Số phận bi thảm của công chúa đẹp nhất nhà Tống

Triệu Phúc Kim là con gái của Tống Huy Tông Triệu Cát, triều nhà Tống. Trong hơn 30 con gái của Tống Huy Tông, nàng là người kiều diễm nhất, tài hoa nhất, và cũng là người con gái được Hoàng đế yêu thương nhất.

Sinh mẫu của Triệu Phúc Kim là Minh Đạt Hoàng hậu Lưu thị. Năm 1 tuổi, nàng được Hoàng đế ban phong hiệu Diên Khánh công chúa.

Năm 1113, nghe theo đề xuất của tể tướng Sái Kinh, Tống Huy Tông học theo chế độ phong hào của nhà Chu, đổi phong hiệu "Công chúa" thành "Đế cơ". Theo đó, phong hiệu của Triệu Phúc Kim cũng được thay đổi từ Diên Khánh Công chúa thành Mậu Đức Đế cơ.

Chế độ Đế cơ đã được nhà Tống duy trì 14 năm, về sau, vì một số người cho rằng phong hiệu này mang ý nghĩa xui xẻo nên Tông Cao Tông đã khôi phục chế độ cũ, gọi con gái của Hoàng đế là Công chúa.

Năm 1118, Triệu Phúc Kim đã hạ giá lấy Sái Du, con trai thứ 5 của tể tướng Sái Kinh.

Số phận bi thảm của công chúa đẹp nhất nhà Tống - Ảnh 1.

Triệu Phúc Kim được mệnh danh là một trong những nàng công chúa xinh đẹp nhất của nhà Tống. Ảnh: Sohu

Năm 1125 - 1127, sự biến Tĩnh Khang xảy ra. Sự kiện này là biến cố lớn trong lịch sử nhà Tống, đánh dấu sự diệt vong của vương triều Bắc Tống. Vào thời điểm đó, Sái Kinh bị xem là quốc tặc, cả gia tộc phải bị tru di. Tuy nhiên, nếu phò mã Sái Du chết thì Triệu Phúc Kim sẽ trở thành góa phụ, do đó Sái Du được tha chết.

Năm 1127, quân Kim tiến vào kinh thành, lúc đó, Hoàn Nhan Tống Vọng (con trai thứ 2 của Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả) và tướng Hoàn Nhan Tông Hàn đưa ra yêu cầu với hoàng tộc nhà Tống: Nếu Tống Huy Tông không đích thân xuất thành đầu hàng thì phải dâng nạp thê tử và con gái.

Tống Huy Tông ham sống sợ chết nên đã dâng hơn 30 người con gái cho người Kim. Lúc đó, các đại thần đã thuyết phục Hoàng đế với lý lẽ: Triệu Phúc Kim là con dâu của tội nhân Sái Kinh, nên cần giao cho người Kim. Nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán với người Kim. Nghe xong Tống Huy Tông cũng đã để Triệu Phúc Kim "hòa thân" với Hoàn Nhan Tống Vọng.

Cuối tháng 3 năm 1127, nhà Kim rút quân và di chuyển về phía Bắc, mang theo tù binh nhà Tống, gồm hơn 3.000 nam nữ hoàng thất, 4.000 nam nữ tông tộc, 5.000 nam nữ quý tộc quan lại,... tổng cộng không dưới 100.000 người.

Hoàn Nhan Tống Vọng vốn đã thèm muốn các Đế cơ nhà Tống từ lâu. Sau khi tiêu diệt nhà Liêu và chiếm đoạt con gái Hoàng đế cuối cùng của nhà Liêu, hắn đã mơ tưởng đến dung mạo xuất chúng của các công chúa nhà Tống.

Tuy nhiên, khi biết nữ nhân nhà Tống rất xem trọng trinh tiết, để bảo toàn danh dự họ có thể sẽ tự sát, Hoàn Nhan Tống Vọng đã rất lo lắng. Sau cùng, hắn đã nghĩ ra được một cách thức rất "giang hồ", đó là bỏ thuốc Triệu Phúc Kim rồi cưỡng đoạt mỹ nhân.

Cuộc sống của nàng sau đó là chuỗi ngày tủi nhục, bị bắt ép thành ca kĩ, ngày ngày phải hầu rượu, hát múa cho Hoàn Nhan Tống Vọng hưởng thụ.

Đi theo Hoàn Nhan Tống Vọng thì ít nhất Triệu Phúc Kim cũng được kính trọng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Hoàn Nhan Tống Vọng đã qua đời. Lúc đó nàng cho rằng chuỗi ngày bi thảm của mình đã kết thúc, nhưng không ngờ người Kim đã "tặng" nàng cho kẻ khác.

Theo ghi chép trong quyển "Tống Phù Ký", sau khi Hoàn Nhan Tống Vọng chết, Triệu Phúc Kim đã được dâng cho Hoàn Nhan Hi Doãn. Không lâu sau, nàng đã qua đời ngay trong trại của Hoàn Nhan Hi Doãn. Từ đó không có bất kỳ ghi chép nào về Triệu Phúc Kim nữa, cũng không rõ nàng được chôn cất ở nơi nào.

Dựa vào một số tài liệu lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu suy đoán, Triệu Phúc Kim đã tự sát. Theo nghi thức Khiên dương lễ của người Kim, các tù binh phải khỏa thân, mặc quần áo da dê, trên cổ quấn một sợi dây và bị dắt đi như một con dê.

Nghi thức này đối với người Tống là một sự sỉ nhục tột cùng, đặc biệt là nhiều nữ nhân nhà Tống đã tự tử vì không thể chịu đựng tủi nhục. Trong số đó có Nhân Hoài Hoàng hậu Chu thị của Tống Khâm Tông Triệu Hoàn. Do đó, nhiều người tin rằng, Triệu Phúc Kim vì quá uất ức, tủi nhục mà tự sát ngay trong trại của Hoàn Nhan Hi Doãn.

THEO DANVIET