Vũ khí mang vác tới cấp sư đoàn bộ binh
Được đầu tư mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, nhất là sau Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị với định hướng lớn mang tính chiến lược, có tầm nhìn xa tới vài chục năm, cụ thể:
“Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia. Vũ khí, trang bị kĩ thuật do công nghiệp quốc phòng sản xuất phải phù hợp với chiến lược trang bị của các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Tàu pháo lớp TT-400TP do Nhà máy quốc phòng Hồng Hà đóng.
Đến nay, nền CNQP nước ta đã sản xuất được vũ khí trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân. Nổi bật nhất là việc đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới theo chuyển giao công nghệ của Israel.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đó là lần đầu tiên Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo từ A-Z, sản xuất súng bộ binh “có bản quyền” với hơn 1.000 chi tiết khác nhau.
Từ dây chuyền này, bên cạnh súng theo thiết kế gốc của Israel, chúng ta có thể sản xuất được nhiều loại súng bộ binh do Việt Nam tự thiết kế hoặc cải tiến.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại súng và đạn chống tăng thế hệ mới; súng cối 100mm có nhiều cải tiến; các loại súng trung liên, đại liên, súng bắn tỉa do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ một số đối tác truyền thống.
Đi kèm theo đó là các thiết bị trinh sát như kính quan sát, kính ngắm ngày và đêm,… với độ chính xác cao, mở rộng uy lực cho những vũ khí Made in Vietnam.
Việc tự chủ được vũ khí trang bị đến cấp sư đoàn bộ binh đủ quân là bước tiến lớn, Việt Nam sẽ không còn phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu những vũ khí thông thường nữa.
Tuy nhiên, hiện nay chưa nhất thiết phải trang bị ồ ạt cho tất cả các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương mà sẽ đổi mới từng phần, trước hết là cho các đơn vị cấp sư đoàn bộ binh đủ quân. Do vậy, năng lực sản xuất của các nhà máy sẽ chưa tận dụng hết.
Để duy trì hoạt động của các dây chuyền, duy trì đội ngũ thợ lành nghề, hài hòa giữa các yếu tố kỹ thuật — kinh tế, xuất khẩu vũ khí là một hướng đi hết sức đúng đắn.
Các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các “ông lớn” trên thị trường thế giới.
Radar phòng không, giám sát biển thế hệ mới
Hiện nay, Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công các loại radar phòng không hiện đại như RV-02 của Viện Kỹ thuật Quân sự PK-KQ, các loại radar cảnh giới trên không tầm trung VRS-M2D và bắt thấp VRS-2DM, radar cảnh giới biển của Tập đoàn Viettel.
Một mặt đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa “lưới canh trời” đa tầng của Việt Nam, mặt khác các loại radar này cũng tràn đầy cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Các loại radar này được đánh giá khá cao cả về tính năng, độ tin cậy, dễ dàng vận hành cũng như sự bắt mắt về mặt mỹ thuật, cộng với giá thành sản phẩm hợp lý, tạo nên sức cạnh tranh lớn.
Chưa kể, Việt Nam đã làm chủ công nghệ nâng cấp radar P-18M theo chuyển giao công nghệ của CH Séc và hoàn toàn có thể xúc tiến việc cung cấp các gói nâng cấp tương tự cho nhiều quốc gia khác vốn đang sử dụng phổ biến loại radar này.
Tàu hải quân
Khoan chưa nói đến các tàu tên lửa tấn công nhanh hiện đại cho dù Việt Nam đã thừa đủ khả năng đóng mới, chỉ riêng với các tàu tuần tra TT-400 và tàu pháo TT-400TP đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam.
Hai mẫu tàu kể trên được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và đã có những bước đi đầu tiên để vươn ra thị trường thế giới.
Đối với tàu tuần tra TT-400, chất lượng và tính năng hoàn hảo đã được kiểm chứng qua sự kiện nóng trên Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, khi các tàu của ta đối mặt với các tàu hải giám cỡ lớn và hiện đại của Trung Quốc.
Sự kiện này được cả thế giới biết đến qua những hình ảnh, những thước phim sống động về sự quả cảm của các kíp tàu trong việc kiên trì đấu tranh với việc làm phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. TT-400 đã có một màn ra mắt không thể tuyệt vời hơn.
Việt Nam hoàn toàn làm chủ từ khâu thiết kế cho tới thi công đóng mới khiến giá thành của các tàu TT-400 và TT-400TP tương đối thấp. Nếu được xuất khẩu, chúng sẽ là những mặt hàng đắt khách.
Bên cạnh đó, việc đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự hiện đại như tàu tuần tra đa năng cỡ lớn, tàu đổ bộ, tàu ứng phó sự cố tàu ngầm xuất khẩu theo các hợp đồng của Tập đoàn Damen đã ít nhiều giúp ngành đóng tàu Việt Nam tích lũy được kinh nghiệm qúy báu.
Cụ thể đó là làm quen với công nghệ đóng tàu hiện đại theo công nghệ modul được chuyển giao từ Hà Lan, giúp hợp lý hóa quy trình sản xuất, rút ngắn tiến độ thi công, tận dụng được tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao mà mất rất nhiều năm mới gây dựng được.
Đồng thời, việc ứng dụng nhiều vật liệu nội địa vào những con tàu đã giúp tiết kiệm chi phí, giám giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tàu quân sự Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thiết bị thông tin liên lạc
Những năm qua, Tập đoàn Viettel đã làm chủ công nghệ, sản xuất và cung cấp hàng chục nghìn máy thông tin liên lạc cho quân đội ta sử dụng với chất lượng tốt, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, giữ bí mật, an toàn trong môi trường tác chiến hiện đại.
Theo giới thiệu, các thiết bị thông tin mới này ít có khả năng bị gây nhiễu nhờ ứng dụng nhiều công nghệ mới, nhất là công nghệ nhảy tần và mã hóa tự động.
Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy thông tin thuộc Viettel đang sẵn sàng ở mức cao, nếu có đơn hàng xuất khẩu, chắc chắn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu cả về tiến độ lẫn chất lượng của khách hàng.
Ngoài các sản phẩm tiêu biểu kể trên, hiện nay Việt Nam đã tự chủ sản xuất được nhiều loại đạn súng bộ binh, đạn cối, đạn pháo các cỡ từ 23mm tới 130mm cũng như đạn pháo phản lực BM-21.
Trước mắt đáp ứng nhu cầu trong nước và trong tương lai có thể mở rộng công suất để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tất nhiên, trong nội dung bài viết này mới chỉ gói gọn điều kiện cần, tức là sẵn sàng xuất khẩu những thứ Việt Nam có, còn điều kiện đủ tức là phải ghép nối và xuất khẩu những thứ thị trường cần.
Chỉ có đáp ứng tốt cả 2 yêu cầu này thì lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Việt Nam mới thực sự khởi sắc.
Ngoài ra, vì một số vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất nhưng chưa được nội địa hóa 100% hoặc còn phụ thuộc vào bên thứ 3 (tức bên chuyển giao công nghệ) nên muốn xuất khẩu ta sẽ phải được sự đồng ý của những đối tác này.
Vẫn biết Việt Nam chưa có “tên tuổi” gì trên thị trường vũ khí thế giới, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, một khi bộ đội ta đã tin tưởng, đánh giá cao vũ khí “Made in Vietnam” thì không lý gì các quốc gia khác lại không có niềm tin này.
Cạnh tranh khốc liệt với những ông lớn, dù khó khăn, nhưng nếu vượt qua được chắc chắn vũ khí Việt Nam sẽ giành được vị trí xứng đáng, tạo tiền đề cho những dự án lớn lao.
PV (Theo Thời Đại)