Tài năng có thừa, tại sao Nguyễn Đình Đắc lại bỏ Tây Sơn theo Nguyễn Ánh?
Theo sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, vào năm Nhâm Dần (1782), phe người con lớn của Trịnh Sâm là Trịnh Tông làm binh biến giết Hoàng Đình Bảo, lật đổ Trịnh Cán và lập Trịnh Tông. Lúc này, Nguyễn Đình Đắc cho rằng: kinh đô đang có loạn, đại bộ phận binh lực đang tập trung ở vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, nếu liên kết được các tướng soái trong đó đem quân ra kinh đô dẹp loạn thì sự nghiệp diệt Trịnh, phò Lê có thể giành thắng lợi.
Nghĩ vậy, Nguyễn Đình Đắc đã vượt biển vào Nghệ An tập trung người cùng chí hướng, rèn sắm vũ khí. Tháng 10 năm đó, từ vùng Hoàng Mai, ông lên Lãng Điền gặp Nguyễn Hữu Chỉnh đang làm đồn trưởng. Sau khi nghe ông kể lại tình hình kinh đô, Nguyễn Hữu Chỉnh vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp được người cùng chí hướng. Lo vì vốn Nguyễn Hữu Chỉnh là thuộc hạ của Hoàng Đình Bảo, rồi sẽ đến lượt bị Trịnh Tông giết hại. Nguyễn Đình Đắc và Nguyễn Hữu Chỉnh là người cùng huyện Chân Phúc (nay là Nghi Lộc) lại cùng chí hướng bất hợp tác với Trịnh Tông, đã cùng nhau vào Quảng Bình vận động quân đồn trú đánh úp thành Phú Xuân. Chẳng may sự việc bị phát lộ, ông cùng Nguyễn Hữu Chỉnh chạy ra biển, dong thuyền vào Quảng Nam. Nguyễn Đình Đắc mưu tính sẽ dựa vào thế lực của chúa Nguyễn là cựu thần nhà Lê để tiếp tục sự nghiệp.
Ảnh minh hoạ:
Lúc này, anh em Nguyễn Nhạc đang khởi sự dựng nên triều đại mới. Vốn trước đó, Nguyễn Hữu Chỉnh đã từng theo chúa Trịnh vào đánh chúa Nguyễn đóng quân ở Phú Nhuận. Ông thường được quận công Hoàng Ngũ Phúc sai đi liên lạc với anh em Nguyễn Nhạc để lập thế liên kết chống chúa Nguyễn. Do đó, Nguyễn Hữu Chỉnh biết rõ tài năng của anh em Nguyễn Nhạc nên đã mượn tiếng chúa Nguyễn để dụ thuyết Nguyễn Đình Đắc vào theo. Nguyễn Nhạc vui mừng tiếp đón, hậu đãi, trọng dụng. Gia nhập quân Tây Sơn được ít lâu, Nguyễn Đình Đắc nhận ra chí hướng của anh em Nguyễn Nhạc là lật đổ tất cả chứ không hề có ý định phò Lê. Ông tâm sự với Nguyễn Hữu Chỉnh: “Mình vì việc nước, ngàn dặm vượt biển vào đây tìm chỗ dựa để diệt Trịnh phò Lê. Ai ngờ lại sa vào trướng kẻ đang chống lại người mà mình đi tìm!”. Nguyễn Hữu Chỉnh nói lại: “Chúng ta chỉ tạm thời dựa vào thế của họ, chứ có theo họ đến cùng đâu”. Sau đó, Nguyễn Hữu Chỉnh đi theo Nguyễn Huệ ra Bắc Hà; còn Nguyễn Đình Đắc ở lại với Nguyễn Nhạc. Dù vậy, ngày đêm Nguyễn Đình Đắc vẫn tìm cách thoát khỏi hàng ngũ quân Tây Sơn.
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Đình Đắc đi đánh phủ Gia Định của chúa Nguyễn. Thắng trận, ông bắt được Cai cơ Huấn Trung Hầu, người huyện Giao Thủy. Qua Huấn Trung Hầu, ông biết được chỗ ở của chúa Nguyễn. Đang đêm, ông cùng Huấn Trung Hầu chạy trốn khỏi doanh trại quân Tây Sơn để sang đầu quân cho Nguyễn Ánh. Quân Tây Sơn phát hiện, truy đuổi, bắt được Huấn Trung Hầu đem giết còn ông chạy thoát.
Sau đó, nghe tin Nguyễn Ánh từ Xiêm (Thái Lan) vượt biển về nước, ông tìm đến yết kiến, trình bày nguyện vọng muốn theo chúa Nguyễn phò Lê. Nghe Nguyễn Đình Đắc trình bày lai lịch và ý nguyện của mình, Nguyễn Ánh mừng rỡ tiếp nhận, trọng dụng và cùng ông bàn kế sách đánh Tây Sơn. Vào tháng 10 năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Đình Đắc được chúa Nguyễn giao chỉ huy đánh thắng quân Tây Sơn ở đồn Ủy Lũng, truy đuổi đến tận tổng Kiến Đăng, huyện Kiến Yên. Ngày 17/11/1785, ông chỉ huy đánh đồn Ba Đài nhưng không thành, buộc phải lui về đóng ở Trà Lộc.
Lật lại các trang sử của dân tộc thời vua Lê chúa Trịnh ở đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở đàng Trong cho thấy, Phó tướng Nguyễn Đình Đắc là nhân vật khá đặc biệt của lịch sử thời phong kiến. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc dòng họ công thần, trên một vùng quê địa linh nhân kiệt. Và chính truyền thống của gia đình, dòng họ đã tạo nên nhân vật kiệt xuất Nguyễn Đình Đắc, một con người văn võ toàn tài. Ông đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp phò vua, giúp nước. Dù ở bất cứ cương vị hay hoàn cảnh nào, ông đều nêu cao khí tiết trung quân, ái quốc, không sợ gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tài năng và công trạng cũng như cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được mãi mãi lưu truyền trong sử sách.
Trong thời kỳ khủng hoảng chính trị xã hội đương thời, ông cố tìm cho mình một minh chủ để thực hiện khát vọng phục hưng nhà Lê. Và ông đã dấn thân vào cuộc nội chiến giữa các thế lực Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn với biết bao trận mạc, biến cố. Theo dòng thời gian và sự kiện, ông khi ở bên này khi ở bên kia, nhưng dẫu ở bên nào thì ông cũng đều là một người giỏi cầm quân. Qua các trận chiến, ông đều tỏ ra là một vị tướng trí, dũng song toàn. Điều đặc biệt là dẫu đầu quân chiến đấu dưới ngọn cờ nào thì chí hướng nhất quán, xuyên suốt, dựa trên nền tảng tư tưởng “dĩ bất biến” của ông vẫn là phò Lê. Vì thế, không chỉ có người đương thời mà ngay cả hậu thế ngày nay đều phải ngưỡng vọng, tôn kính ông về tấm lòng trung thành, một ý chí không gì lay chuyển được.
THEO DANVIET