Liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930 tại làng Vân Mạc, xã Quang Trung, huyện Ân Thi, nay là thôn Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng, nhà có 7 anh chị em, chị là con thứ 5. Bố mất khi chị còn nhỏ, do nhà nghèo nên từ khi 9 tuổi chị đã phải đi làm con nuôi - thực chất là con ở trừ nợ cho gia đình địa chủ trong làng. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, được chia ruộng đất, chị được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại sẵn có lòng yêu nước và tính cần cù, chị giác ngộ cách mạng từ rất sớm, bốn anh trai và chị lần lượt tham gia hoạt động cách mạng, hai anh Trần Đình Cương và Trần Đình Kỷ là bộ đội, anh Trần Đình Vĩ là xã đội phó và người dẫn dắt Chị đến với cách mạng chính là người anh trai cả, cụ Trần Đình Bình (tức Bình Tích), một lão thành cách mạng, nguyên là Bí thư huyện ủy huyện Ân Thi lúc bấy giờ. Chị tích cực học bình dân học vụ và hăng hái tham gia sinh hoạt đoàn thể ở địa phương như: thanh niên, phụ nữ và làm công tác dân vận, chị làm công tác dân vận rất tốt. Được các đồng chí đảng viên tin tưởng giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách, nên mọi nhiệm vụ được giao, dù bất kỳ hoàn cảnh nào chị đều hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 1947 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam- là nữ Đảng viên trẻ nhất xã, làm cán bộ phụ nữ xã, rồi làm cán sự Hội Phụ nữ huyện Ân thi.
Những năm 1947, 1948 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng cam go ác liệt, địch ra sức khủng bố, đàn áp phong trào Cách mạng ở địa phương, nhiều nơi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Những ngày tháng đó, Ân Thi là một huyện “nóng” của tỉnh Hưng Yên, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở hầu hết các xã trọng điểm, xã Quang Trung có 12 thôn thì có 4 thôn lập tề. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ số 5. Tên Nguyễn Doãn Súy làm xếp bốt, Nguyễn Doãn Tín và Nguyễn Doãn Nhi (anh em vợ Súy), đều làm việc ở phòng nhì, chúng là địa chủ gian ác rất nguy hiểm cho cách mạng, chúng sử dụng nhiều tên Việt gian thu thập tin tức, lùng bắt cán bộ ta, bắt nhân dân phải quy hàng để phục dịch cho bộ máy cai trị của chúng.
Thực hiện đường lối của Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên chủ trương bằng mọi cách phải giữ vững phong trào ở cơ sở, tăng cường cán bộ, giữ đất, giữ làng, tích cực phát triển lực lượng làm thất bại âm mưu bình định của địch, tổ chức lực lượng phá tề, trừ gian, đặc biệt tập trung tiêu diệt những tên Việt gian phản động nguy hiểm. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Ân Thi đã chủ trương phá tề, tiêu diệt bọn phản động và những tên đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân. Chủ trương của Công an tỉnh là chuyển hướng hoạt động từ “bao vây kinh tế địch” sang “nắm địch tình”, phát triển nhân mối trong quần chúng.
Huyện ủy Ân Thi giao nhiệm vụ cho chị Cúc làm công tác địch vận, cử chị đi học lớp bồi dưỡng ngắn ngày ở Hải Dương do ngành Công an huấn luyện. Tháng 12/1949 chị Cúc trở thành cán bộ Công an, được phân công về đội công tác của Công an huyện, làm nhiệm vụ công tác phản gián và địch vận, nắm tình hình, thu thập tin tức, hoạt động của địch trong vùng, với vỏ bọc là cán bộ cầu an, thoái hóa biến chất, buôn bán làm giàu. Ngày ấy, vốn là một cô thôn nữ xinh đẹp, cởi mở, ăn nói có duyên, để thực hiện thành công nhiệm vụ của một nữ chiến sỹ điệp báo, tạo vỏ bọc hoạt động hợp pháp, tổ chức cấp cho chị một số vốn làm nghề buôn bán nhỏ. Nhân dân trong làng, xã và gia đình nghi ngờ chị cầu an, bỏ nhiệm vụ. Đau khổ, nhịn nhục trước những dị nghị và cả những lời nhục mạ của dân làng, chị âm thầm nén lại và vượt lên chính mình vì nhiệm vụ lớn lao mà Đảng và tổ chức giao phó. Hàng ngày với gánh muối trên vai, chị mang bán ở chợ gần bốt Cảnh Lâm thuộc xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ để tìm cách làm quen với lính bốt và thu thập tin tức, tình hình địch báo cáo về chỉ huy. Sau một thời gian ngắn, nhờ sự khôn khéo, gan dạ và tính nết dịu dàng, thùy mị, cộng với sắc đẹp, chị đã tiếp cận làm quen với một số binh lính và sếp phòng nhì Nguyễn Doãn Nhi. Đây là tên sếp bốt khét tiếng trong vùng, đã gây nhiều tội ác với nhân dân, làm tổn thất lớn cho các cơ sở cách mạng trong vùng, làm cho một số cán bộ đảng viên của ta bị sa vào tay giặc. Vì nhiệm vụ cấp trên giao, chị đành nén tình riêng để thực hiện kế hoạch “mỹ nhân kế” đối với địch. Nhờ sự thông minh và xinh đẹp, Bùi Thị Cúc đã khiến tên Nguyễn Doãn Nhi hạ quyết tâm bằng mọi cách sẽ lấy bằng được chị làm vợ. Sau khi tạo được vỏ bọc và được tên Nhi tin cậy, chị Cúc đã khéo léo đưa đồng đội (anh Đệ- chính là người yêu của chị) vào hàng ngũ của địch để hoạt động. Qua một số việc làm, các cơ sở của ta đã chiếm được lòng tin của tên Nhi, cho nên những tin tức quan trọng của địch trong vùng đều bị ta nắm được và kịp thời có chủ trương đối phó.
Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của tổ chức Công an, chị Cúc mời tên Nhi đến nhà chị bàn chuyện, lực lượng của ta được bố trí sẵn, chờ tên Nhi đến là ra tay tiêu diệt. Quen như những lần trước đây, sáng ngày 12/5/1950, tên Nhi ăn mặc bảnh bao, hào hứng đến nhà ông Ba (chú ruột chị) ở thôn Vân Mạc. Khi tên Nhi đến, theo kế hoạch, chị Cúc đi gọi anh Đệ, cụ Ba đang sang hàng xóm xin chè, anh Đệ đến và vào nhà trước để nói chuyện, bất ngờ anh Đệ ôm ghì lấy tên Nhi, còn anh Mỡ từ phía sau lao lên đoạt khẩu súng và lấy dao đâm nó luôn mấy nhát. Vốn to khỏe, nên tuy bị thương nặng, tên Nhi vẫn vùng khỏi tay hai anh và bỏ chạy ra cổng, nhưng vừa ra đến cổng thì bị cụ Ba ngăn lại. Liền sau đó, anh Đệ và anh Mỡ kịp thời túm được và kết liễu đời hắn. Tên Nhi đã phải đền tội, ta thu được 01 súng ngắn, 01 cặp tài liệu và rút ra căn cứ, an toàn. Xác tên Nhi được kéo ra ruộng khoai mới giỡ ở gần đó, vùi vội xuống.
Bị mất tên quan ba, ngay chiều hôm đó, thằng Tín- em trai Nhi, cho lính vây ráp, càn quét thôn Vân Mạc và các thôn lân cận, chúng bắt đi hơn 40 người, trong đó có một số là Đảng viên về giam dưới hầm, không cho ăn uống, chúng đã đánh đập, tra khảo rất dã man hòng tìm ra người đã giết tên Nhi.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị Cúc tạm lánh về thôn Yến Đô (thôn bên cạnh) để chờ rút về khu an toàn, nhưng do bị chỉ điểm nên vào lúc gần tối chị đã bị bắt. Chúng đem chị về giam ở bốt Cống Tráng, bọn thằng Tín điên cuồng dùng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ, hăm dọa chị không khác thời trung cổ, chúng vừa đánh vừa hỏi: “đứa nào giết ông Nhi”. Nhưng chúng đã không thể khuất phục được người con gái 20 tuổi, với thân hình mảnh dẻ nhưng ý chí kiên cường, chị giữ vững khí tiết của người Đảng viên Cộng sản, trước sau chị một mực trả lời: “không biết”.
Sáng hôm sau, chúng tìm được xác tên Nhi ở ruộng khoai. Khi đó, chúng đem chị từ Cống Tráng về giam ở bốt Cảnh Lâm và tiếp tục áp dụng những đòn tra tấn vô nhân đạo gấp bội. Chúng dùng dao sắc rạch người chị theo hình quả trám làm khắp người chị rỉ máu đỏ lòm. Khi biết chúng đã tìm được xác tên Nhi và hơn 40 người dân Vân Mạc đang bị chúng giam giữ, đánh đập, cứ mỗi lần bị tra tấn và hỏi ai đã giết tên Nhi, chị cứng cỏi nhận: “chính tao giết nó để trừng trị tên phản bội”, “chỉ một mình tao hành động!”. Chúng liên tiếp tra hỏi nhưng trước sau chị chỉ một mực trả lời như thế.
Trong những ngày gia đình thằng Tín chuẩn bị chôn cất tên Nhi, chúng đem trói chị Cúc vào một gốc cây ở ngõ, anh em, mẹ tên Nhi mỗi lần đi qua lại nơi đó đều đấm, đá, tát, cầm liềm, cầm dao xỉa và rạch vào người chị. Dã man hơn, thằng Tín chí mũi dao, rạch một đường dọc bầu vú Cúc. Đến tối, sợ du kích phá bốt cứu Cúc, chúng lại đem chị lên Cống Tráng, tra tấn đến chết đi sống lại... Sau những trận đòn thù khốc liệt, chị yếu hẳn, nói khàn khàn không thành tiếng nữa. Trên người chị lúc bấy gì chỉ còn lại một manh quần rách tả tơi, bê bết máu, mái tóc dài đen như mun đã bị cắt gọt nham nhở, bết dày máu khô. Chị nói với anh em bị giam chung một nơi: “Tôi nhận cả về tôi rồi, đừng ai khai gì cả”. Chị lại dặn các đồng chí đảng viên có mặt “Thế nào nó cũng giết tôi. Dù chết tôi cũng không khai ai cả, các đồng chí cứ yên tâm. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Có gặp mẹ tôi, nhờ các đồng chí động viên cụ giúp tôi”. Không khai thác được gì từ chị Cúc, chúng tha hầu hết bà con làng Vân Mạc, chỉ giữ lại chị và mấy người.
Bất lực trước sự hiên ngang và ý chí kiên cường của chị, sáng ngày 15/5/1950 (tức ngày 29/3 âm lịch), giữa phiên chợ Cảnh Lâm, bọn lính kéo đến, chia nhau gác cổng chợ và càn mọi người ra chân đê, lúc đó mọi người mới biết là sắp phải chứng kiến cảnh chúng hành hình chị Cúc. Đám đông đang ồn ào xô dẩy chợt lặng đi, bọn lính dẫn chị Cúc từ bốt Cống Tráng đến. Chị đị trước, đầu tóc rũ rượi, trên người chỉ còn chiếc quần rách nát. Tuy mặt mũi tím bầm, sưng húp, lưng và ngực bị rạch ngang dọc, máu bê bết, nhưng đôi mắt chị vẫn sáng long lanh và dáng đi kiêu hãnh, bình thản một cách lạ thường. Chúng trói quặt hai tay chị ra sau lưng, vừa đi chúng vừa xỉa dao vào lưng chị, vừa thúc dục và chửi rủa. Chúng cố tình giở trò man rợ ấy để khủng bố dân chúng. Đi sau chị là thằng Tín và bọn tay sai. Cứ thế, chúng dong chị Cúc theo dọc đê đến nơi chúng hành hình. Ở đây, chúng đào 1 hố sâu 2m, đóng 2 chiếc cọc tre, sau đó giăng 2 tay chị vào 2 cọc, treo chị lơ lửng trên miệng hố như hình Giê-su chịu nạn. Cuộc hành hình man rợ trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân trong vùng hòng làm lung lạc ý chí của Đảng viên và nhân dân ta.
Đầu tiên, thằng Tín cầm con mã tấu dài đến sát miệng hố dí vào mặt chị Cúc, hét lớn: “Cúc, ai giết anh tao?”, “tao giết!”. Thanh mã tấu giơ lên, nó phạt luôn hai bầu vú chị hất xuống hố, máu đỏ lòm khoang ngực. Chị đưa mắt nhìn về phía nhân dân (những người bị chúng lùa đến để bắt buộc phải chứng kiến cuộc hành hình nhằm khủng bố tinh thần dân chúng, đồng thời cũng là những người thay mặt nhân dân trong vùng tiễn biệt chị), với cặp mắt ngời khí sắc, như muốn nhắc nhở những người dân, hãy hiên ngang không lùi bước. Chị cố gắng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Thấy thế, chúng điên cuồng, một thằng túm tóc giật ngửa đầu chị về phía sau, thằng Tín cầm dao đâm mạnh vào cổ chị vừa hét to: “tao giết mày như mày đã giết anh tao”. Mọi người rùng mình khiếp hãi. Những la ó, gào thét phần nộ nổi lên. Dòng máu đỏ theo lưỡi dao phụt mạnh vào mặt nó. Nổi xung, nó giật lấy cái mã tấu của thằng lính đứng cạnh, hằn học đâm liên tiếp vào chị rồi vung tay chặt đứt lìa hai tay chị Cúc, chị rơi tụt xuống hố. Tên quan ba Pháp run run tay làm dấu thánh giá trước khi bước lên, đưa mũi súng ngắn bắn vào đầu chị. Hai tên khác cắt rời hai tay chị ra khỏi cọc tre, gạt xuống hố, lấp đất.
Chị Cúc đã hiên ngang, kiên cường, anh dũng hy sinh, thể hiện phẩm chất cao quý của người Đảng viên Cộng sản, người chiến sỹ Công an Cách mạng, người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Gương chiến đấu, hy sinh của nữ chiến sỹ CAND Bùi Thị Cúc đã được đồng bào, đồng chí vô cùng cảm phục, nén đau thương, căm phẫn và uất ức chờ ngày trả thù cho Chị - người con gái tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, với nước.
Tinh thần hi sinh và hành động dũng cảm của chị Cúc đã vang xa trên khắp đất nước, được Hồ Chủ tịch theo dõi sát, thăm hỏi điạ phương và gia đình. Ghi nhận công lao và sự hy sinh anh dũng của người Cộng sản trẻ tuổi, người chiến sỹ Công an cách mạng, ngày 15/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77/SL truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương độc lập hạng III và 6 chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Ngày 03 tháng 8 năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã tuyên dương và Chủ tịch nước ký Quyết định số 499-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sỹ Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan).
Để đời đời mãi nhớ ơn người nữ Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân, năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua Ái quốc, 50 năm có Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Bộ Công an đã đúc 2 tượng liệt sỹ Bùi Thị Cúc bằng đồng, một bức được đặt trang trọng tại bảo tàng CAND Việt Nam, một bức trao tặng cho Công an Hưng Yên, được trang trọng đặt tại đại sảnh, trước mặt Hội trường lớn, trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Hưng Yên, số 6, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai- thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Năm 2013, lãnh đạo Công an tỉnh đã đầu tư xây dựng mới đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc, đặt trang trọng ngay trong khuôn viên vườn hoa trụ sở Công an tỉnh. Tháng 5/2016, Hội phụ nữ Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phát động và được toàn thể lãnh đạo, CBCS Công an toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp kinh phí, dựng tượng bán thân nữ anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc tặng gia đình, tu sửa cung thờ tại gia đình, sơn sửa nghĩa trang liệt sỹ xã Vân Du- nơi có mộ phần nữ AHLS CAND Bùi Thị Cúc và trang trọng tổ chức lễ khánh thành, dâng hương tri ân vào đúng dịp 27/7/2016.
Đã trở thành truyền thống, hàng năm, vào những dịp lễ, tết hoặc khi tổ chức các sự kiện, Hội nghị của Công an tỉnh, lãnh đạo cùng cán bộ chiến sỹ Công an Hưng Yên đều thực hiện nghi lễ dâng hương, hoa và báo công trước anh linh Anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc. Nơi thờ Anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc tại gia đình và nghĩa trang xã Vân Du, huyện Ân Thi cũng đã trở thành địa chỉ đỏ để các tập thể, cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an tỉnh tổ chức về nguồn, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với lớp lớp cán bộ hôm nay.
Nơi thờ nữ anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc tại Công an tỉnh Hưng Yên
Tự hào và tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc, của quê hương cũng như gương chiến đấu kiên cường, bất khuất, anh dũng hy sinh của nữ Anh hùng liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc, các thế hệ lãnh đạo và CBCS Công an tỉnh Hưng Yên nói chung, các thế hệ nữ CBCS Công an Hưng Yên nói riêng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, trình độ, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng mà các thế hệ cha anh đã để lại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, xây dựng quê hương Hưng Yên nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu mạnh, văn minh./.
Đại tá PHẠM THẾ TÙNG - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên