Phò mã Đại Việt 2 lần đánh bại Đế quốc Angkor là ai?

Tiến sĩ đầu tiên vùng đất Hà Nam

Làng Thanh Nghĩa (thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam ngày nay) xưa kia nằm ở vị trí địa linh, phong cảnh hữu tình, con người chất phác, thuần hậu. Đời vua Lý Nhân Tông nơi đây có ông bà Nguyễn Danh Khang và Trương Thị Nguyệt có tiếng là ăn ở hiền lành và hay giúp đỡ người khác.

Vào một ngày lạnh giá mùa đông tháng 10 năm 1081, bà Nguyệt hạ sinh được một người con trai. Ông bà vui mừng đặt tên con là Cương Công. Năm lên 7, Cương Công được đi học, là đứa trẻ sáng dạ, học một biết mười.

 
Phò mã Đại Việt 2 lần đánh bại Đế quốc Angkor là ai? - Ảnh 1.

(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online).

Năm 1125, Triều đình tổ chức khoa thi, Cương Công tham dự và đỗ đại khoa, trở thành tiến sĩ đầu tiên của Hà Nam kể từ khi Triều đình nhà Lý mở khoa thi năm 1075. Người dân làng Thanh Nghĩa và Hà Nam tự hào vì đã đóng góp được một người hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Trở thành phò mã hiền đức, được ban quốc tính Lý Công Bình

Cương Công làm quan thể hiện được tài năng của mình. Vua Lý Thần Tông thấy ông khôi ngô tuấn tú, phong thái khoan thai, đĩnh đạc, kiến thức lại thâm sâu, thì vui mừng muốn gả công chúa Lan Hoa cho.

Sau khi Cương Công trở thành Phò mã, Vua ban cho ông quốc tính, từ đó ông được gọi là Lý Công Bình.

Được ít lâu sau thì cha mẹ Lý Công Bình qua đời, ông ở quê chịu tang, công chúa Lan Hoa cũng theo ông ở lại.

Thời gian này công chúa dạy dân làng nghề thủ công, hướng dẫn dân làm ruộng, lại bỏ tiền ra tu sửa đường xá, làm thêm cầu, mở mang chợ. Chẳng mấy chốc làng Thanh Nghĩa ruộng đồng xanh tốt, giao thông thuận lợi, dân chúng no ấm.

Hai lần cầm quân đánh bại đế quốc Angkor

Lúc này người Khmer hùng bá Đông Nam Á, những cuộc chinh phục khắp nơi giúp người Khmer bá chủ vùng đất rộng lớn đến 1,2 triệu km², bao gồm cả Miến Điện (Myanmar), Campuchia, Lào, Thái Lan, vùng Nam Bộ thuộc Việt Nam ngày nay, hình thành nên đế quốc Angkor rộng lớn.

Trong khi đó diện tích của Đại Việt thời nhà Lý chưa đến 111.000 km². Nếu so về diện tích thì Đại Việt quá bé nhỏ, nhưng so về văn minh thì nền văn minh thời nhà Lý thuộc giai đoạn phát triển rực rỡ trong sử Việt, với niềm tin tín ngưỡng là nền tảng vững chắc.

Ngày 4 tháng Chạp năm Đinh Mùi 1127, vua Lý Nhân Tông mất, Lý Thần Tông lên nối ngôi khi mới 12 tuổi. Nghe tin vua Đại Việt mất, vua mới lại còn nhỏ tuổi, vua Suryavarman II cho rằng thời cơ đã đến liền nhanh chóng cất quân chinh phục Đại Việt. Suryavarman II là vị Vua nổi tiếng nhất của đế quốc Angkor, thành công với các cuộc chinh phục khắp nơi.

Tháng 2/1128, khi Triều đình còn chưa mừng Vua mới thì quân Khmer đã tiến đánh Nghệ An. Quân Đại Việt ra sức phòng thủ đồng thời cấp báo tin về Kinh thành. Triều đình vội gọi phò mã cùng công chúa trở về bàn chuyện chống giặc. Vua phong cho Lý Công Bình làm Thái phó chỉ huy toàn quân Đại Việt chống giặc.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng: “Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh.”

Chưa đầy 1 tháng Lý Công Bình đã đánh tan quân Khmer, bắt được hàng trăm quân cùng chủ tướng của giặc, tin vui được cấp báo về Kinh thành. Tháng 2 năm 1128, khi các quan đang dâng biểu mừng Vua mới lên ngôi thì tin báo thắng trận từ Nghệ An về tới nơi.

Đánh tan giặc, Lý Công Bình được Vua ban thưởng, cho lập ấp ở phủ Lý Nhân. Được ít lâu thì công chúa Lan Hoa đột ngột qua đời khiến ai cũng thương tiếc. Lý Công Bình về làng Thanh Nghĩa lập đền thờ công chúa rồi tự tay viết bài vị (miếu thờ công chúa nay nằm trên đường 974, phía tây bắc Đình làng Thanh Nghĩa).

Thời gian này đế quốc Angkor thêm 2 lần tiến đánh Đại Việt nhưng lần nào cũng bị thất bại.

Cuối năm 1135 đến 1136, các đại thần trụ cột trong Triều đình là Thái úy Dương Anh Nhĩ, Thái sư Trương Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm lần lượt qua đời, trấn thủ Nghệ An là Mâu Du Đô bị bãi chức.

Nhận thấy đây là cơ hội tốt, vua Suryavarman II lại sai tướng Phá Tô Lăng đem quân tấn công Đại Việt, lệnh cho Chiêm Thành cử quân phối hợp. Nhưng Chiêm Thành quá mệt mỏi vì chiến tranh, nên phút cuối cùng đã không đưa quân tham chiến.

Năm 1137, tướng Phá Tô Lăng cùng quân Khmer tiến đến Nghệ An.

Vua Lý Thần Tông cử Lý Công Bình cầm quân đánh giặc, quân Khmer lại chịu thảm bại, tướng Tô Phá Lăng phải cho quân chạy về.

Năm 1138, vua Lý Thần Tông mất, vua Lý Anh Tông kế vị, Lý Công Bình trở thành đại thần đầu triều, chăm lo việc triều chính.

Tưởng nhớ

Theo câu chuyện của dân làng Thanh Nghĩa, vào ngày 10 tháng 10 năm Tân Dậu (1141), Lý Công Bình cùng gia nhân đến ngắm cảnh trên đỉnh núi Lĩnh Sơn, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, Lý Công Bình biến mất, gia nhân đi theo cho rằng ông hiển linh hóa Thánh, vội về bẩm báo với vua Lý Anh Tông.

Nhà Vua phong cho Lý Công Bình là “Thượng đẳng phúc thần”. Ông cũng trở thành Thành Hoàng của làng Thanh Nghĩa. Người dân tôn kính gọi là Thiên Cương Đại Vương Lý Công Bình.

Đình làng thờ Lý Công Bình được xây dựng với lối kiến trúc rất độc đáo và đẹp mắt. Đặc biệt phía trước trông ra hồ nước với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Năm 2009, đình làng Thanh Nghĩa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

THEO DANVIET