Triều Trần thành lập tháng 12 năm Ất Dậu (1225) với sự kiện Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh và chấm dứt vai trò của mình vào tháng 2 năm Canh Thìn (1400) khi Trần Thiếu Đế bị ông ngoại là Hồ Quý Ly phế truất để cướp ngôi.
Sử sách cho biết, Hồ Quý Ly có hai người cô là phi tần của vua Trần Minh Tông, một bà được phong làm Minh Từ hoàng phi (sau sinh ra Trần Phủ, tức vua Trần Nghệ Tông) và một bà được phong làm Đôn Từ hoàng phi (sau sinh ra Trần Kính, tức vua Trần Duệ Tông). Đường danh vọng của Hồ Qúy Ly được khởi đầu từ đời Trần Nghệ Tông với chức vụ đầu tiên rất khiêm nhường là Chi hậu tứ cục chánh chưởng nhưng một thời gian sau ông liên tục được thăng quan tiến chức, bắt đầu từ năm Tân Hợi (1371) khi trở thành phò mã triều Trần. Năm đó Trần Nghệ Tông phong cho Qúy Ly tước Trung Tuyên Quốc Thượng Hầu, chức Khu mật viện đại sứ, tiếp đến là chức Tham mưu quân sự (1375), Tiểu tư không kiêm Khu mật viện đại sứ (1379), Nguyên nhung, quản việc Hải tây đô thống chế (1380), Đồng bình chương sự (1387), tước Tuyên Trung Vệ Quốc Đại Vương (1395)...
Có thể thấy, đầu tiên Quý Ly chỉ là người cháu họ ngoại của Trần Minh Tông, sau đó trở thành con rể của vị vua này, vì thế với các con của Minh Tông là Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông, ông vừa là anh em rể, đồng thời là anh em con cô con cậu. Chưa kể đến việc Qúy Ly còn là anh rể của Trần Duệ Tông, bác họ bên ngoại của Trần Phế Đế, bố vợ của Trần Thuận Tông và là ông ngoại của Trần Thiếu Đế. Tất cả đều được bắt đầu bằng quan hệ hôn nhân, điều đó giúp Qúy Ly từng bước tăng cường quyền lực, gây ảnh hưởng đối với vương triều Trần và cuối cùng đoạt ngôi vị đế vương về tay mình. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Qúy Ly cướp ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, đổi họ Lê thành họ Hồ, lập ra vương triều Hồ.
Vị vua cuối cùng của nhà Trần là Trần Thiếu Đế tên thật là An (có sách chép là Án) sinh năm Bính Tí (1396), thân mẫu là Khâm Thánh hoàng hậu Hồ Thánh Ngẫu (con gái Hồ Qúy Ly). Ông vua trẻ con này lên ngôi khi đó mới 3 tuổi (theo tuổi Mụ), ở ngôi được gần 2 năm (1398 - 1400) thì bị phế làm Bảo Ninh đại vương. Ngoài Trần An, chính sử không nhắc đến người con nào khác của Trần Thuận Tông, vậy nàng công chúa cuối cùng của nhà Trần là ai, là con gái của vị vua nào?
Tượng thờ vua Trần Thuận Tông tại đền Trần. Ảnh: thuvienlichsu.com.
Theo truyền tụng tại xã Lựu Phố, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Lựu Phố, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) và nội dung bản Ngọc phả do Tiến sĩ triều Hậu Lê là Lê Tung soạn năm Canh Tuất (1490) được lưu giữ tại chùa Trinh Sơn ở thôn Lựu Phố thì nàng công chúa cuối cùng của nhà Trần tên là Trần Thị Bạch Hoa.
Chuyện kể rằng Trần Thuận Tông một lần đi thuyền ngự qua Lựu Phố, tình cờ thấy một cô gái xinh đẹp đậu chiếc thuyền nhỏ bên bãi lau sậy và cất tiếng hát trong trẻo khiến người nghe ai cũng mê say. Vua bèn dừng thuyền đến hỏi thì được biết cô gái tên là Diệp Diệu Hiền, con của Diệp Thế Xuân - một thầy đồ hay chữ nổi tiếng trong vùng. Vì yêu mến người con gái ấy, vua liền sai người mang lễ đến nhà họ Diệp hỏi cưới và tổ chức lễ thành hôn ngay trên thuyền ngự, sau đó Trần Thuận Tông đưa Diệp Diệu Hiền về Thăng Long phong làm thứ phi.
Thứ phi Diệu Hiền được vua rất sủng ái, hai người tâm đầu ý hợp thường cùng nhau du ngoạn sơn thủy, thưởng trà bình thơ… Một thời gian sau thứ phi có mang, đến giờ Mão ngày mồng 1 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1382) hạ sinh một người con gái đặt tên là Bạch Hoa. Lớn lên, công chúa xinh đẹp, hiền thục lại rất ham đọc sách; nàng thường về quê ngoại ở Lựu Phố thăm thú đời sống nhân dân, khuyến khích việc cấy cày, nông tang.
Tương truyền khi còn chưa lên ngôi, Trần Thuận Tông lúc đó còn mang tước Chiêm Định vương, có người bạn là thầy tướng Tựu Hòa rất giỏi, người này từng khuyên ông bỏ chốn danh lợi, vương giả để đi ẩn hoặc đi buôn sẽ tránh được họa, còn cô con gái Bạch Hoa thì gửi vào chùa nhờ Phật độ mới yên được. Nghe lời khuyên xong, ông không cho là phải, liền tặng bạn 10 lạng vàng và 20 lạng bạc, nhưng thầy Tựu Hòa không nhận rồi cáo lui, từ đó không qua lại nữa.
Khi Trần Thuận Tông làm vua, bấy giờ triều chính đã suy đồi, quyền hành đều nằm trong tay Hồ Qúy Ly, vua không có thực quyền, đúng như trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, việc nước trong tay quyền thần làm cả, tai họa đến thân mà không biết, thương thay!”. Hay như sách Việt sử tiêu án nói rõ: “Tuy làm vua mà chỉ giữ hư vị, làm vị vua bù nhìn”.
Nhằm từng bước đoạt quyền, tháng 11 năm Đinh Sửu (1397) Hồ Qúy Ly ép vua phải dời đô vào Thanh Hóa, lấy thành An Tôn (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc) làm kinh đô mới, gọi là thành Tây Đô, còn thành Thăng Long được đổi gọi là Đông Đô. Không lâu sau, vào đầu năm Mậu Dần (1398), cụ thể là: “Mùa xuân, tháng 3, ngày 15, Lê Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho hoàng tử Án” (Đại Việt sử ký toàn thư), tiếp đó lại ép Trần Thuận Tông đi tu theo đạo Lão và cho làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại đất Thanh Hoa đưa vua tới ở đó nhưng thực ra làm giam lỏng.
Nàng công chúa xinh đẹp. Ảnh: kenhsinhvien.vn.
Trong bối cảnh ấy, thương cảm số phận nàng công chúa Bạch Hoa, con trưởng của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng bí mật sai người dùng thuyền đưa công chúa đi lánh nạn ra Bắc. Có lẽ nhận được sự gửi gắm của Hồ Nguyên Trừng nên khi ra tới đất Bắc, công chúa Bạch Hoa được An phủ sứ Đông Đô là Nguyễn Bằng Cử, một người nhân từ, trung trực che giấu, bảo vệ.
Nhằm tránh tai mắt có thể gây nguy hại đến tính mạng Bạch Hoa, An phủ sứ Nguyễn Bằng Cử thân hành, bí mật đưa công chúa lánh lên ngọn Bổ Đà ở núi Cẩm Long, nơi non nước giao hòa. Trước khi đi, ông để lại cho nàng một ít tiền bạc độ thân và mấy con thuyền nhỏ đậu dưới chân núi.
Trên ngọn Bổ Đà có một ngôi chùa nhỏ tên là Diên Bình tự, vì ít được chăm sóc nên chùa gần như bị bỏ hoang, ngói xô rêu phủ. Khi đến đây, công chúa Bạch Hoa quyết chí bỏ đời sống trần tục, dấn thân vào con đường tu hành, hàng ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và lấy pháp danh là Thu Thu thiền sư. Nàng đã dốc nhiều công sức khôi phục lại cảnh thiền môn, biến ngôi chùa hoang trước đây lại tấp nập người đến dâng hương lễ bái; kể từ đó người dân gọi chùa theo tên núi là chùa Bổ Đà.
Những lúc rảnh rỗi, công chúa thường đến ngọn núi ở gần đó để ngắm mây trời, non nước, làm thơ vịnh cảnh, có lần bà nói với đệ tử là Tuệ Hoan thiền sư về tập thơ của mình với tiêu đề “Ai cô trường hận”. Ngoài việc đó, có lúc công chúa dùng thuyền đi sang bên sông để vào rừng hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người. Dân chúng quanh vùng được giúp đỡ đều đội ân đức của công chúa, tiếng đồn về một ni sư tài giỏi lan truyền, những dân phiêu dạt, những người nghèo khó phải đi tha phương cầu thực dần dần tìm đến, tụ họp ngày một nhiều tạo thành một nơi đông vui, tấp nập.
Đến ngày mồng 6 tháng 8 năm Giáp Tuất (1454) đời vua Lê Nhân Tông, Thu Thu thiền sư tức công chúa Bạch Hoa viên tịch thọ 72 tuổi; người dân Lưu Phố thương nhớ ơn đức của bà đã lập bài vị tại đình, chùa và phủ để thờ phụng, sau lại đổi gọi chùa Bổ Đà thành chùa Trinh Tiết để nhắc nhớ đến công chúa lá ngọc cành vàng vẹn nguyên trinh tiết, quy Phật tu hành không vướng bụi trần. Hàng năm, vào ngày mồng 6 tháng 8 (âm lịch), kỷ niệm ngày mất của công chúa Bạch Hoa, dân làng Lựu Phố lại tổ chức dâng hương, hoa tại đền, chùa, phủ.
Tiến sĩ Lê Tung, người soạn bản Ngọc phả về công chúa Bạch Hoa cũng có làm bài thơ “Vịnh chùa Trinh Tiết” trong tập thơ “Giang hồ chí sự” với nội dung như sau:
Bạch Hoa nàng cuối triều Trần,
Về đây lánh nạn gửi thân chốn này.
Bờ bắc núi Lệ ngàn cây,
Núi giăng trùng hậu ngút đầy bờ nam.
Thân có gửi chốn thiền am,
Những mong xa cách thế gian bụi trần.
Nhấp nhô thành lũy xa gần,
Mục đồng tiếng sáo thoảng ngân xế chiều.
(Dương Văn Vượng dịch)
Cổng chùa Trinh Tiết dưới chân núi Trinh Sơn. Ảnh: giacngo.vn.
Câu chuyện về Bạch Hoa, nàng công chúa cuối cùng của triều Trần tưởng chừng như rõ ràng không có gì phải bàn luận, tuy nhiên đối chiếu với ghi chép trong chính sử sẽ thấy một số thông tin có sự sai khác.
Chúng ta đều biết, Trần Thuận Tông làm vua 10 năm (1388-1398) nhưng không có thực quyền gì, thời gian đầu mọi chuyện đều do cha của ông là Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định, sau đó thì chuyện quân quốc triều chính do cha vợ của vua là Lê Qúy Ly (tức Hồ Qúy Ly) nắm cả, vua luôn ở trong tình cảnh bị o ép, quản thúc, lấy đâu thời gian đi tuần du vui thú gặp gỡ nên duyên với người đẹp chốn nhân gian. Số phận của Trần Thuận Tông đúng như sách Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn viết: “Làm vua chỉ giữ ngôi suông, sống nhờ, năm nào sống, ngày nào chết đều do bọn gian thần nắm giữ, thật đáng thương thay”.
Chính sử chép rằng Trần Thuận Tông sinh tháng 10 năm Mậu Ngọ (1378), trong khi đó theo bản Ngọc phả về công chúa Bạch Hoa thì nàng ra đời vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1382), như vậy không thể có chuyện một người mới 4 tuổi mà đã có con được. Tư liệu chính thống chỉ nhắc đến một người con duy nhất của vua Trần Thuận Tông, đó là Trần An do hoàng hậu Khâm Thánh sinh ra năm Bính Tý (1396) mà thôi.
Quán Ngọc Thanh. Ảnh: dulichdongtrieu.vn.
Tháng 3 năm Kỷ Mão (1399) Trần Thuận Tông bị ép nhường ngôi cho con là Trần An rồi xuất gia thờ Đạo giáo tại quán Ngọc Thanh ở thôn Đạm Thủy, xã Thủy An (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), không lâu sau bị bức tử chết, thọ 21 tuổi. Nếu thực sự Bạch Hoa là con gái của vua thì lúc đó còn rất nhỏ, đâu thể đã ở tuổi 17 để nhận biết được mối nguy hại đối với hoàng tộc và bản thân mà đi lán nạn, giống như ghi chép trong Ngọc phả được.
Ngoài ra trong các tác phẩm khảo cứu về các hậu phi, công chúa triều Trần không thấy nhắc đến công chúa Bạch Hoa, phải chăng công chúa là con của một vị vua Trần khác, hoặc có thể là con gái thân vương trong hoàng tộc được ban danh hiệu công chúa dưới thời Trần Thuận Tông nên dẫn đến nhầm lẫn coi nàng là con của vị vua này?.
Các đời vua cuối triều Trần là Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông và Trần Thiếu Đế, không thấy sử sách ghi chép về con cái, hoặc chỉ chép có con trai; như vậy nàng công chúa cuối cùng của triều Trần chỉ có thể là con gái của Trần Duệ Tông. Không kể đến hai người con trai là Trần Vĩ và Trần Nghiễm (có tên khác là Trần Hiện, sau là vua Trần Phế Đế) thì con gái của Trần Duệ Tông có công chúa Trang Huy (lấy hoàng thân Trần Nguyên Dận), công chúa Tuyên Huy (lấy Ngự câu vương Trần Húc) và công chúa Huy Chân (sau lấy Lê Lợi, tức vua Lê Thái Tổ).
Nàng công chúa cuối cùng của nhà Trần có thể là công chúa Huy Chân, người đã được mẹ là Cung phi Bạch Ngọc (tên thật là Trần Thị Ngọc Hoà) đưa ra khỏi hoàng cung trước những biến động triều chính và về ở ẩn tại dãy Trà Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), sau này nghĩa quân Lam Sơn hoạt động tại vùng này đã nhận được sự ủng hộ tiền bạc, lương thực của mẹ con bà. Cũng trong thời gian ấy, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, tình cảm giữa người anh hùng áo vải đất Lam Sơn và công chúa Huy Chân nảy nở, bén duyên. Sau này, khi đại nghiệp “Bình Ngô” hoàn thành, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Hậu Lê, chúa Huy Chân được phong làm Trinh thục phi, sau đó nàng sinh cho vua một người con gái đặt tên là Lê Thị Ngọc Châu (hiệu là công chúa Trang Từ).
Tại làng Hổ Đội (nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thờ hai vị lập làng làm Thành hoàng là Phò mã đô úy Phùng Thế Kỳ và vợ là công chúa Thiên Hương. Theo sự tích thì Phùng Thế Kỳ là một tướng tài được vua Trần Thuận Tông quý mến nên gả con gái là công chúa Thiên Hương cho và phong làm Chiêu thảo An phủ sứ. Khi nhà Trần bị mất ngôi, hai vợ chồng đã lập một đạo quân lấy tên là Hổ Bôn để chống lại triều Hồ nhưng không thành, phò mã và công chúa đem thân tín lánh đến vùng biển thuộc lộ An Tiêm, chọn nơi đất hoang để mở đất lập làng, nuôi chí “phù Trần diệt Hồ” và đặt tên làng là Hổ Đội để nhớ về đội quân Hổ Bôn của mình. Sự tích là vậy, nhưng về công chúa Thiên Hương, có lẽ bà cũng là con gái của một vị vua khác chứ không phải là con của vua Trần Thuận Tông.
Lê Thái Dũng (Theo Kiến Thức)