Phan Đình Giót - Người Anh Hùng Lấp Lỗ Châu Mai

Ngày 7 tháng 5 năm 1954 – ngày lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm Đờ cát, quân và dân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, tin vui ấy nhanh chóng truyền đến với đồng bào cả nước, đến với phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Giơ ne vơ và đến bạn bè khắp năm châu. Cuộc chiến đấu liên tục trong suốt 55 ngày đêm trên chiến trường Điện Biên Phủ đã kết thúc và chiến thắng chính nghĩa đã về tay dân tộc Việt Nam. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công vui sướng bước ra khỏi chiến hào, đứng trên công sự, giơ cao súng, mũ reo hò vang dội…

Cũng trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ ưu tú đã không quản khó khăn gian khổ, sẵn sàng dấn thân vào chiến trường ác liệt, cùng đồng đội sát cánh bên nhau chiến đấu thậm chí lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên tiêu diệt kẻ thù giành lại độc lập, tự do cho quê hương đất nước, người anh hùng tôi muốn kể đến là Phan Đình Giót - Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phan Đình Giót sinh năm 1922, tại làng Vĩnh Yên (nay là thôn 8), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo. Bố ông bị chết vì đói. Ông phải sống cuộc đời đi ở, làm thuê từ năm 13 tuổi. Cách mạng tháng Tám thành công, Phan Đình Giót tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950, Phan Đình Giót xung phong đi bộ đội chủ lực. Sống trong quân ngũ, Phan Đình Giót luôn luôn tự giác, gương mẫu về mọi mặt, hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng đội, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn nên anh luôn được đồng đội mến phục, tin yêu.

Trong cuộc đời chiến đấu của Phan Đình Giót, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Trận đánh nào ông cũng nêu cao tinh thần quả cảm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình chiến đấu tuy hai lần bị thương nặng, nhưng anh cố nén nỗi đau tiếp tục chiến đấu. Trong lần tham gia chiến dịch Đường 18 trong trận đánh đồn Tràng Bạch, cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt. Tiêu diệt xong lô cốt Phan Đình Giót bị thương nặng, cấp trên cho lui ra phía sau, nhưng ông vẫn xin ở lại, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc. Trong trận đánh tiêu diệt vị trí Chùa Tiếng (cuối năm 1950), trong khi bí mật cắt hàng rào, xung kích tranh thủ đào công sự, địch phát hiện gọi pháo bắn tới và trong cứ điểm bắn ra. Phan Đình Giót bò lên đặt bộc phá đánh lô cốt số một. Lô cốt bị thủng, ông liền ném lựu đạn vào đó tiêu diệt toàn bộ quân địch, tạo điều kiện cho đơn vị đánh thắng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo, dốc, mang vác nặng, chân ông bị nứt nẻ, đau buốt, rướm máu nhưng ông vẫn cố gắng tiếp tục đi. Không chỉ vậy, trong quân ngũ ông còn lo từng giấc ngủ, bát canh cho anh em. Mỗi khi đồng đội có khuyết điểm, ông nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ, khiến anh em đồng đội cảm động và nhận ra lỗi. Trong đơn vị ông được xem là anh cả.

Mùa đông năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng ông vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích.

Chiều ngày 13/3/1954, Trung đoàn 141 Đại đoàn 312 được lệnh nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đại đoàn của Phan Đình Giót triển khai đội hình chiến đấu từ 15 giờ. Anh em truyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Đến giờ bắn pháo, anh em rút ra khỏi rừng, cùng với sự chi viện của pháo binh, pháo cao xạ ta lần đầu xuất trận đã tạo nên không khí hào hùng chưa từng có kể từ ngày thành lập quân đội. Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa. Bộ đội bị thương vong nhiều.

Thấy hỏa điểm địch bắn chặn đồng đội, Phan Đình Giót dùng quả lựu đạn cuối cùng đánh hỏa điểm. Địch ngừng bắn, xung kích ta tiến lên thì hỏa điểm lại khôi phục. ông dùng tiểu liên đưa vào trong lô cốt bắn một băng. Lúc này ông bị thương lần thứ ba vào vai, máu chảy đầm đìa, ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy đồng đội bị chặn lại bởi một hỏa điểm đột nhiên xuất hiện. Hai chiến sĩ đặt trung liên tìm cách dập tắt nhưng bị địch bắn bị thương,… tình hình căng thẳng, hỏa điểm của địch chưa bị dập tắt thì máu của đồng đội tiếp tục phải đổ. Cán bộ trung đội bị thương vong hết, Phan Đình Giót tự đảm nhiệm vài trò chỉ huy trung đội, ông trừng trừng vào hỏa điểm địch rồi anh ép người sát mặt đất, bò nhích lên từng tí thận trọng gần đến lỗ châu mai, với ý nghĩ cháy bỏng, duy nhất là phải dập tắt ngay nó. Anh dùng hết sức mình còn lại nâng khẩu tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai. Hết đạn, anh thay băng khác tiếp tục bắn. Nhưng khi xung kích xung phong lên thì hỏa điểm địch vẫn bắn ra ác liệt. Mọi người thấy ông đứng lên ngồi xuống bên lỗ châu mai địch. Ông rướn người lên, lấy đà, tay bám chắc vào những thân cây gỗ phía trên lỗ châu mai rồi xoay người thật nhanh lại, áp lồng ngực vào lỗ châu mai địch, hỏa điểm lợi hại nhất của địch đã bị dập tắt. Quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h30p ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì. Phan Đình Giót là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mộ Phan Đình Giót tại nghĩa trang A1 thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Ngày nay trên đất Hà Tĩnh, để tưởng nhớ đến chiến công và sự hy sinh của ông, lãnh đạo địa phương đã lấy tên ông để đặt tên cho những con đường và các ngôi trường trên địa bàn tỉnh.

Phan Đình Giót - ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng những gì ông cống hiến và hy sinh cho quê hương sẽ còn ghi mãi vào sử sách vào tâm khảm của bao lớp người còn sống, tấm gương của ông về lớp đàn anh, người chỉ huy dũng cảm, kiên trung, luôn luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội, bền gan, bền chí, không lùi bước trước mọi gian khổ hiểm nguy, giành lấy khó khăn về mình để đồng đội tiếp tục bước tiếp, một tấm gương sáng ngời về nghị lực phi thường, tình yêu quê hương sâu sắc, căm thù giặc quyết tâm giữ vững tay súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi xin được tri ân người anh hùng Phan Đình Giót – người con ưu tú của đất Hà Tĩnh, tên tuổi của ông cũng như những chiến công của ông không bao giờ quên lãng trong tâm trí của những người ở lại.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Anh hùng Điện Biên Phủ / Lê Hải Triều. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. - 177 tr. : hình ảnh ; 19 cm.

 

2. Chuyện những người làm nên lịch sử : Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 / b.s.: Đào Thanh Huyền, Phạm Thùy Hương, Phạm Hoàng Nam. - H. : Chính trị quốc gia , 2009. -239 tr : ảnh ; 28 cm.