Do ảnh hưởng quá lớn từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, nên nhiều người cho rằng Lưu Bị là một người nhu nhược, không có tài năng gì, nhờ may mắn có các cận thần tài giỏi mà ông mới dựng được cơ nghiệp.
Tạo hình Lưu Bị trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010. Ảnh: Sohu
Trên thực tế, theo ghi chép trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ cho thấy, Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình, cả Tào Tháo cũng đánh giá rất cao tài năng của ông.
Trong Tam quốc chí Trần Thọ có bình rằng: "Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy".
Theo sử liệu, khoảng cuối năm 220, Tào Phi phế truất Hán Hiến Đế cướp ngôi, lập ra nhà Ngụy, tức là Tào Ngụy Văn Đế. Hán Hiến Đế bị giáng làm Sơn Dương công, điều đi quận Sơn Dương.
Khoảng giữa năm 221, Lưu Bị và Gia Cát Lượng ở Thành Đô nghe lời đồn đại rằng Hiến Đế đã bị Tào Phi giết hại, bèn phát tang ở Ích châu, truy tôn vua Hán là Hiếu Mẫn hoàng đế. Quần thần đề nghị ông lên ngôi hoàng đế để kế nghiệp nhà Hán.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, tại buổi lễ đăng cơ, chiếu đầu tiên mà Lưu Bị ban ra chính là việc chọn ngày công phạt Đông Ngô.
Một trong những nguyên nhân chính để dẫn đến việc công phạt Đông Ngô, theo tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, đó chính là cái chết của Quan Vũ. Khi Lưu Bị lệnh cho Quan Vũ giữ thành Kinh Châu, ông vô tình đã mắc mưu Lữ Mông từ đó bỏ mạng. Khi hay tin Lữ Mông ngấm ngầm liên kết với quân Ngụy để sát hại nhị đệ của mình, Lưu Bị tức giận khôn xiết, quyết đem lòng trả thù cho người huynh đệ kết nghĩa của mình.
Tuy nhiên, việc Lưu Bị quyết định công phạt Đông Ngô được nhiều nhà nghiên cứu nhận định ngoài trả thù cho Quan Vũ thì Lưu Bị vẫn còn mục đích khác.