Phong trào ủng hộ tù nhân Côn Đảo sau Hiệp định Paris

Ngày 16/2/1973, chính quyền Sài Gòn chuyển về đất liền 219 tù nhân thuộc diện già cả, bại liệt, bệnh tật nan y, trong đó có 147 tù nhân (124 người bị bại liệt) được bàn giao cho cảnh sát các tỉnh thuộc Quân khu III để lập hồ sơ cấp tốc trả tự do, kèm điều kiện cấm trở về nguyên quán và phân tán về quản thúc tại địa phương. Một số tù nhân được các cơ sở cách mạng nội thành, Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, các tổ chức từ thiện đưa về chữa trị tại bệnh viện Sùng Chính.

Hãng AFP đã đăng bài của Ronald Pierre Parigneax về 124 người tù chính trị bại liệt bị ép trả tự do một cách thầm lặng đã làm xúc động dư luận tiến bộ trên thế giới.

Bài báo có đoạn: “Cuối tháng 2-1973, 124 người trong số những người "thân cộng" bị giam giữ từ bao nhiêu năm ở Côn Sơn (trước gọi là Côn Lôn) đã được chính quyền Sài Gòn trả lại tự do một cách thầm lặng, không kèn không trống, không thông qua thương lượng, không người chứng kiến. Khi đi lại, họ phải bò lê dưới đất. Đôi cánh tay khẳng khiu, thân hình chỉ còn là một bộ xương, ống chân thì teo lại, bấm không còn biết đau và mang nhiều sẹo rất sâu; vết tích của những xiềng xích còn để lại trên da thịt hồi những ngày họ bị nhốt hàng năm, nằm chồng chất lên nhau trong những xà lim nhỏ và chỉ mới nghe nói cũng đủ rùng mình: những " Chuồng Cọp" ở nhà tù trên đảo Côn Sơn"v.v...

Ngày 4/4/1973, Linh mục Chân Tín, đại diện Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù tại miền Nam Việt Nam gửi thư cho Giáo hoàng, tố cáo chính quyền Sài Gòn đưa hơn 100 tù nhân bại liệt từ Côn Đảo về đất liền ngày 16/2/1973, nhưng lại tiếp tục giam cầm họ rải rác trong các ty cảnh sát các tỉnh tại đất liền, không cho người nhà thăm viếng và trì hoãn việc chữa trị cho họ. Bức thư cũng tố cáo chính quyền miền Nam tráo tù chính trị thành tù thường phạm, dùng tù thường phạm ngược đãi tù chính trị, bắt nhiều tù chính trị là thanh niên, sinh viên đi lí

Hệ thống chuồng cọp tại nhà tù Côn Đảo

Ngày 12/4/1973, Ủy ban đấu tranh đòi tự do cho những người yêu nước, yêu hòa bình còn bị bắt giữ tại miền Nam ra tuyên bố lên tiếng tố cáo việc chính quyền miền Nam chỉ nhận trao trả 5.081 nhân viên dân sự tại miền Nam là con số quá xa sự thật. Tuyên bố tố cáo, ít nhất chính quyền miền Nam đang giam giữ trên 100.000 người, trong đó riêng nhà tù Côn Sơn có trên 10.000 tù nhân.

Cũng trong tháng 4/1973, Phái đoàn ủy ban quốc tế vận động trả tự do cho tù chính trị tại miền Nam Việt Nam có trụ sở tại Canada được thành lập, đến Sài Gòn và tiến hành điều tra. Ngày 1/5/1973, Phái đoàn công bố Lời kêu gọi kèm Bản tường trình của Giáo sư Georger Lebel, khẳng định có hàng chục nghìn tù chính trị bị giam giữ và ngược đãi tại miền Nam Việt Nam.

Tháng 5/1973, một hãng truyền hình Anh đã quay một cuốn phim về tình cảnh của những người tù chính trị bại liệt tài Côn Đảo mới được phóng thích trong im lặng. Bộ phim tố cáo chính quyền miền Nam đã đày ải họ dã man, tàn bạo đến mức khi được trả tự do, hầu hết đã bị bại liệt, phải đi bằng hai tay. Họ được miêu tả “sẽ đi lại như những con cua trong suốt phần đời còn lại”. Cuốn phim cũng tố cáo chính quyền Hoa Kỳ trong tài khóa 1973-1974, dự tính tiếp tục chi một khoản tiền lớn duy trì hoạt động của 552 nhà tù tại miền Nam Việt Nam. Cuốn phim được chiếu rộng rãi tại Anh và các nước Châu Âu 

Các hãng tin nước ngoài cho rằng, việc chính quyền Sài Gòn trả tự do một cách thầm lặng và không chính thức cho 124 người tù tàn tật, bại liệt nói trên là nhằm loại bỏ những nhân chứng bất lợi trước Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế.

Một số tổ chức công khai tại Sài Gòn đã tập hợp được danh sách những người tù Côn Đảo, gửi đến các tổ chức tiến bộ trên thế giới, làm cho phong trào ủng hộ tù nhân chính trị Côn Đảo trở nên sâu rộng. Những lá thư, những gói quà từ các nước đã được gửi đến cho tù nhân Côn Đảo càng làm cho chính quyền Sài Gòn thêm bối rối, mặc dù hầu hết trong số này đã bị ém giữ, không trao cho tù nhân.

Ngày 19/5/1973, 22 tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội, 15 Nghị sĩ và 8 Linh mục tại Sài Gòn đã trao cho báo chí bức thư phản đối ngược đãi tù chính trị.

Ngày 23/5/1973, 40 Nghị sĩ đối lập của Thượng viện và Hạ viện Sài Gòn đã ký kiến nghị đòi chính quyền Sài Gòn thả ngay tù chính trị, nhất là những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và hòa bình ở miền Nam.

Tù nhân Côn Đảo ngày chiến thắng trở về (Ảnh tư liệu)

Báo Nhân Dân ngày 19/6/1973 dẫn tin Thông tấn xã Giải phóng cho biết, ngày 28/4/1973, chính quyền Sài Gòn đã đàn áp dã man, giết hại 7 tù nhân tại Côn Đảo là các anh Phan Ngô, Huỳnh Tấn Lợi, Phan Văn Các, Hồ Chí Tung và các chị Lê Thị Lan, Nguyễn Thị Thạnh, Trần Thị Hướng

Để đối phó với dư luận thế giới, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa mở chuyến công du sang một số quốc gia phương Tây như Tây Đức, Hoa Kỳ và tòa Thánh Vatican nhằm “giải độc dư luận”. Tuy nhiên, thực tế tàn bạo tại nhà tù Côn Đảo đã không thể che đậy được nữa.

Trước phong trào ủng hộ tù nhân Côn Đảo ngày càng mạnh mẽ từ dư luận tiến bộ trên thế giới, từ phong trào đấu tranh trong các đô thị miền Nam và phong trào đấu tranh liên tục của tù nhân, từ tháng 11/1973, chính quyền Sài Gòn buộc phải nâng tiêu chuẩn nuôi tù từ 45,18 đồng lên 100 đồng/ngày cho mỗi tù nhân. vượt qua sự bưng bít của kẻ thù, cuộc đấu tranh của tù chính trị tại Nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn 1957-1975 không đơn độc, trái lại, đã được sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là trong những năm từ 1970 đến 1973, sau khi các “chuồng cọp” Côn Đảo được đưa ra ánh sáng.

Sự ủng hộ tù nhân Côn Đảo không chỉ đến từ miền Bắc, các nước xã hội chủ nghĩa mà cả ở miền Nam, các báo chí đối lập, các nghị sĩ đối lập chính quyền Sài Gòn cũng không ngừng đấu tranh tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo của chính quyền Sài Gòn.