B-52 Stratofortress là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, có tốc độ cận âm, sử dụng 8 động cơ phản lực. Pháo đài bay B-52 được thiết kế và chế tạo bởi hãng hàng không Boeing và được biên chế cho lực lượng Không quân chiến lược Mỹ từ giữa thập niên 1950.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang vũ khí lên đến 32.000 kg và có phạm vi chiến đấu 14.080 km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Khi mới ra đời, B-52 chuyên dùng ném bom hạt nhân; nhưng sau khi Mỹ xâm lược Việt Nam, B-52 được dùng ném bom chiến thuật.
Ngày 18/6/1965, tốp máy bay ném bom B-52 đầu tiên của Mỹ ném bom lãnh thổ Việt Nam tại Bến Cát, tây bắc Sài Gòn. Gần 10 tháng sau, ngày 12/4/1966, Mỹ mở màn chiến dịch đưa B-52 ra đánh phá Bắc Việt Nam bằng trận ném bom rải thảm ở đèo Mụ Dạ, Quảng Bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này đã chỉ thị cho ại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: "B-52 ném bom miền Bắc, ta phải tìm cách đánh cho được. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú".
Tháng 6/1966, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương: Phải sớm đưa tên lửa vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52. Ngay lập tức, Trung đoàn 238 (Đoàn tên lửa Hạ Long) nhận lệnh vào Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B-52.
Miền Bắc khi đó bị máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm, cầu cống đường sá bị hư hại nặng nề. Việc cơ động 1 trung đoàn tên lửa gồm 5 tiểu đoàn hỏa lực, 1 tiểu đoàn radar, 9 đại đội pháo cao xạ và mấy trăm xe khí tài cồng kềnh, nặng nề từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh là cực kỳ khó khăn.
Với phương châm gặp địch là đánh, sáng 28/7/1966, tiểu đoàn 84 bắn rơi 2 chiếc A-4E tại Diễn Châu, Nghệ An. Từ thị xã Hà Tĩnh vào thị trấn Kỳ Anh chỉ 50 km nhưng địch đánh phá cực kỳ dữ dội. Tổn thất rất lớn, đặc biệt là ngày 29/4/1967, Trung đoàn có 16 cán bộ chiến sĩ hi sinh.
Ngày 6/7/1967, sau khi bị bắn rơi 2 chiếc tiêm kích F-105 và 1 chiếc F-4, Mỹ phóng tên lửa xuống trận địa, khiến tiểu đoàn 81 bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Cũng trong trận đánh này, sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh, kỹ sư Lê Quốc Lượng và một số đồng đội hi sinh; tiểu đoàn trưởng và chính trị viên, đại đội trưởng và nhiều chiến sĩ bị thương. Nhưng hi sinh đến đâu, Trung đoàn bổ sung quân và cấp tốc huấn luyện đến đó.
Vào đến "tuyến lửa" Vĩnh Linh, Trung đoàn triển khai trận địa tại nông trường Quyết Thắng. Máy bay trinh sát địch săm soi suốt ngày đêm, pháo từ bờ Nam bắn ra, pháo từ biển bắn vào và máy bay ném bom liên tục, nhưng Trung đoàn vẫn khẩn trương triển khai trận địa.
Do hỏa lực của địch đánh phá dữ dội, nên quân số của Trung đoàn bị thương vong nhiều. Đặc biệt là tối 30/8/1967, tiểu đoàn 84 bị tên lửa Mỹ bắn hỏng phần lớn khí tài..
Tính đến đầu tháng 9/1967, đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn bị thương vong, trong đó có cả Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Hội bị thương và 15 quả tên lửa chưa lắp lên bệ phóng đã bị phá hủy. Cả 4 tiểu đoàn hỏa lực gom lại còn đủ biên chế tác chiến cho 1 Tiểu đoàn 84.
Cũng do B-52 tham chiến ở Việt Nam đã được hiện đại hóa, nhất là khả năng tác chiến điện tử; nên sau nhiều trận trầy vi tróc vẩy mà không thành công, Trung đoàn cũng đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm và lên được phương án đánh B-52 hiệu quả.
Chiều ngày 17/9/1967, một tốp B-52 từ đảo Guam (Mỹ) bay vào ném bom tuyến lửa Vĩnh Linh. Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên cùng trắc thủ góc tà Phạm Viết Ngoạn, trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ngận và trắc thủ phương vị Trần Hồng Tính, lúc 17h34’ ngón tay của sĩ quan điều khiển Lê Văn Hỷ nhấn nút phóng liền 2 quả tên lửa.
Hai quả tên lửa SAM-2 bay lên, sau ánh chớp, màn hình ra-đa hiện ra những đốm sáng tung tóe. Mấy phút sau, đài quan sát mặt trận thông báo: “B-52 bốc cháy, lao xuống biển”.
Nửa tiếng sau, đài quan sát mắt của ta ở đảo Cồn Cỏ báo về Ban chỉ huy Đặc khu Vĩnh Linh: “Thấy rất rõ B-52 bốc cháy ngùn ngụt, đâm sầm xuống biển làm dựng lên cột nước khổng lồ”. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị tên lửa SAM-2 do bộ đội phòng không Việt Nam lập công.
Việc chúng ta quyết đoán đưa tên lửa SAM-2 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để chủ động săn tìm B-52, điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương. Dẫu có hy sinh, nhưng chúng ta đã thu được những kinh nghiệm quý, làm cơ sở cho trận quyết chiến chiến lược và giành thắng lợi với B-52 tháng 12/1972.
PV (Theo Kiến Thức)