Trường Lạc Hoàng thái hậu (1441-1505) là quý phi của vua Lê Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lê Hiến Tông. Bà còn có 2 cháu nội cũng làm hoàng đế trong lịch sử Việt Nam: Lê Túc Tông và Lê Uy Mục.
Có thể nói, cuộc đời của Trường Lạc Hoàng thái hậu trải qua bao thăng trầm với số phận bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà đi từ vị trí sung nghi đến quý phi rồi hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu… Nhưng cuối đời lại bị chính cháu nội là Lê Uy Mục sát hại
Bị chính cháu nội giết chết
Trường Lạc Hoàng thái hậu tên thật Nguyễn Thị Hằng là con gái của Trịnh quốc công Nguyễn Đức Trung – người có công trong việc đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi.
Khi Thánh Tông là hoàng tử, trong một lần dạo chơi ở bờ sông chợt thấy một người con gái xinh đẹp ngồi vo gạo dưới bến rồi đem lòng cảm mến, quyết chinh phục bằng được. Ông dò hỏi mãi mới hay bà tên Thị Hằng, con gái của tướng Đức Trung. Hơn nữa, mẹ của hoàng tử lại là bạn thân của mẹ bà, vì thế mối tình nhanh chóng kết trái.
Tháng 7/1460, bà Thị Hằng được Lê Thánh Tông phong làm sung nghi, cho ở Vĩnh Ninh cung để vua luôn được gần bên người đẹp. Sau đó không lâu, bà hạ sinh thái tử Lê Tranh.
Tranh vẽ Trường Lạc Hoàng thái hậu.
Năm 1470, sung nghi được tấn phong làm quý phi và quản lý mọi việc trong hậu cung. Thậm chí vua còn định phong bà làm hoàng hậu nhưng sợ họa ngoại thích nên thôi. Năm 1497, vua Thánh Tông qua đời, thái tử Lê Tranh kế vị rồi lấy niên hiệu là Lê Hiến Tông.
Đến năm 1504, Lê Hiến Tông băng hà. Hoàng thái tử Lê Thuần lên ngôi, tức Lê Túc Tông, tôn bà Thị Hằng làm Thái hoàng thái hậu. Nhưng Túc Tông lại sớm qua đời sau một năm trị vì đất nước. Lúc này triều đình xảy ra tranh chấp ngai vàng.
Do vua Túc Tông không có con trai nên khi lâm chung đã chỉ định anh trai thứ 2 là Lê Tuấn kế vị. Tuy nhiên thái hậu cho rằng Lê Tuấn (tức vua Lê Uy Mục) là con của người phụ nữ hèn kém không đáng để lên ngôi. Triều thần đành phải lừa bà đi đón Lã Côi vương rồi đóng cửa thành, nhanh chóng đưa Lê Tuấn lên ngôi. Uy Mục tôn bà làm Trường Lạc Thánh Từ Thái hoàng thái hậu.
Năm 1505, Uy Mục bất ngờ sai người giết chết thái hoàng thái hậu tại chính tẩm của bà. Thi hài của bà an táng ở khu sơn lăng nay là Lam Sơn, Thanh Hóa. Lý do bà bị chính cháu nội sát hại là bởi khi vua Hiến Tông mất, bà không có ý chịu lập ông lên ngôi.
Thân phận có nhiều tranh cãi
Theo một số sách sử, Trường Lạc Hoàng thái hậu là con gái bị lưu lạc của Nguyễn Trãi. “Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc. Người con gái ấy tư sắc tuyệt đẹp, tuổi đã 17, 18 mà không biết nói. Đến nay theo bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách. Khi hoàng đế bước lên ngự tọa, người con gái bỗng cầm phách hát.
Vua Lê Thánh Tông và bà Nguyễn Thị Hằng.
Tiếng hát du dương, dư âm dường quấn quanh trên rường, như khúc hát Quân thiên (điệu hát trên đế đình). Hoàng đế lấy làm lạ hỏi thì người con gái nói năng giống hệt người Ngọc nữ trên chỗ Thượng đế. Hoàng đế liền thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc Hoàng hậu”, Tang thương ngẫu lục viết.
Còn sử gia Trần Huy Liệu viết rằng: “Thế rồi cả gia quyến Nguyễn Trãi bị bắt giam: con gái bị sung làm nô tỳ ở cung vua hay ở các nhà quan, con trai thì chờ ngày ra pháp trường chịu tội tử hình”.
Vì là người có nhan sắc tuyệt đẹp, bà Thị Hằng được vua yêu quý nhất trong số các cung nữ. Vua còn cho điều tra lại vụ án Lệ Chi Viên và xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Nhưng mối tình giữa bà và vua chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Sau này, bà bị chồng ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng hận thù.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bà đã bị giam cầm trong cung. Đến khi vua Lê Thánh Tông trở bệnh, bà mới được đến thăm rồi ngầm đem thuốc độc bôi vào chỗ lở loét của chồng khiến bệnh nặng mà băng hà.
K.T (Theo Thời Đại )