giới Chân Lạp" (Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô được vua Lý ban cho quốc tính rồi sang thời Trần thì "được" đổi thành họ Nguyễn).

Vậy tại sao nhà Trần đã kị húy họ Lý chặt như vậy mà về sau vẫn có tướng mang họ Lý phục vụ cho nhà Trần (theo lời của sử gia Ngô Sĩ Liên) hay việc có trạng nguyên Lý Đạo Tái thời Trần Thánh Tông? Có thể tin rằng việc kỵ húy chữ Lý chỉ được làm chặt trong thời gian đầu khi nhà Trần chưa có chỗ đứng vững chắc trong lúc vẫn sợ nhân tâm hướng về họ Lý, sợ rằng trong dân có ai mang họ Lý nổi lên thì nhiều phiền toái.

Nhưng về sau thì nhà Trần đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân, nhất là sau 3 đời Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông lãnh đạo quân dân cả nước 3 lần đánh tan quân xâm lược nhà Nguyên. Khi đó thì việc kỵ húy chữ Lý không còn bị quản chặt nữa. Thậm chí, Trần Anh Tông còn dùng việc kỵ húy để tôn vinh họ Lý cũng là họ ngoại của vua Trần vì Trần Thánh Tông là con của Thuận Thiên công chúa hay chính xác thì Trần Thánh Tông chính là cháu ngoại của Lý Huệ Tông. Tháng 9.1304, Trần Anh Tông ra chiếu cấm viết 8 chữ miếu húy nhà Lý: Uẩn (Lý Công Uẩn), Mã (Lý Phật Mã), Tôn (Lý Nhật Tôn), Đức (Lý Càn Đức), Hoán (Thần Tông Lý Dương Hoán), Tộ (Anh Tông Lý Thiên Tộ), Cán (Cao Tông Lý Long Cán), Sảm (Huệ Tông Lý Hạo Sảm).

Trong các đời vua Trần thì Trần Anh Tông là người tích cực nhất trong việc ban chữ kỵ húy. Trong 8 điều lệnh kiêng húy nhà Trần còn được chép lại thì có đến 5 lệnh kiêng húy do Trần Anh Tông ban. Vua Trần Anh Tông cũng là người dùng việc kị húy để tôn vinh một nhân vật gây tranh cãi trong họ Trần là Trần Liễu. Tuy Trần Liễu từng bị thất thế sau vụ nổi loạn ở sông Cái nhưng Trần Anh Tông cũng là hậu duệ trực tiếp của ông (bà nội của Trần Anh Tông hay mẹ của Trần Nhân Tông chính là con gái của Trần Liễu). Vua Trần Anh Tông còn ban lệnh cấm tên húy của cả các thái hậu đời trước rồi cha vợ (Trần Quốc Tảng).

Sử chép: Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 [1294], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc húy: chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng; của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý; các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.

Kỷ Hợi, [Hưng Long] năm thứ 7 [1299], (Nguyên Đại Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên húy là Liễu, Thiện Đạo tên húy là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng. Các các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn phải viết bớt nét.

THEO DANVIET